Trước kỷ niệm ngày hội khải hoàn thống nhất non sông, dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 chính thức thông tuyến. Sau hơn nghìn ngày mong ngóng, đợi chờ của nhiều người dân xứ Thanh, giấc mơ nối liền Thanh Hóa – Hà Nội với khoảng 2 giờ đồng hồ đi ô tô đã thành hiện thực. Không chỉ “rút ngắn” khoảng cách, mở thêm khả năng kết nối với các vùng phía Bắc, tuyến cao tốc hơn 63 km này còn mở ra cơ hội thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh Thanh Hóa trong tương lai.
Cơn mưa bất chợt sau đợt nắng nóng đầu hè không làm vơi đi sự háo hức, nhộn nhịp trên các tuyến đường dẫn đến 2 nút giao lên cao tốc thuộc huyện Hà Trung. Tại vị trí phía Nam hầm Thung Thi thuộc xã Hà Lĩnh, đúng 10 giờ, lễ cắt băng khánh thành được long trọng diễn ra. Sự hiện diện của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cũng đã cho thấy tầm quan trọng của tuyến đường này đối với sự phát triển của đất nước.
Trong không khí tràn đầy niềm vui và sự hứng khởi, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Đây là dự án có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của cả nước nói chung và các tỉnh có tuyến đường đi qua nói riêng. Đoạn qua địa bàn Thanh Hóa hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đến Ninh Bình, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thông qua các nút giao liên thông; kết nối tỉnh Thanh Hóa với các trung tâm kinh tế – chính trị – xã hội trên cả nước. Tuyến cao tốc được kết nối sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa, thúc đẩy phát triển du lịch, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư”.
Lễ cắt băng khánh thành Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45, sáng 29-4.
Ngay sau lễ khánh thành, những chuyến xe khách, xe con bắt đầu lăn bánh trên con đường rải nhựa êm ru. Nhìn từ trên cao, tuyến giao thông với nhiều kỳ vọng này như một dải lụa, vươn dài mềm mại qua những đồi dứa, lùm cây như bức tranh thủy mặc giữa đất trời xứ Thanh. Dự án cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 dài 63,37 km, trong đó có 14,35 km đi qua tỉnh Ninh Bình và 49,02 km qua Thanh Hóa. Dự án giao thông hiện đại với tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng này có chiều rộng 4 làn xe với 2 làn mỗi chiều cho phép chạy tốc độ tối đa 80 km/giờ và tốc độ thấp nhất là 60 km/giờ. Ở đoạn phía Nam của tuyến cao tốc có cầu Núi Đọ vượt sông Chu dài gần 2 km thuộc huyện Thiệu Hóa góp phần xóa bỏ sự chia cắt giữa các vùng đất đôi bờ suốt chiều dài lịch sử. Nút giao xuống Quốc lộ 47 giúp khu vực TP Thanh Hóa, các huyện phía Tây của tỉnh dễ dàng kết nối với tuyến cao tốc, mở hướng vươn xa với các tỉnh phía Bắc, và cả phía Nam khi các đoạn cao tốc còn lại sẽ hoàn thành trong tương lai gần.
Vui chung cùng sự kiện lớn của đất nước, ông Hà Hữu Năm, người dân xã Tân Châu (Thiệu Hóa), bày tỏ: “Tuyến cao tốc đi qua địa phương, lại có nút giao Thiệu Giang để kết nối với huyện Thiệu Hóa, chúng tôi thực sự phấn khởi. Người dân chúng tôi cám ơn Đảng và Chính phủ đã cho xây dựng công trình giao thông ý nghĩa này”.
Các tầng lớp Nhân dân tỉnh Thanh Hóa háo hức mong chờ ngày thông xe.
Trên một chuyến xe khách đầu tiên hồi hương, chị Lê Thị Mai, người dân phường Long Anh (TP Thanh Hóa) hiện công tác tại thủ đô Hà Nội, phấn khởi nói: “Tôi thường về quê một vài lần mỗi tháng vì gia đình, bố mẹ vẫn ở Thanh Hóa. Nhiều năm qua, những người con xa quê công tác tại Hà Nội như tôi đều phải đi xe khách với 3,5 giờ mới về được quê, chưa kể những hôm tắc đường có khi 4 – 5 giờ. Từ khi biết đoạn cao tốc Thanh Hóa – Ninh Bình được khởi công xây dựng để nối tận ra Pháp Vân (Hà Nội), bản thân tôi luôn theo dõi tiến độ trên các phương tiện truyền thông. Nay tuyến đường khánh thành, tôi thực sự vui mừng bởi việc đi lại sẽ bớt phần vất vả, thời gian mỗi lần đi chỉ còn khoảng 2 giờ nên quê hương trở nên gần gũi hơn”.
