Rộn rã công trình cao tốc Bắc-Nam

Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được chính thức khởi công vào ngày 1/1/2023. Với tính chất đặc biệt quan trọng của dự án và yêu cầu rất cao của Chính phủ về tiến độ, các dự án thành phần của công trình đi qua địa bàn Quảng Bình đang được các nhà thầu huy động tối đa phương tiện, thiết bị máy móc để thi công.
Đồng loạt thi công các gói thầu
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa phận Quảng Bình bao gồm 3 dự án thành phần với tổng chiều dài 126,79km, gồm: Đoạn Vũng Áng-Bùng 55,34km (qua tỉnh Quảng Bình khoảng 43,8km); Bùng-Vạn Ninh 49,99km; Vạn Ninh-Cam Lộ 65,5km (qua tỉnh Quảng Bình khoảng 32,95km).
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) 6, Bộ Giao thông vận tải Phạm Văn Minh cho biết: Ban QLDA 6 được giao làm chủ đầu tư 2 dự án thành phần là Vũng Áng-Bùng và Bùng-Vạn Ninh. Hiện tại, các nhà thầu đã triển khai thi công các hạng mục công trình. Cụ thể, ở gói thầu XL-01 của dự án thành phần Vũng Áng-Bùng các nhà thầu đã triển khai huy động 5 mũi thi công, 48 đầu máy móc thiết bị, 138 nhân sự, đồng thời đã phát quang dọn dẹp 3km, bóc hữu cơ các đoạn tuyến và thiết lập 2 văn phòng giám sát hiện trường để triển khai giám sát thi công xây dựng.
Nhà thầu triển khai thi công tuyến chính, gói thầu XL-02, dự án thành phần Vũng Áng-Bùng, đoạn qua xã Quảng Phương (Quảng Trạch).
Nhà thầu triển khai thi công tuyến chính, gói thầu XL-02, dự án thành phần Vũng Áng-Bùng, đoạn qua xã Quảng Phương (Quảng Trạch).
Ở gói thầu xây lắp XL-02, các nhà thầu thi công là liên danh Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành-Công ty CP Lizen đã triển khai 8 mũi thi công, gồm 4 mũi thi công cầu (2 mũi cầu sông Gianh, 1 mũi cầu Quảng Sơn 3 và 1 mũi cầu sông Son), 3 mũi thi công đường (đoạn Km600+700 đến Km604+000, Km615+000 đến Km619+000 và Km621 đến Km624+288,79), đồng thời triển khai 1 mũi khoan thăm dò hang cát-tơ. Để bảo đảm thi công, các nhà thầu đã huy động gần 100 máy móc, thiết bị và gần 300 nhân lực.
Đối với dự án thành phần Bùng-Vạn Ninh, bao gồm gói thầu XL-01 do liên danh Công ty CP Tập đoàn CIENCO4-Tổng công ty 36 CTCP-Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Sơn-Công ty CP 471 thực hiện và gói thầu XL-02 do liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn-Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Trung Chính-Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Sơn thực hiện. Thời điểm hiện tại, các nhà thầu đang triển khai 28 mũi thi công, huy động 105 phương tiện, máy móc, thiết bị và gần 230 nhân lực để thi công hệ thống đường công vụ, đường gom, nền đường tuyến chính và thi công các cây cầu.
Ở dự án thành phần Vạn Ninh-Cam Lộ, theo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (đơn vị chủ đầu tư) cho biết, gói thầu XL-01 (đoạn Km675+400 đến Km708+350 trên địa phận Quảng Bình), nhà thầu thi công là liên danh Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn-Công ty CP Xây dựng 368 cũng đang quyết liệt triển khai thi công trên mặt bằng sạch đã được bàn giao.
Mặt bằng sạch là thi công ngay
Với tính chất đặc biệt quan trọng của công trình này, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và các nhà thầu đang tập trung triển khai thi công trên các hạng mục của dự án.
Tại dự án thành phần Vạn Ninh-Cam Lộ, đại diện nhà thầu Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh cho biết: “Tập đoàn Trường Thịnh là liên doanh nhà thầu chính ở cả 2 gói thầu XL-01 và XL-02 của dự án cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ. Sau lễ khởi công dự án là chúng tôi triển khai thi công luôn, huy động hơn 100 phương tiện, xe, máy và hơn 100 nhân lực. Trong đó, ở gói thầu XL-01 triển khai 3 mũi thi công, ở gói thầu XL-02 triển khai 4 mũi thi công để tiến hành bóc phong hóa, phát quang tuyến, có mặt bằng là triển khai thi công ngay”.
