Từng chê màn hình OLED của LG không tiếc lời, nhưng thời gian đã chứng minh công nghệ được tạo ra để “chữa cháy” mang tên QLED của Samsung cũng không thể hiệu quả và thành công như sản phẩm của đối thủ.
Giờ mới là thời điểm để làm TV OLED
Theo thông tin mới nhất, giám đốc điều hành Samsung Display, Lee Dong-hoon, cho biết công ty đang nỗ lực rất nhiều để sản xuất TV màn hình OLED trong tương lai gần.
Tuyên bố này đi kèm với một loạt các hành động khác, cho thấy Samsung đang dần từ bỏ công nghệ LCD LED, bắt đầu bằng việc hạn chế, cắt giảm các dây chuyền sản xuất LCD và phát triển màn hình OLED chấm lượng tử (QD-OLED) để thay thế.
Có thể nói, tuyên bố này đã phần nào chấm dứt hiện tượng khá kỳ lạ tồn tại bất lâu nay, khi Samsung là nhà sản xuất TV lớn duy nhất không sản xuất màn hình OLED. Từng tự tin với công nghệ QLED của mình, Samsung không ít lần đá xoáy, chê bai công nghệ OLED của đối thủ chính LG. Nhưng những con số về lợi nhuận và kinh doanh không phải chuyện đùa, đã tới lúc gã khổng lồ Hàn Quốc phải xem lại chính mình, thừa nhận sai lầm quá khứ để chuyển bước theo xu hướng OLED của thời đại.
Tuy nhiên, đại diện của Samsung Display chưa tiết lộ thời gian và sản phẩm nào sẽ ứng dụng công nghệ này đầu tiên. Nhưng tất nhiên, thứ mà công ty đang hướng tới là thứ có thể thay thế được cho LCD và cạnh tranh với công nghệ OLED của LG, chứ không đơn giản chỉ là loại màn hình cỡ nhỏ cho smartphone hay smartwatch.
Theo các chuyên gia, Samsung đã đầu tư tới 8,3 tỷ USD cho dây chuyền sản xuất màn hình QD-OLED và sản phẩm đầu tiên ra mắt sẽ là một TV cao cấp.
Sai lầm quá khứ hay QLED chỉ là chiêu trò marketing
Năm 2013, Samsung đã từng giới thiệu màn hình sử dụng công nghệ OLED tại Mỹ. Tuy nhiên, mức giá sản phẩm là quá cao, khoảng 10.000 USD cho mẫu 55 inch, chỉ phù hợp với giới siêu giàu. Hai năm sau, hãng tuyên bố ngừng sản xuất TV OLED, nói rằng thị trường chưa sẵn sàng chấp nhận chi phí cao cho công nghệ này.
Thay vào đó, Samsung quyết định tập trung vào phát triển màn hình hiển thị tinh thể lỏng có đèn nền và được tăng cường với cái gọi là chấm lượng tử, tinh thể nano bán dẫn tạo ra màu sắc và có thể cải thiện chất lượng hình ảnh. Chúng được gọi là TV QLED.
Nhưng bên trong công nghệ TV QLED của Samsung, có một phần là sự đổi mới. Còn một phần khác lại được xem là mưu đồ tiếp thị của hãng công nghệ Hàn Quốc.
Đơn giản bởi QLED không hẳn là một công nghệ TV mới. Màn hình LCD và đèn nền LED (điốt phát sáng) đã được sử dụng phổ biến trước đó trong gần mười năm. Vấn đề ồn ào nằm ở chữ Q, ám chỉ việc Samsung sử dụng công nghệ chấm lượng tử (Quantum Dot). Chấm lượng tử là những phân tử cực nhỏ, khi được ánh sáng chiếu vào sẽ phát ra những màu sắc khác nhau, tùy thuộc vào kích thước của chúng. Nhưng đây cũng không phải là nhà sản xuất duy nhất từng triển khai công nghệ này. Chỉ khác ở chỗ Samsung là đơn vị đầu tư nhiều tài nguyên nhất.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà hai cái tên này giống nhau đến thế.
Nếu để ý thì nếu không có cái “đuôi”, chi tiết nhỏ ở góc phải bên dưới trong chữ Q, thì QLED và OLED giống hệt nhau. Ít nhất là từ quan điểm chính tả.
Không khó để tưởng tượng rằng Samsung đã đặt tên “QLED” cho TV cao cấp của mình với hy vọng rằng một số khách hàng khi mua TV OLED sẽ vô tình mua nhầm một chiếc QLED. Và rõ ràng họ sẽ không nhận thấy lỗi nhỏ nhưng cực kỳ quan trọng của mình cho đến khi mọi thứ đã quá muộn.
Rõ ràng, không phải quá oan cho Samsung khi công từng lợi dụng những sự nhầm lẫn như thế này để chuộc lợi trong kinh doanh. Vào năm 2009, Samsung ra mắt các mẫu TV với tên gọi rất hoành tráng là “TV LED”, nhưng thực ra đó vẫn chỉ là những chiếc TV LCD thông thường và dùng đèn nền LED thay vì đèn huỳnh quang. Tên gọi “TV LED” này đã ngay lập tức bị Cơ quan quản lí tiêu chuẩn quảng cáo của Anh tuýt còi và bắt phải làm rõ để tránh gây nhầm lẫn về một thế hệ TV hoàn toàn mới.
