Trời chập choạng tối, ông Ruộng lê từng bước chân khó nhọc bưng bát cháo trắng đến bên giường. Ở đó, chị Phụng (con gái ông Ruộng) co người lại, siết đôi bàn tay bị phỏng khẽ quệt nước mắt. Dù đã 51 tuổi nhưng mọi sinh hoạt của chị Phụng đều do người cha già chăm sóc.
“Tụi nó đi hết rồi, có mỗi con này chịu ở lại”
Từ nhiều năm nay, người dân ở xã Long Đức, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh đã quen với hình ảnh một người cha già, lọm khọm đi bán vé số góp từng đồng để nuôi đứa con gái khờ, bệnh tật.
Hai cha con ông Ruộng trong căn nhà trọ xập xệ tại xã Long Đức.
Tuổi cao, sức yếu, những ngày cuối đời ông Ruộng phải chăm sóc người con gái tật nguyền.
Căn nhà trọ xập xệ nằm sâu trong ấp Sa Bình là nơi trú ngụ của ông Châu Văn Ruộng (77 tuổi) cùng chị Châu Thị Phụng (51 tuổi, bị dị tật ở chân). Nhắc đến hai cha con ông Ruộng, không ai trong vùng lại không biết hoàn cảnh ngặt nghèo của hai cha con.
“Ổng tội dữ lắm, giờ đi đứng có được nữa đâu mà phải lo cho con Phụng. Có con có cháu đầy ra đó mà đứa thì khổ, đứa thì không thương. Ở đây ai cũng thương cha con ổng, có cơm có cháo gì cũng cất củm mang qua”, cô Trần Thị Hạnh (hàng xóm) nói.
Chị Phụng bị sốt bại liệt nên đôi chân không di chuyển được.
Đôi bàn tay cũng bị hoại tử do vết phỏng khá nặng trong lúc phụ việc nhà.
Ngồi co ro một góc trên chiếc giường nhỏ, ông Ruộng đưa ánh mắt hướng về phía cửa sổ, cách đó vài bước chân, chị Phụng thẫn thờ nhìn đôi bàn tay bị phỏng rớm đầy máu, thỏ thẻ nói: “Đau quá mà chị không biết làm sao, cha hết tiền rồi, lấy đâu mà đi bệnh viện, đến cơm ăn còn thiếu nữa mà”.
Theo ông Ruộng, ông có đến 6 người con nhưng lớn lên đều lập gia đình rồi bỏ đi biệt xứ. Riêng chị Phụng từ nhỏ đã bị sốt bại liệt, di chứng thần kinh nên không được lanh lợi, đôi chân lại tật nguyền nên sống cùng với ông. Hai năm trước, vợ ông bị bạo bệnh rồi qua đời, 5 người con còn lại người thì nghèo khổ, người thì bỏ mặc ông sống cùng chị Phụng, không quan tâm, lo lắng gì.
Mọi sinh hoạt hằng ngày đều do một tay ông Ruộng săn sóc.
Dù có đến 6 người con nhưng ông Ruộng không nhờ vả được một ai.
Để có tiền chạy lo cơm ngày ba bữa, ông Ruộng phải đi lang thang bán vé số. Thời gian gần đây, ông bị tai biến nên đi lại rất khó khăn, bữa cơm chiều cũng không còn trọn vẹn như trước.
Bưng tô cháo trắng với quả trứng gà cắt mỏng, ông Ruộng lê bước chân khó nhọc đến chỗ chị Phụng rồi đút cho con gái từng muỗng cháo. Đôi mắt lờ mờ, bàn tay run lẩy bẩy của người cha già vẫn cặm cụi lo cho con gái từng bữa cơm.
Nghẹn lời, ông Ruộng nuốt nước mắt: “Chỉ sợ một ngày nào đó, bà con không cho gạo, ông già yếu đổ bệnh xuống thì không biết con Phụng phải làm sao. Giờ nó tật nguyền, đi lại có được đâu mà tự chăm sóc cho mình được. Mấy đứa kia có gia đình cả rồi, mình đâu phiền nó được. Sống được ngày nào hay ngày đó thôi”.
Căn nhà hiu quạnh của cha con ông Ruộng khiến những người dân trong vùng ai nấy cũng xót xa.
Ông Ruộng cho biết điều ông mong nhất lúc này là có tiền chữa bệnh cho chị Phụng.
Cũng vì hoàn cảnh khó khăn, sau khi dựng vợ gả chồng cho 5 người con được yên bề gia thất, ông Ruộng quyết định một mình chăm sóc chị Phụng, không dám làm phiền những người còn lại. Căn nhà trọ nhỏ hai cha con ông ở cũng được người dân thương tình cho ở miễn phí chứ không lấy tiền.
