Có lẽ đến ngày qua đời, Josh Marks vẫn không thể tin được rằng mình đánh rơi chức vô địch cùng “giấc mơ Mỹ” vào tay cô gái Việt khiếm thị ấy…
1. Vài hôm trước, trợ lý ngôn ngữ của HLV Park Hang-seo – Lê Huy Khoa, gây xôn xao người hâm mộ bóng đá nước nhà với tiết lộ về lý do Công Phượng không được HLV Park Hang-seo cho ra sân trong trận tranh huy chương đồng Asiad 2018.
Theo trợ lý này, sở dĩ vì thế là bởi HLV người Hàn Quốc rất chú trọng tiểu tiết và nhãn quan đặc biệt, đôi lúc khiến người xung quanh khó hiểu. Ông Khoa kể:
“Trong buổi tập cuối cùng chuẩn bị cho trận tranh huy chương đồng, HLV Paek Hang-seo để ý thấy Công Phượng toàn sút bóng bằng chân trái, trong khi Phượng thuận chân phải. Từ đó, ông Park quyết định để Phượng dự bị vì nghĩ cậu ấy bị đau chân phải nhưng vẫn cố giấu.
Đến khi kết thúc Asiad, lúc Phượng hỏi HLV Park thì chính cậu ấy cũng ngớ ra, hóa ra chỉ vì muốn bảo vệ chân phải mà cậu ấy đã “lơi chân” trong buổi tập cuối, khiến HLV trưởng hiểu nhầm, tưởng anh bị đau thật nên Phượng mất luôn cơ hội được ra sân“.
Công Phượng không được ra sân trong trận tranh huy chương đồng Asiad 2018 vì khiến HLV Park Hang-seo hiểu lầm?
Người không tin câu chuyện này thì viện dẫn lý do làm gì có chuyện ông Park Hang-seo lại ngây ngô đến mức vô lý như thế, muốn biết Công Phượng có chấn thương hay không thì chỉ việc hỏi bộ phận y tế, thậm chí hỏi thẳng Công Phượng, chứ chỉ vì tự suy diễn chi tiết mình nhìn thấy, xong tự suy diễn và kết luận, xong “đì” chân sút này trên ghế dự bị suốt cả trận đấu quan trọng, thì quả tình là khó thể tin nổi.
Còn những người tin câu chuyện này thì chỉ còn biết chép miệng tiếc thầm cho U23 Việt Nam, bởi nếu Công Phượng có cơ hội được ra sân ở trận đấu ấy, thì chắc hẳn mọi thứ sẽ khác, và biết đâu nó sẽ là một bước ngoặt quan trọng của chân sút HAGL này.
Nhưng sau câu chuyện ấy, có một chi tiết khiến người viết cứ phải đặt dấu hỏi: Vì sao Công Phượng lại phải “lơi chân” trong buổi tập cuối, để rồi phải dẫn tới hiểu lầm (nếu có) đáng tiếc này?
Mới đây, ngôi sao bóng đá Thái Lan Theerathon Bunmathan – người từng ghi bàn thắng ấn định tỷ số 3-0 vào lưới đội tuyển Việt Nam gần 3 năm trước ngay trên sân Mỹ Đình, chia sẻ khá nhiều điều về việc chơi bóng ở giải đấu cao nhất của Nhật Bản, với nhiều điều khiến anh phải ngỡ ngàng với đẳng cấp bóng đá ở J-League 1.
Ngôi sao Thái Lan chơi trong đội hình Vissel Kobe cạnh Lukas Podolski và siêu sao Iniesta này tâm sự rằng dù cho thể lực của anh là cực tốt khi chơi ở Thái, nhưng sang Nhật, chỉ giúp anh chạy được 60-70 phút là cùng. Ngay sau trận đấu đầu tiên trên đất Nhật, đôi chân của cầu thủ này tê cứng vì quá tải.