Công trình giao thông tầm cỡ quốc gia này được đưa vào khai thác, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới trên nhiều lĩnh vực. Đó chính là sự nỗ lực hơn 1.000 ngày đêm không ngơi nghỉ của hàng nghìn lượt cán bộ, công nhân, kỹ sư ngành giao thông vận tải. Gần 3 năm thi công, khó để nhớ hết được số đoàn công tác của các lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đi đôn đốc, giải quyết những vướng mắc. Trong hơn 1 năm trở lại đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng 2 lần trực tiếp đến thị sát, kiểm tra để chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn phát sinh. Người đứng đầu Chính phủ còn yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp tăng ca, tăng kíp, huy động thêm nguồn lực để bảo đảm việc thi công. Theo đó, các nhà thầu đã dồn sức, tổ chức tăng ca để đẩy nhanh tiến độ. Hành trình vượt nắng, thắng mưa bám công trình, ngủ giữa rừng, ăn cơm vách núi của lao động các nhà thầu đã góp phần làm nên sự thành công chung cho dự án. Được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, cùng sự đồng lòng trách nhiệm của tất cả đơn vị liên quan, những yếu tố thách thức tiến độ như thiếu vật liệu, cách ly do COVID-19… đều được khắc phục.
Những chuyến xe lăn bánh sau giờ phút cắt băng khánh thành.
Với tỉnh Thanh Hóa, đây là dự án trọng điểm quốc gia có ảnh hưởng đến quá trình giải phóng mặt bằng. Toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc với hàng chục cuộc họp giao ban tiến độ, nhiều văn bản chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Đến cuối tháng 6-2022, tỉnh Thanh Hóa đã bàn giao toàn bộ mặt bằng gần 50 km dự án thành phần Mai Sơn – Quốc lộ 45 để các nhà thầu thi công.
Nhiều lần đồng hành cùng các đoàn doanh nghiệp, các tổ chức nước ngoài khi tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Thanh Hóa, khi làm việc với các lãnh đạo tỉnh, đa phần họ đều hỏi từ Thanh Hóa đi Hà Nội hết mấy giờ ô tô. Dường như những nhà đầu tư nước ngoài không mấy quan tâm đến khoảng cách km trên thực tế, mà chú ý đến sự thuận tiện của hệ thống giao thông kết nối. Thay vì đi Hà Nội bằng các tuyến giao thông lâu nay với 3 – 4 giờ ô tô, nay được rút ngắn còn khoảng 2 giờ với dự án cao tốc này. Đó chính là thuận lợi bước đầu để thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa, vào Khu Kinh tế Nghi Sơn.
Vị trí hầm Thung Thi thuộc xã Hà Lĩnh (Hà Trung) trên tuyến cao tốc.
Như một sự đi trước đón đầu, trong quá trình các đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải cùng các nhà thầu thi công tuyến cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45, tỉnh Thanh Hóa cũng ưu tiên các nguồn lực, bố trí hơn 7.500 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để đầu tư nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm kết nối với dự án cao tốc này. Các tuyến giao thông kết nối với các nút giao có quy mô từ 4 đến 5 làn xe đã và đang được hoàn thiện. Tiêu biểu là tuyến TP Thanh Hóa nối Cảng hàng không Thọ Xuân và nút giao Đồng Thắng; tuyến nút giao Vạn Thiện đi Vườn Quốc gia Bến En; tuyến nối cao tốc với Quốc lộ 1A đi cảng nước sâu Nghi Sơn; tuyến nối Quốc lộ 1A nối Quốc lộ 45 và nút giao cao tốc Thiệu Giang. Trước sự kỳ vọng lớn cho phát triển công nghiệp và du lịch, Thanh Hóa cũng đang cho thấy sự năng động với việc hình thành Khu công nghiệp Giang Quang Thịnh (Thiệu Hóa) rộng 300 ha ngay sát nút giao Thiệu Giang lên cao tốc. Gần nút giao Gia Miêu thuộc xã Hà Long (Hà Trung) để nối lên cao tốc, tỉnh cũng có quyết định thành lập Khu công nghiệp Hà Long gắn với phát triển một đô thị và khu sân gôn, khu giải trí.
Nghị quyết 58-NQ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 “Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hóa, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc”. Để đạt được những mục tiêu to lớn trên, ngoài phát huy sức mạnh nội tại, Thanh Hóa cần đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án trên nhiều lĩnh vực. Sự kiện thông tuyến cao tốc Thanh Hóa – Hà Nội như mở ra nhiều cơ hội, tạo bước ngoặt mới cho tỉnh trong thu hút đầu tư các dự án.