“Mình già cả rồi, đâu thể nào phiền con cháu. Tụi nó có thương tình thì ghé thăm, không thì ông với con Phụng tự xoay sở. Chỉ có con này, nó tật nguyền mới chịu ở với ông”, ông Ruộng vừa nói, vừa cười nhìn chị Phụng, đâu đó tiếng nghẹn ứ trong cổ họng của người cha già khi nhắc đến những đứa con của mình.
Di chuyển khó khăn sau di chứng bị tai biến, hàng ngày ông Ruộng vẫn cần mẫn chăm lo cho chị Phụng.
Hột gà luộc được bà con thương tình cho hai cha con.
“Ông chết cũng được, chỉ mong con Phụng có tiền đi bệnh viện”
Sống trong cảnh gà trống nuôi con, khó khăn lại càng thêm chồng chất khi chị Phụng bị phỏng cả đôi bàn tay trong lúc phụ người cha già nhóm bếp nấu cơm. Nhìn đôi bàn tay rớm máu, từng mảng da bong ra đỏ tấy, ông Ruộng xót con, nghẹn ngào: “Thấy nó đau nhức, ông buồn lắm, giờ cơm ngày ba bữa còn xin hàng xóm thì tiền đâu mà đưa nó đi bệnh viện”.
51 năm sống bên cạnh người cha già, có lẽ chưa một ngày nào chị Phụng được thoải mái khi bản thân trở thành gánh nặng cho ông Ruộng. Ôm lấy ông Ruộng, chị Phụng bật khóc: “Con làm khổ cha quá rồi, con chỉ muốn chết đi mà thôi” rồi cúi gầm mặt xuống.
Do bị phỏng ở tay nên ông Ruộng phải lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho chị Phụng.
Nồi cháo trắng giúp hai cha con qua cơn đói bụng.
Thương người cha già tất bật ngày đêm chăm sóc cho mình nhưng chị Phụng chẳng biết làm cách nào khác với đôi chân tật nguyền và đôi tay không lành lặn của mình.
Đến cả bản thân, chị Phụng cũng không biết mình sẽ sống được bao lâu nữa khi đôi tay bị phỏng bắt đầu hoại tử, chứng bệnh thần kinh, sốt bại liệt như nỗi đau dai dẳng mỗi ngày chị phải gánh chịu.
Bàn tay bị teo của chị Phụng do biến chứng sốt bại liệt.
Thương cha già yếu nhưng chị Phụng không còn cách nào khác.
Lấy trong tủ ra một ít thuốc tây, ông Ruộng cố nhíu đôi mắt lờ mờ, tìm đủ loại thuốc rồi cho chị Phụng uống. Ông cũng chẳng biết những liều thuốc tây mua vội ngoài cửa hàng có đủ để giúp đứa con gái của ông qua cơn bệnh tật hay không.
Ông Ruộng xúc động nói: “Giá mà ông có tiền để đưa nó đi bệnh viện thì tốt biết mấy. Ông chỉ còn mình nó, có bệnh tật, khùng điên gì cũng là con mình, sao ông bỏ được”.
Chị Phụng cho biết bàn tay trái của chị đã bị hoại tử nặng nhưng đành để vậy vì nhà không có tiền.
Nụ cười hiếm hoi của 2 cha con trong cơn cùng cực.
Thương hoàn cảnh của cha con ông Ruộng khi tuổi đã cao lại phải chăm sóc cho người con bệnh tật, cô Trần Thị Hạnh (hàng xóm) cùng nhiều người dân khác thường xuyên quyên góp gạo mắm, lâu lâu biếu chút cá thịt để hai cha con sống qua ngày.
Riêng việc chữa bệnh cho chị Phụng, dù xót xa nhưng những người hàng xóm nghèo chẳng biết lấy tiền đâu để giúp đỡ hai cha con.
Trước hoàn cảnh khó khăn của ông Ruộng khi không đủ tiền đưa chị Phụng đi bệnh viện chữa trị vết phỏng ở tay, cơm bữa đói bữa no. Chúng tôi tha thiết kêu gọi quý độc giả gần xa quan tâm giúp đỡ.
Thương ông Ruộng già yếu, chị Phụng bệnh tật, rất cần những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ.
Hi vọng một phép màu sẽ đến với hai cha con ông Ruộng để chị Phụng được đi bệnh viện chữa trị.
Vì ông Ruộng và chị Phụng đều không có giấy tờ tùy thân, không hộ khẩu, nhà cửa nên mọi đóng góp xin quý độc giả liên hệ số điện thoại cô Trần Thị Hạnh (người thường xuyên giúp đỡ ông Ruộng):0377433792.
Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng Vietcombank: 0741000668929.
Chủ tài khoản: Trần Thị Hạnh. Chi nhánh ngân hàng Vietcombank tỉnh Trà Vinh.
Xin chân thành cảm ơn!