Bên cạnh đó, ngôi sao bóng đá hàng đầu Thái Lan này còn rất ngạc nhiên khi ở Thái Lan, anh là ngôi sao cực kỳ nổi tiếng, nhưng “Sang Nhật Bản, tôi không là gì cả. Không ai biết tới tôi“. Theerathon Bunmathan bị sốc, nhưng sau đó anh phải tự thiết lập lại bản thân, tập luyện hăng hơn, học tử tế hơn về cả chiến thuật và kỹ thuật.
Theerathon Bunmathan là một trong 4 ngôi sao sáng của bóng đá Thái Lan hiện đang thi đấu tại nước ngoài, và cả 4 ngôi sao ấy đều nhiều khả năng không tham dự AFF Cup 2018. Song có lẽ khi bước chân vào một trận đấu quan trọng ở Asian Cup 2019, ngôi sao Thái Lan này sẽ vẫn tập sút đều ở buổi tập cuối cùng, bởi thể lực và kỹ thuật của anh có thừa để không phải “lơi chân”, giành phần cho trận đấu chính thức.
Theerathon Bunmathan thi đấu ở J-League, Công Phượng cũng từng thi đấu ở J-League, dù chỉ là J-League 2. Có điều, nếu như ngôi sao người Thái Lan chẳng được ai biết tới khi thi đấu ở Nhật Bản, thì Công Phượng vẫn đều đặn lên báo, đi làm đại sứ, tham gia quảng bá CLB tương đối trên đất Nhật. Chỉ có điều, “ngôi sao quốc dân” của Việt Nam ra sân… hơi ít.
2. Nếu như câu chuyện của Công Phượng liên quan nhiều đến thể lực, thì Xuân Trường lại là một câu chuyện khác.
Cũng theo tiết lộ của trợ lý Lê Huy Khoa, vấn đề của Xuân Trường ở Asiad 2018 lại nằm ở sự thích nghi: “Xuân Trường chơi rất hay ở giải U23 châu Á hồi đầu năm, vì khi đó cậu ấy mới trở về từ Hàn Quốc, đang quen với lối đá tại Gangwon vốn có những nét tương đồng với lối chơi mà HLV Park Hang-seo áp dụng cho U23 Việt Nam.
Tuy nhiên, khi về đá cho HAGL tại V.League, Xuân Trường quay trở lại chơi theo trường phái giữ bóng. Đến khi cùng U23 Việt Nam dự Asiad, cậu ấy quên mất cách đá như hồi đầu năm nên gặp vấn đề trong việc thích nghi với lối chơi của thầy Park“.
Cũng như tiết lộ về Công Phượng, tiết lộ này cũng gây không ít sự nghi ngại với người hâm mộ. Người tin thì chép miệng tiếc cho Xuân Trường, rồi tự hỏi thực ra lối đá của HAGL là gì, mà lại khiến tiền vệ người Tuyên Quang đang tỏa sáng rực rỡ, tự nhiên lại đánh mất luôn chính mình như thế.
Người không tin thì hỏi nhau vì sao trình độ như Xuân Trường mà lại không thể dứt ra mà thích nghi với lối chơi mà tiền vệ người Tuyên Quang đã từng đá trong màu áo U23, và chả nhẽ 3 trận tứ hùng, cùng thời gian chuẩn bị trước Asiad 2018 là không đủ để HLV Paek Hang-seo khiến Xuân Trường “tìm lại chính mình”?
Mới đây nhất, bác sỹ Đồng Xuân Lâm phát biểu với VNBongda về vấn đề HAGL đang gặp phải: “Thực ra những trận thua vừa rồi do các em nó thiếu kinh nghiệm. Bạn nên nhớ rằng đội bóng HAGL toàn cầu thủ trẻ, đội bóng đúng ra vẫn đang trong quá trình đào tạo các em nó, trên sân không có cầu thủ lớn tuổi nào dẫn dắt cả, ai cũng có cơ hội ra sân.