Và nhìn vào các đánh giá trực tuyến về cả OLED và QLED trong vài năm qua, có thể thấy TV OLED được sản xuất bởi LG và Sony đã thu hút người hâm mộ nhiều hơn vì chất lượng hình ảnh. Đặc biệt, các nhà phê bình đã trích dẫn việc chúng có màu sắc trung thực và độ phân giải cao hơn, cũng như thiết kế hấp dẫn và giá cả ngày càng hợp lý.
Điều đó không có nghĩa là TV QLED của Samsung không có người ủng hộ. Chất lượng hình ảnh của dòng sản phẩm này cũng được cải thiện và giá đã giảm, nhưng chúng không có xu hướng trở thành lựa chọn hàng đầu.
Tất nhiên OLED của LG có vấn đề với hiện tượng burn-in (những “bóng mờ” cứ nằm ì trên màn hình, mãi không chịu mất đi) và nó cũng là mục tiêu châm chọc chính của Samsung trước đối thủ.
“Chúng tôi kết luận rằng OLED không phù hợp với màn hình lớn, vì nó có thể rút ngắn tuổi thọ sản phẩm khi được giao nhiệm vụ tạo ra hình ảnh sáng”, Jongsuk Chu, người đứng đầu bộ phận bán hàng và tiếp thị cho TV Samsung từng nói.
Nhưng nhìn lại bản thân, QLED cũng không quá “sạch sẽ”.
Trên diễn đàn dành cho cộng đồng người dùng của chính Samsung, vẫn còn một topic được cập nhật từ năm 2017 tới nay. Nó dài tới hàng chục trang, tập hợp chia sẻ và thắc mắc của những người dùng về vấn đề TV QLED của họ tự động tắt bật không thể kiểm soát. Đến nay, vẫn chưa có một giải pháp nào được Samsung đưa ra để giải quyết triệt để vấn đề này.
Nhưng rõ ràng phải công nhận Samsung đặc biệt làm tốt trong vấn đề tiếp thị. Với khả năng của mình, công ty đã đạt thành công đáng kể trong nỗ lực thuyết phục người tiêu dùng rằng QLED là một công nghệ mới vượt trội hơn so với OLED. Điều này một phần dựa vào điểm mạnh của QLED, khi tạo ra hình ảnh ấn tượng trong điều kiện ánh sáng mạnh, với hiệu suất màu vượt trội. Đây cũng là yếu tố mà công ty tập trung chính trong việc quảng bá sản phẩm.
LG từng đánh cược với OLED, giờ tới lượt Samsung
Màn hình OLED về cơ bản chia làm ba loại: RGB OLED, White OLED (WOLED) và Blue OLED.
RGB OLED chính là các màn hình OLED cỡ nhỏ trên smartphone, tablet và một số smartwatch hiện nay. Các điểm ảnh hữu cơ phát ra ánh sáng với các màu Red, Blue và Green, không liên quan tới các ma trận sắp xếp điểm ảnh.
Samsung đã lao vào công nghệ này hồi năm 2013. Nhưng vấn đề là điểm ảnh màu xanh phân rã nhanh gấp đôi so với màu đỏ và màu xanh lá cây, do đó Samsung đã làm cho điểm ảnh màu xanh trên màn OLED lớn gấp đôi so với hai điểm ảnh kia. Đó là một giải pháp khá vụng về và cuối cùng hãng cảm thấy rằng việc phát triển và sản xuất TV OLED như vậy quá tốn kém. Từ đó công ty chuyển sang công nghệ chấm lượng tử, tạo ra QLED.
Đối thủ truyền kiếp của Samsung, LG đã thực hiện một cách tiếp cận khác, phát triển một giải pháp “tao nhã” hơn cho vấn đề phân rã điểm ảnh màu xanh. Đó là WOLED. Các điểm ảnh phát ra ánh sáng trắng, đi qua bộ lọc màu để có ánh sáng Red, Green và Blue. Đồng thời, điểm ảnh phụ White được bổ sung để bù vào số ánh sáng bị bộ lọc màu chặn lại, nhằm kéo lại độ sáng. Cách này tránh được việc phải sử dụng điểm ảnh màu xanh.
Màn đặt cược kiên trì này là lý do chính giúp LG thành công chiếm lĩnh thị trường TV với công nghệ WOLED. Dù trên thực tế, WOLED bị đánh giá kém hơn nhiều RGB OLED và có tỷ lệ nhỏ gây ra hiện tượng burn-in cho màn hình.
Còn Blue OLED chính là công nghệ mà Samsung đang hướng tới. Điểm ảnh hữu cơ phát ra ánh sáng Blue, có khả năng chuyển đổi, tạo ra màu đỏ (Red) và xanh (Green). Nó giúp giảm điện năng tiêu thụ và tái tạo màu sắc chính xác hơn các thế hệ màn hình cũ. Công nghệ kết hợp giữa chấm lượng tử (Quantum Dot) và Blue OLED của Samsung hứa hẹn mang lại sự vượt trội hơn WOLED của LG.
Nhưng không ai biết liệu hãng có thành công không khi theo đuổi hướng đi này. Bởi khi chưa có sản phẩm ra mắt chính thức, mọi lời hứa hẹn chỉ mang ý nghĩa tiếp thị. Các rào cản kỹ thuật luôn tồn tại. Nhưng nếu bước qua Samsung sẽ tạo nên bước chuyển mới cho cả ngành công nghiệp hiển thị cũng như người dùng.
Còn nếu thất bại, LG vẫn sẽ tiếp tục là người hưởng lợi lớn nhất.
Tham khảo Reuters, Wired