Sản phẩm nhựa dùng một lần không rõ nguồn gốc tại Việt Nam: Tình trạng báo động đỏ

Từ chiếc thìa mỏng dính sắc cạnh đi kèm gói xôi sáng, túi nylon mua rau thịt cá, chiếc cốc và nĩa trong hộp mỳ tôm ăn nhanh… tưởng chỉ là vật dụng nhỏ và không đáng lưu tâm nhưng tác động tiêu cực tới môi trường sống và sức khỏe của con người rất lớn.

Từ chiếc thìa mỏng dính sắc cạnh đi kèm gói xôi sáng, túi nylon mua rau thịt cá, chiếc cốc và nĩa trong hộp mỳ tôm ăn nhanh… tưởng chỉ là vật dụng nhỏ và không đáng lưu tâm nhưng tác động tiêu cực tới môi trường sống và sức khỏe của con người rất lớn.

Sản phẩm nhựa dùng một lần không rõ nguồn gốc tại Việt Nam: Tình trạng báo động đỏ - Ảnh 1.

Các sản phẩm nhựa thông thường dùng 1 lần hiện nay hình dáng rất bắt mắt nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ

Hiểu về nhựa và rác thải nhựa

Nhựa là các hợp chất cao phân tử, được dùng làm vật liệu để sản xuất nhiều loại vật dụng trong đời sống hằng ngày như: hộp đựng thực phẩm, bình đựng nước, dao thìa dĩa, ống hút, cốc nhựa, găng tay nilon… Rõ ràng, nhựa thật sự là một phát minh vĩ đại của loài người với giá thành rẻ, dễ tạo hình sản phẩm, mẫu mã đẹp và màu sắc thời trang.

Sau một thời gian dài loài người tung hô phát minh này và sử dụng tối đa, giới khoa học và người tiêu dùng ngày nay đã nhận ra và đang hoảng sợ với những mặt trái của nhựa, đặc biệt là tác động tiêu cực đến sức khỏe người dùng và ảnh hưởng lâu dài đến môi trường.

Khả năng tồn tại “bền bỉ” của nhựa thông thường cũng khiến các đồ dùng làm từ vật liệu này trở thành loại rác thải “cứng đầu”, phá hủy môi trường sống của không chỉ chúng ta mà còn của con cháu nhiều đời sau.

Sản phẩm nhựa dùng một lần không rõ nguồn gốc tại Việt Nam: Tình trạng báo động đỏ - Ảnh 2.

Hiểm họa trong các hộp đồ ăn nóng sốt

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, hàng năm, trên thế giới có khoảng 300 triệu tấn nhựa được sản xuất ra thị trường. Song chỉ khoảng 9% số rác thải này được tái chế, khoảng 12% được đem thiêu hủy, còn lại 79% bị chôn vùi trong các bãi rác hoặc đổ vào đại dương. Tuy nhiên, sự phân hủy không hoàn toàn của rác thải nhựa tạo ra một lượng vi nhựa trong lòng đất, xâm nhập vào các nguồn nước và theo đó đi vào cơ thể của con người. Báo cáo nói trên cũng cho biết, 83% nước vòi và 90% nước đóng chai có chứa vi nhựa.

Việt Nam đang là nước đứng thứ 4 trên thế giới về tình trạng đáng báo động của ô nhiễm rác thải nhựa với 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa được xả ra biển mỗi năm (chiếm 6% toàn thế giới) (theo báo cáo của Science journal). Những câu chuyện về các động vật biển bị chết với vài kg rác thải nhựa trong bụng không còn là câu chuyện hiếm thấy. Liệu sẽ đến một ngày, rác thải nhựa có quay trở lại bàn ăn của chúng ta?

Ngoài số lượng thì tiêu chuẩn chất lượng của các sản phẩm nhựa tại Việt Nam cũng là điều đáng phải cảnh báo, đặc biệt là đồ dùng một lần như găng tay, dao thìa nĩa nhựa, ống hút… hầu hết các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường đều không rõ nguồn gốc xuất xứ và tiêu chuẩn chất lượng. Vụ việc chấn động dư luận hồi năm 2016 về những sản phẩm thìa nhựa được làm bằng nhựa tái chế từ rác thải y tế bệnh viện có thể chỉ là một trong hàng ngàn vụ việc tương tự đang diễn ra hàng ngày.

Tuy nhiên, những sản phẩm nhựa dùng một lần thông thường không đảm bảo chất lượng có thể dễ dàng bị loại bỏ ngay lập tức hay không? Giải pháp nào cho vấn đề này?

