Hãy nên coi việc Nga cung cấp S-300 cho Syria chỉ là nước cờ dạo đầu, bản thân nó không thể quyết định cuộc chơi nhưng lại tạo ra một sân chơi mà các bên đều phải thăm dò lẫn nhau.
S300-PMU-2 “Favorit” là phiên bản rất mạnh…
Đến thời điểm hiện tại, những ai quan tâm tới vũ khí Nga đều đã ít nhiều biết thêm thông tin về phiên bản tên lửa S-300 mà Moscow cung cấp cho Syria: Đó là phiên bản xuất khẩu S-300PMU-2 “Favorit” được chuyển đổi từ hệ thống S-300PM và S-300P2 mà nước này cũng đã từng cung cấp cho Iran và Trung Quốc.
Hệ thống sử dụng tên lửa 48N6E2 với tầm bắn chính thức 195 km. Đây là phiên bản nâng cấp mới với các tính năng ưu việt. Vì vậy, tất cả những đồn đoán cho rằng Nga đã chuyển giao cho Syria các phiên bản S-300 lỗi thời là hoàn toàn không chính xác.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên Nga chuyển giao cho Syria một tổ hợp phòng không “có khả năng kiềm chế Israel”: Năm 1983, Liên Xô đã cung cấp cho Damascus một loạt hệ thống S-200VE “Vega-E” (SA-5b), qua đó giúp hạn chế đáng kể các chiến dịch của Tel Aviv bên trong và xung quanh không phận Syria.
Kết hợp với các hệ thống tác chiến điện tử, cũng do Nga chuyển giao, những hệ thống này rõ ràng có một tác động to lớn tới các hoạt động của Mỹ và Israel.
Trong khi Mỹ thừa nhận S-300 là một vấn đề đối với họ thì Israel, như vẫn thường thấy, vừa chỉ trích việc chuyển giao lại vừa cho biết “không hề ngán” và tuyên bố sẽ tiếp tục đánh bom Syria bất cứ khi nào họ thấy cần thiết.
Israel thậm chí còn bạo miệng hơn khi tuyên bố sẵn sàng tiêu diệt cả các kíp chiến đầu người Nga nếu máy bay của họ bị tấn công. Thế nhưng cho đến nay, Israel vẫn tránh xa không phận Syria (và cần nhớ rằng, theo chính các nguồn tin Israel năm 2017, chỉ trong vòng khoảng 2 năm, Quân đội nước này đã tấn công Syria tới gần 200 lần, trung bình 2 ngày một phi vụ!).
Nhưng lần này, Israel không chỉ phải đối diện với một hệ thống phòng không uy lực hơn mà nếu muốn tấn công, họ cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi S-300 là hệ thống cơ động khó phát hiện hơn.
Hơn nữa, một tiểu đoàn S-300PMU2 có thể theo dõi tới 300 mục tiêu (và có khả năng tấn công 36 mục tiêu bằng 72 tên lửa cùng lúc) ở khoảng cách rất xa nên Syria hiện đã có thể cải thiện rất nhiều khả năng cảnh báo sớm khiến Israel nếu muốn tấn công bất ngờ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 Ngay trong lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày chiến Thắng trên Quảng trường Đỏ tại Moscow ngày 9/5/2016. Ảnh: AP
…nhưng Israel vấn có thể tấn công Syria
Tuy vậy, có rất nhiều khả năng cả Israel và Mỹ sẽ vẫn tấn công Syria một lần nữa, ít nhất cũng phục vụ mục đích PR (quảng bá), và trên thực tế điều này không quá khó đối với hai quốc gia đồng minh này, bởi các lý do sau:
Thứ nhất, trái ngược với những gì vẫn thường tuyên bố, không thể nào triển khai đủ số lượng tên lửa S-300/S-400 để “khóa” toàn bộ không phận Syria. Nga đã thiết lập một vùng cấm bay mặc định ở Syria nhưng không phải là khu vực có thể chống đỡ nổi một cuộc tấn công ồ ạt quy mô lớn.
Hoạt động mà các lực lượng Nga và Syria cùng phối hợp làm cho tới này là cố gắng xây dựng một mạng lưới phòng thủ ở một số khu vực nào đó bên trên và xung quanh không phận Syria nhằm đối phó với các đòn tấn công của Israel – Mỹ.
Điều này có nghĩa là họ có thể bảo vệ một số mục tiêu cụ thể, có giá trị cao nào đó. Nhưng khi Mỹ/Israel biết được những gì đã triển khai và triển khai ở đâu, cũng như cách thức hoạt động của mạng lưới phòng không tích hợp của Nga – Syria thì họ có thể sẽ lên kế hoạch tấn công, có thể chưa hiệu quả như kỳ vọng nhưng vẫn là hành động cần thiết phục vụ cho mục đích tuyên truyền.
