Sau một tuần dùng công nghệ nano làm sạch sông Tô Lịch, người dân vẫn tiếp tục vứt rác xuống

4 máy sục khí nhỏ gọn được ví như các “nhà máy xử lý” nước thải được đặt chìm xuống đoạn sông Tô Lịch dài 300 mét với kỳ vọng tạo ra điều khác biệt. Sau một tuần triển khai dự án, người dân đánh giá mùi hôi đã giảm, nước có vẻ trong hơn. Tuy nhiên, hành động vứt rác bừa bãi xuống sông vẫn diễn ra.

Hà Nội thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản

Sáng 16/5 vừa qua, thành phố Hà Nội khởi động “dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor”. Sông Tô Lịch vốn là một con sông thơ mộng có chiều dài khoảng 14km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). 

Tuy nhiên, theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch. Ngoài ra, hạ lưu sông còn phải tiếp nhận nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp ở Vĩnh Tuy, Mai Động, Văn Điển. 

Một đoạn sông Tô Lịch (từ ngã tư Bưởi – Hoàng Quốc Việt xuôi về Cầu Giấy) được thí điểm lắp đặt 4 máy sục khí kèm các tầm vật liệu thiên nhiên. Theo các chuyên gia Nhật Bản, với công nghệ hiện đại này, thì sau 3 ngày, mùi hôi của sông Tô Lịch sẽ giảm và vài tháng sau, dòng sông này sẽ “hồi sinh”.

Sau một tuần dùng công nghệ nano làm sạch sông Tô Lịch, người dân vẫn tiếp tục vứt rác xuống - Ảnh 1.

Từ ngày 16/5, dự án thí điểm làm sạch 300m sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano được đi vào vận hành.

Sau một tuần dùng công nghệ nano làm sạch sông Tô Lịch, người dân vẫn tiếp tục vứt rác xuống - Ảnh 2.

Các máy sục khí được lắp đặt dọc 300m sông Tô Lịch đoạn ngã tư Bưởi – Hoàng Quốc Việt.

Sau một tuần dùng công nghệ nano làm sạch sông Tô Lịch, người dân vẫn tiếp tục vứt rác xuống - Ảnh 3.

Công nghệ này có thể xử lý được hơn 1,3 triệu m3/ngày đêm.

Được biết, công nghệ này có thể xử lý được hơn 1,3 triệu m3/ngày đêm, tức là gấp khoảng 9 lần lượng nước chảy vào sông Tô Lịch hiện nay. Các máy sục khí khi được đặt chìm dưới nước sẽ tạo ra dòng khí nano khuếch tán vào dòng nước, kích thích các vi sinh vật hoạt động, từ đó giải phóng oxy, xử lý bùn thải, tạo nên môi trường trong lành hơn. 

Việc áp dụng công nghệ này để thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch sẽ mở đầu cho chuỗi hoạt động làm sạch các dòng sông, hồ của thủ đô và có thể lan tỏa ra địa phương khác.

Sau một tuần dùng công nghệ nano làm sạch sông Tô Lịch, người dân vẫn tiếp tục vứt rác xuống - Ảnh 4.

Các máy sục khí khi được đặt chìm dưới nước sẽ tạo ra dòng khí nano khuếch tán vào dòng nước.

Sau một tuần dùng công nghệ nano làm sạch sông Tô Lịch, người dân vẫn tiếp tục vứt rác xuống - Ảnh 5.

Những chiếc máy xử lý nước đã được đặt dọc bờ sông, trước cống nước thải và đi vào hoạt động tích cực.

Sông Tô Lịch chuyển biến thế nào sau một tuần áp dụng công nghệ Nano?

Một tuần sau khi áp dụng công nghệ xử lý ô nhiễm của Nhật Bản, sông Tô Lịch cơ bản bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Bằng cảm quan, nhiều người dân đánh giá đoạn sông đã bớt mùi hôi thối, nước tầng mặt có vẻ trong hơn, không còn nổi váng. Tuy nhiên, bác Huy (65 tuổi) – người trực tiếp lấy nước dưới sông Tô Lịch đựng vào một chai nhựa đánh giá, nước đã đổi màu, nhưng chỉ cần một lúc, cặn bẩn vẫn sẽ lắng xuống dưới.

“Trước đây, ngày nào chúng tôi cũng đóng cửa vì mùi hôi thối từ sông “bay” vào trong nhà. Từ khi lắp đặt công nghệ xử lý, chúng tôi rất phấn khởi. Nói chung thành phố nên nhân rộng dự án này dọc cả sông Tô Lịch để người dân 2 bên bờ được hưởng cuộc sống sạch sẽ, mát mẻ” – bác Huy nói. 

Sau một tuần dùng công nghệ nano làm sạch sông Tô Lịch, người dân vẫn tiếp tục vứt rác xuống - Ảnh 6.

Bác Huy – một người dân trực tiếp lấy nước từ dưới lòng sông lên đánh giá.

Sau một tuần dùng công nghệ nano làm sạch sông Tô Lịch, người dân vẫn tiếp tục vứt rác xuống - Ảnh 7.

Nước được đóng vào chai một thời gian bắt đầu có lắng cặn.

