Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.
ĐB Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) cho hay, vấn đề gỡ “thẻ vàng” của Uỷ ban Châu Âu cho thuỷ sản Việt là vấn đề ông quan tâm và muốn chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.
Sáng nay (6/11), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường sẽ là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Bộ trưởng Cường sẽ có hơn nửa ngày để trả lời nhóm vấn đề về chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác mở cửa, phát triển thị trường nông sản, thủy sản;
Ngoài ra, Công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, xử lý tồn tại, vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển cũng là vấn đề chờ Tư lệnh ngành NN&PTNT trả lời.
“Chia lửa” cùng Bộ trưởng Cường có Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Lao động – Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Chia sẻ trước phần chất vấn, trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Cường bên hành lang Quốc hội, đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) cho hay, vấn đề gỡ “thẻ vàng” của Uỷ ban Châu Âu cho thuỷ sản Việt là vấn đề ông quan tâm và muốn chất vấn Bộ trưởng Cường.
Theo ông Giang, thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực để Liên minh Châu Âu rút lại “thẻ vàng”, song tàu cá vẫn vi phạm.
“Tôi rất lo lắng nếu chúng ta không “gỡ” được thẻ vàng. Trách nhiệm của Bộ NN&PTNT trong vấn đề này như thế nào?”, đại biểu Thái Trường Giang nêu câu hỏi.
Trong khi đó, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, đây không phải lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn.
“Chưa lần nào Bộ trưởng trả lời mà tôi cảm thấy vui”, bà Tuyết nói và cho rằng, Bộ trưởng đưa ra rất nhiều giải pháp, nhưng chưa đưa giải pháp đó đi vào cụ thể để người nông dân có thể sống được và làm giàu từ nông nghiệp.
Theo đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh, cần có những giải pháp để tránh xảy ra tình trạng lâu lâu lại phải “giải cứu” một mặt hàng nào đó.
“Vấn đề ở đây là phải đảm bảo để nông sản của chúng ta đến được nhiều thị trường mà không phải chỉ phụ thuộc vào một thị trường cụ thể nào đó”, bà Tuyết nói.
Đại biểu Tuyết nêu, người Việt Nam sử dụng rất nhiều nông sản nhập khẩu vì nghĩ rằng an toàn hơn nông sản trong nước như trái cây, rau củ…
“Nếu như nông sản Việt Nam thay thế được những sản phẩm đó thì cũng mang lại nguồn thu rất lớn cho người nông dân của mình”, đại biểu Bạch Tuyết nhấn mạnh.
Từ 15h ngày 6/11, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ giải trình về công tác quản lý, điều tiết điện lực; quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo, hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa; công tác quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại, quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, ứng dụng cơ khí chế tạo…
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân bắt đầu trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba vào trưa 7/11. Ông Tân sẽ thông tin việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển và đánh giá, xử lý vi phạm của cán bộ cũng là nội dung ông phải giải trình với các đại biểu.
Ngày cuối cùng của phiên chất vấn (8/11) là thời gian dành cho Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Bộ trưởng Hùng sẽ trả lời về công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp, thu hồi thẻ nhà báo; quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; môi trường mạng.
Bộ trưởng Hùng cũng thông tin về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử.
Với từng nhóm vấn đề, các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực và các vị Bộ trưởng, trưởng ngành liên quan sẽ tham gia giải đáp, làm rõ thêm nội dung chất vấn của đại biểu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người đăng đàn cuối cùng để làm rõ những vấn đề các Bộ trưởng đã nêu và trả lời chất vấn của đại biểu.