Làn sóng quay lưng với các đồ nhựa thông thường dùng 1 lần

Với vai trò quá to lớn của nhựa trong đời sống, sẽ không dễ dàng và nhanh chóng để con người có thể dừng sử dụng nhựa. Tuy nhiên, việc tái sử dụng đồ dùng nhựa nhiều lần để giảm thải rác nhựa hay tìm kiếm những vật liệu thay thế một phần nhu cầu là điều hoàn toàn có thể làm được và làm ngay.

Tại các nước tiên tiến trên thế giới và cả ở Việt Nam, người tiêu dùng hiện nay đã bắt đầu có những hành động thiết thực như: sử dụng túi vải đựng đồ thay cho túi nylon, mang chai lọ đến các quán café mua nước mang về, sử dụng ống hút bằng tre và giấy, tìm chọn các sản phẩm vi sinh phân hủy hoàn toàn (compostable)…

Bước đi mới của sản phẩm có thể thay thế nhựa dùng 1 lần

Trong những năm gần đây, sản phẩm vi sinh phân hủy hoàn toàn (compostable) đang dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng tại các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Úc, Anh, … Ví dụ, từ năm ngoái, hãng hàng không American Airlines đã chính thức phục vụ đồ uống trên máy bay với cốc giấy và ống hút vi sinh phân hủy hoàn toàn (compostable), loại bỏ một phần các sản phẩm nhựa thông thường trên các chuyến bay của hãng. Các chuỗi khách sạn lớn như Hyatt, Hilton, hay Marriott UK cũng đều tuyên bố kế hoạch loại bỏ dần việc phục vụ các loại ống hút, dao thìa nĩa bằng nhựa thông thường và thay thế bằng sản phẩm compostable. Tuy nhiên, loại sản phẩm này vẫn còn khá mới mẻ với thị trường Việt Nam.

Nếu như nhựa có nguồn gốc từ các sản phẩm hóa dầu nên rất khó phân hủy thì những sản phẩm vi sinh phân hủy hoàn toàn (compostable) lại có nguồn gốc hữu cơ như tinh bột bắp (ngô)…. Giống như tên gọi của nó, các sản phẩm vi sinh phân hủy hoàn toàn có thể phân hủy hoàn toàn thành CO2, nước và phân mùn hữu cơ trong vòng 06 tháng đến 1 năm với các điều kiện chôn lấp tự nhiên hoặc ủ công nghiệp, không sản sinh ra vi nhựa ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường sống.

Sản phẩm nhựa dùng một lần không rõ nguồn gốc tại Việt Nam: Tình trạng báo động đỏ - Ảnh 3.

Sản phẩm vi sinh phân hủy hoàn toàn có thể thay thế 100% nhựa thông thường

Một điểm cộng khác cho các sản phẩm vi sinh phân hủy hoàn toàn chính là tính chính thống và đảm bảo chất lượng. Trước khi được cung cấp ra thị trường, tất cả sản phẩm này đều được kiểm định khắt khe và cấp các chứng chỉ quốc tế liên quan, đảm bảo 100% tính an toàn khi tiếp xúc với thực phẩm và phân hủy hoàn toàn trước khi được cung cấp ra thị trường. Do đó, người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm lựa chọn sử dụng nhu cầu mỗi ngày của gia đình mình.

Một trong những tổ chức kiểm định uy tín trong lĩnh vực này là TUV Austria. Đây là tổ chức kiểm định và chứng nhận được Hiệp hội Nhựa sinh học Châu Âu ủy quyền để đưa ra kiểm định và chứng nhận mọi vấn đề liên quan đến an toàn kỹ thuật, chất lượng và bảo vệ môi trường. Mỗi sản phẩm compostable vượt qua được vòng kiểm định của TUV Austria sẽ nhận được cấp chứng nhận OK Compost cho mỗi điều kiện phân hủy riêng, ví dụ: OK HOME COMPOST (khả năng phân hủy tại môi trường chôn lấp tự nhiên, tại nhà), OK COMPOST Industrial (khả năng phân hủy trong môi trường ủ công nghiệp).

Trên thế giới và cả ở Việt Nam, sản phẩm vi sinh phân hủy hoàn toàn đã có mặt để phục vụ người tiêu dùng, việc còn lại là do lựa chọn ở mỗi người. Bạn có chọn tiêu dùng xanh để bảo vệ sức khỏe gia đình và môi trường? Và bạn có quyết tâm dừng “tặc lưỡi” với sản phẩm nhựa thông thường dùng một lần không? Một hành động nhỏ của mỗi người sẽ đều đóng góp một ý nghĩa lớn đối với xã hội và môi trường.