Đội hình không phải là bộ khung cứng đá ổn định ngay mà chỉ tiêu vẫn là đang tiếp tục đào tạo trẻ để các cháu trưởng thành, nên việc thành tích có phập phù cũng là dự kiến từ trước“.
Văn Quyến từng đoạt Quả bóng vàng Việt Nam từ năm 19 tuổi, và Lê Công Vinh từng đoạt đến 3 Quả bóng vàng vào năm 22 tuổi, tức là còn kém tuổi những Công Phượng, Xuân Trường hiện tại.
Quang Hải – ứng cử viên sáng giá nhất cho Quả bóng vàng Việt Nam năm nay mới có 21 tuổi, Văn Hậu, cầu thủ chơi xuất sắc cả hai giải đấu thành công của U23 Việt Nam và không thể thay thế bên cánh trái của ĐTQG Việt Nam và CLB Hà Nội thậm chí mới có 19 tuổi.
Đã gần tròn 4 mùa lên chơi V.Leaguem chả nhẽ trong mắt bầu Đức và Ban lãnh đạo HAGL, lứa U19 lừng lẫy ngày nào với Công Phượng, Xuân Trường… vẫn chỉ là những đứa trẻ, vừa phải “vừa học, vừa làm”?
Sáu năm trước, có một cô gái gốc Việt khiến cả nước Mỹ “phát điên”, với chức quán quân cuộc thi truyền hình thực tế MasterChef mùa 2012. Christine Hà – tên Việt Nam là Hà Huyền Trân, không chỉ là nhà vô địch xứng đáng của cuộc thi này, mà khiến tất cả phải kinh ngạc bởi cô gái này… là một người khiếm thị.
Dẫu cho suốt cuộc thi, cả ba giám khảo lừng danh là Gordon Ramsay, Joe Bastianich và Graham Elliot đều liên tục nhắc nhở Christine Hà rằng cô sẽ không nhận được bất kỳ sự ưu ái nào, dù thiệt thòi rất nhiều so với các thí sinh khác, nhưng đến cuối cùng, họ đều phải công nhận rằng cô gái gốc Việt này xứng đáng đoạt chức vô địch, dù cho có phải tự mình vượt qua nghịch cảnh.
Có thể HAGL chưa phải là môi trường tốt nhất để những Công Phượng, Xuân Trường phát triển và vươn lên tầm cao xứng đáng, có thể những ngôi sao phố Núi phải nhìn những Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng hay Đức Huy… – những cầu thủ trẻ vừa lên ngôi vô địch V.League trong màu áo CLB Hà Nội với ánh mắt thèm thuồng, nhưng trên tất cả, nỗ lực của bản thân họ cũng là điều quan trọng chẳng kém môi trường phát triển.
Có thể HAGL lúc này đã là chiếc áo quá hẹp để những ngôi sao sáng của lứa U19 ngày nào có thể tỏa sáng, nhưng nếu cứ chỉ biết than thân trách phận, ấm ức với “tài cao, phận thấp”, thì rất có thể Công Phượng, Xuân Trường sẽ đi vào con đường của Josh Marks – chàng trai da đen đứng thứ nhì sau Christine Hà ở MasterChef 6 năm về trước.
Đúng 13 tháng sau ngày nhận chức Á quân MasterChef mùa thứ ba, Josh Marks được tìm thấy trong một con hẻm nhỏ ở Chicago với một khẩu súng bên cạnh thi thể. Cảnh sát kết luận chàng trai 26 tuổi tự sát do trầm cảm. Suốt cuộc thi MasterChef 6 năm về trước, Josh cực kỳ tự tin vào tài năng của mình, và có lẽ đến ngày qua đời, anh vẫn không thể tin được rằng mình đánh rơi chức vô địch cùng “giấc mơ Mỹ” vào tay cô gái Việt khiếm thị ấy…
Vòng 23 V.League 2018: HAGL 3-5 Hà Nội FC