Trao đổi với phóng viên ngay trên công trường thi công của gói thầu XL-02, dự án Vũng Áng-Bùng, ông Vũ Đức Nhận, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành cho biết: Chúng tôi bố trí hơn 200 nhân lực và 100 phương tiện, máy móc để triển khai thi công ở các mặt bằng được bàn giao. Tuy vậy, hiện tại đơn vị gặp một số khó khăn về mặt bằng do mặt bằng “xôi đỗ”, các diện tích mồ mả có chủ và vô chủ, chưa di dời được, đất thổ cư chưa có tái định cư, một số điểm vướng diện tích đất rừng chưa giải quyết xong… làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Chúng tôi mong muốn địa phương tích cực chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc này, sớm bàn giao mặt bằng sạch để triển khai thi công”.
 Đơn vị thi công tại nút giao Cự Nẫm (gói thầu XL-01, dự án Bùng-Vạn Ninh).
Đơn vị thi công tại nút giao Cự Nẫm (gói thầu XL-01, dự án Bùng-Vạn Ninh).
Cũng tương tự, tại gói thầu XL-01, dự án thành phần Bùng-Vạn Ninh, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Ban điều hành dự án của Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 cho biết: Hiện tại, nhà thầu chúng tôi đang huy động số lượng lớn nhân lực và phương tiện máy móc để triển khai 13 mũi thi công đường, cầu, đúc dầm cầu và thoát nước. Khó khăn của nhà thầu CIENCO4 hiện nay là mặt bằng “xôi đỗ” nên việc điều phối đất đắp khối lượng lớn từ vị trí này đến vị trí khác cũng như làm đường công vụ dọc tuyến. Mong rằng những khó khăn này sớm được xử lý để nhà thầu đẩy mạnh thi công”.
Khẩn trương bàn giao mặt bằng sạch
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, đến ngày 28/2/2023, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành công tác trích đo hiện trường 126,79km/126,79km (đạt 100%). Hội đồng GPMB các huyện, thị xã, thành phố đã kiểm đếm tài sản trên đất phạm vi 126,58km/126,79km (đạt 99,83%), trong đó huyện Lệ Thủy đạt tỷ lệ 99,36% còn lại các địa phương khác đều đạt tỷ lệ 100%.
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chi trả tiền, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành 66 quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ có giá trị hơn 538 tỷ đồng, với diện tích 876,49ha/1.155,7ha (đạt 75,84%) và chiều dài 97,81km/126,79km; đã chi trả tiền cho các hộ dân với giá trị 495,81 tỷ đồng, có phạm vi 91,04km/126,79km (đạt 71,8%).
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB, quyết tâm bàn giao xong 100% mặt bằng sạch trước ngày 30/6/2023 để bảo đảm tiến độ cho dự án trọng điểm quốc gia.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã tập trung xử lý các vướng mắc để bàn giao mặt bằng cho các ban QLDA.
Tính đến 28/2/2023, các địa phương đã bàn giao mặt bằng với tổng chiều dài các đoạn tuyến là 74,81km/126,79km; trong đó: TP. Đồng Hới 6,23km/9,87km; TX. Ba Đồn 6,2km/9,35km; Bố Trạch 14,82km/30km; Quảng Ninh 10,46km/20,92km; Lệ Thủy 19,1km/32,35km; Quảng Trạch 18km/25,3km.
Đạt được những con số trên là sự nỗ lực lớn của tỉnh Quảng Bình nói chung và các địa phương có dự án đi qua nói riêng. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, ở một số đoạn tuyến, các đơn vị thi công đang gặp khó khăn bởi mặt bằng “xôi đỗ”, khó triển khai phương án thi công. Trước những khó khăn này, vừa qua lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp kiểm tra thực địa và chỉ đạo các địa phương rà soát lại trên hiện trường, những chỗ nào người dân đã nhận tiền bồi thường, đủ điều kiện rồi thì bàn giao nhanh mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công. Đồng thời, cần linh hoạt trong bàn giao mặt bằng, những chỗ thuận lợi tổ chức bàn giao nhanh, những chỗ còn vướng mắc về nhà cửa, mồ mả hiện chưa bảo đảm được công tác tái định cư thì tuyên truyền, vận động người dân bàn giao trước những diện tích thích hợp, có thể triển khai thi công và phục vụ thi công.
“Các địa phương tích cực phối với các sở, ngành chức năng khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, hoàn tất các thủ tục xây dựng khu tái định cư, không để những chậm trễ trong công tác tái định cư dẫn đến ảnh hưởng tiến độ bàn giao mặt bằng sạch và thi công dự án”, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng chỉ đạo.
Anh Tuấn

Nguồn Báo Quảng Bình: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202303/ron-ra-cong-trinh-cao-toc-bac-nam-2207715/