Thứ hai, các chiến dịch phòng không luôn luôn là trò chơi về số lượng. Ngay cả trong tình huống giả định mỗi tên lửa có thể tiêu diệt được 1 mục tiêu (tức mỗi tên lửa phòng không phóng đi sẽ đánh chặn được một tên lửa tấn công), thì cũng không thể bắn nhiều hơn số lượng tên lửa có trong kho.
Mỹ, NATO, hoặc Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) hoàn toàn có thể phóng nhiều tên lửa tấn công hơn số tên lửa phòng không mà Nga triển khai. Kịch bản này khó có khả năng thay đổi trong tương lai gần.
Thứ ba, Mỹ/NATO/CENTCOM/IDF tất cả đều có các khả năng tác chiến điện tử tiên tiến, cho phép họ chế áp hỏa lực và trinh sát của Nga, đặc biệt nếu các máy bay có tiết diện phản xạ radar (RCS) thấp (như F-22, F-35, B-1B…) được sử dụng trong các vụ tấn công.
Những loại máy bay này (và cả tên lửa) thường không bao giờ hoạt động đơn lẻ mà chúng luôn được hỗ trợ bởi các phương tiện tác chiến điện tử khác.
Cuối cùng, Mỹ cũng có thể triển khai các tên lửa tầm xa để tấn công Syria (chẳng hạn như loại tên lửa hành trình phóng từ ngoài ô phòng không của đối phương AGM-158 JASSM), nhất là trong một chiến dịch tác chiến điện tử kết hợp với tấn công tên lửa tầm xa.
Vì vậy, tất cả những gì Israel – Mỹ cần làm là tính toán cẩn trọng đường bay và mục tiêu tấn công, sử dụng máy bay RCS và tên lửa dưới sự yểm trợ của các phương tiện EW rồi huy động một số lượng tên lửa đủ lớn để đánh bại các hệ thống phòng không của Nga và Syria.
Đâu là “quyền lực ngầm” của S-300 ở Syria?
Dựa vào các cuộc tấn công Syria trước đây có thể thấy rằng Mỹ và Israel dường như quan tâm tới việc thể hiện sức mạnh, tránh nguy cơ bị tổn thương nhiều hơn là việc đạt được một mục tiêu quân sự thực sự có ý nghĩa cụ thể nào đó.
Điều này có nghĩa là, Israel – Mỹ phải cố gắng tránh để máy bay của họ bị bắn hạ. Thế cho nên, hiện tại hai nước vẫn đang lưỡng lự trong kế hoạch “kiểm tra” các khả năng phòng không của Syria.
Tuy nhiên, có rất nhiều khả năng Israel vẫn sẽ phải đánh bại S-300 ở thời điểm họ thấy cần thiết, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Vấn đề với Israel là họ thực sự chưa có lựa chọn tốt, không nằm ở vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề chính trị.
Đặt tình huống, Israel tiến hành một vụ không kích thành công phá hủy một mục tiêu có ý nghĩa nào đó ở Syria (nếu chỉ mang tính biểu tượng thì Nga và Syria cũng chỉ giới hạn phản ứng ở mức phản đối và lên án chứ sẽ không có hành động đáp trả thiết thực nào), thì Nga sẽ làm gì?
Có thể, như Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu từng ám chỉ, Nga sẽ gia tăng số lượng các tổ hợp S-300 và những hệ thống hỗ trợ đi kèm cho Syria. Do đó, tác động từ một vụ tấn công Syria thành công sẽ khiến các vụ tấn công tiếp theo ngày càng trở nên khó khăn hơn. Đó có phải là kịch bản Israel mong muốn? Có lẽ là không.
Vì vậy, nên coi việc Nga chuyển giao S-300PMU-2 cho Syria là nước cờ dạo đầu: Bản thân hệ thống không quyết định được kết quả cuộc chơi nhưng nó giúp tạo ra một sân chơi mà cả hai bên đều phải thăm dò lẫn nhau.
Với Nga, bước đi tiếp theo khá rõ ràng: Tiếp tục chuyển giao tất cả các chủng loại tên lửa phòng không có thể cho Syria (nhất là thêm nhiều hệ thống Pantsir) với mục tiêu cuối cùng là đủ sức bảo vệ toàn bộ không phận Syria khỏi bất cứ cuộc tấn công nào từ Mỹ hoặc Israel.
Những cấu phần chính của một mạng lưới phòng không đa tầng đã được triển khai, cái Syria cần hiện này có lẽ chỉ là số lượng. Hy vọng Nga sẽ giúp Syria làm điều đó.
Bộ trưởng QP Nga công bố chuyển giao S-300 cho Syria