Chú Trần Kim Nghĩa (42 tuổi) chia sẻ, xử lý đoạn sông Tô Lịch ở đầu nguồn là việc cấp thiết để hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nếu giữa và cuối nguồn, lượng thải lớn vẫn ứ đọng thì công nghệ này gần như không còn giá trị. 

“Từ khi thí điểm máy sục khí Nano, tôi thấy dòng sông đảm bảo, đỡ mùi hơn trước nhiều và có vẻ nước trong hơn một chút, dù không đáng kể. Tôi hy vọng thành phố sẽ vớt chất bùn đưa về lọc công nghiệp vi sinh cho cây trồng. Đặc biệt, quan trọng vẫn là phải xử lý tận gốc, nên có cống thải riêng gom lại để xử lý nước thải của thành phố và các hộ dân 2 bên sông. Có như vậy, sông Tô Lịch may ra mới trở lại hình dáng “nàng thơ” của Hà Nội” – chú Nghĩa nói. 

“Những người sống bên sông như chúng tôi cần được trả lại môi trường sống đúng nghĩa, trước khi nghĩ ra biện pháp khác. Ngày nắng nóng, mùi hôi của nước sông ảnh hưởng tới một vùng rộng bán kính 100m” – cô Hương (50 tuổi) tâm sự. 

Sau một tuần dùng công nghệ nano làm sạch sông Tô Lịch, người dân vẫn tiếp tục vứt rác xuống - Ảnh 8.

Chú Trần Kim Nghĩa quan sát dàn máy xử lý ô nhiễm dưới lòng sông Tô Lịch.

Sau một tuần dùng công nghệ nano làm sạch sông Tô Lịch, người dân vẫn tiếp tục vứt rác xuống - Ảnh 9.

Người dân đánh giá đoạn sông đã bớt mùi hôi thối.

Sau một tuần dùng công nghệ nano làm sạch sông Tô Lịch, người dân vẫn tiếp tục vứt rác xuống - Ảnh 10.

Dòng nước có vẻ trong hơn, nhưng nếu vào mùa mưa, người dân lo sợ nước sẽ đục ngầu trở lại.

Người dân tiếp tục vứt rác xuống sông Tô Lịch

Theo ghi nhận của chúng tôi, chiều 22/5 xuất hiện tình trạng người dân ném rác trực tiếp xuống sông Tô Lịch. Người này lén lút ném bịch rác rồi nhanh chóng bỏ đi. Chứng kiến vụ việc, một nam thanh niên bức xúc: “Dù đã lắp công nghệ xử lý nước thải nhưng ý thức của người dân như vậy thì làm sao cải thiện được chất lượng nước. Các bạn nhìn xem, đoạn sông này có khác gì cống nước thải lộ thiên đâu. Tôi tin công nghệ của Nhật Bản có thể làm sạch đoạn sông này. Nhưng vấn đề là sạch được bao lâu khi mà các đầu cống nước thải sinh hoạt vẫn đổ trực tiếp ra sông, khi mà ai đó vẫn tiếp tục ném rác như thế?”. 

Đồng quan điểm trên, chị Thảo Linh (35 tuổi) chia sẻ, vấn đề đang giải quyết là công nghệ xử lý cho dòng sông trở nên xanh trong, sạch đẹp. Còn việc xả rác thuộc về ý thức người dân, đó là hai việc hoàn toàn khác nhau. 

“Muốn dòng sông Tô Lịch sạch phải xử lý từ nguồn gốc ô nhiễm, từ ý thức của mỗi người không ném rác bừa bãi, rồi đến hệ thống cống rãnh và cuối cùng mới đến xử lý dòng sông. Thành phố nên lắp đặt các hệ thống nước thải đi riêng dành cho các hộ dân 2 bên sông, có như thế sông mới sạch và cảnh quan Hà Nội sẽ cực kỳ “viên mãn”” – chị Linh nói. 

Sau một tuần dùng công nghệ nano làm sạch sông Tô Lịch, người dân vẫn tiếp tục vứt rác xuống - Ảnh 11.

Một người dân dừng xe vứt rác xuống lòng sông. Hành động này khiến rất nhiều người bức xúc.

“Mỗi sông, suối hay ao hồ đều có khả năng chịu một lưu lượng nước thải và tải lượng các chất ô nhiễm nhất định. Nếu thải trong thời gian cho phép và tải lượng các chất ô nhiễm là không vượt quá khả năng chịu đựng đó thì nguồn nước có khả năng tự làm sạch. Ở sông Tô Lịch là do lưu lượng quá nhiều nên không còn khả năng tự làm sạch nữa. Quan trọng ở đây vẫn là xử lý từ gốc thôi.  

Tôi tin công nghệ của những người bạn đến từ Nhật Bản có thể làm sạch đoạn sông này. Nhưng vấn đề là sạch được bao lâu khi mà các đầu cống nước thải sinh hoạt vẫn đổ trực tiếp ra sông?” – anh Anh Tuấn (28 tuổi) chia sẻ. 

Sau một tuần dùng công nghệ nano làm sạch sông Tô Lịch, người dân vẫn tiếp tục vứt rác xuống - Ảnh 12.

Người dân kỳ vọng công nghệ Nano xử lý chất thải sẽ là bước điệm giúp trả lại “hình dáng” ban đầu của sông Tô Lịch.