Reuters: Việt Nam có phương án hành động pháp lý để giải quyết bất đồng trên biển Đông

Giàn khoan Hải dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tháng 5/2014 (Ảnh: Reuters)

Biện pháp pháp lý là một trong số lựa chọn của Việt Nam để giải quyết các bất đồng trên biển Đông – Reuters dẫn lời Thứ trưởng Bộ ngoại giao Lê Hoài Trung ngày 6/11.

Sáng thứ Tư (6/11), Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông với chủ đề “Hợp tác vì An ninh và Phát triển tại Khu vực” – do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam (VLA) và Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) tổ chức – đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung, nói “Chúng tôi tin tưởng rằng, hợp tác và thúc đẩy hợp tác trên biển Đông không chỉ là lợi ích và trách nhiệm của các quốc gia trong khu vực mà còn là lợi ích và trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế”.

Theo Reuters, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho hay Việt Nam ưu tiên đối thoại để xử lý các bất đồng trong vấn đề biển Đông, nhưng cũng có các phương án lựa chọn khác.

“Chúng tôi hiểu rằng những giải pháp này bao gồm tìm hiểu thực tế, hòa giải, điều đình, thương lượng, và các biện pháp trọng tài và tố tụng,” Reuters dẫn lời Thứ trưởng Trung. “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 có đầy đủ các cơ chế cho phép chúng tôi thực thi những biện pháp đó.”

Tại Hội thảo ngày mùng 6, ông Lê Hoài Trung khẳng định biển Đông đóng vai trò quan trọng trong giao thương và hợp tác quốc tế, đồng thời chỉ ra rằng có những thách thức đang nổi lên đối với hòa bình và ổn định trên biển Đông, bao gồm hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế trên các vùng biển – kể cả vùng biển của Việt Nam.

“Việc đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế trái với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế làm giảm lòng tin vào hiệu lực của hệ thống luật pháp quốc tế, xói mòn thượng tôn pháp luật và có thể trở thành các tiền lệ nguy hiểm đe doạ hoà bình, an ninh của khu vực và quốc tế,” ông Trung nói. 

Thứ trưởng Lê Hoài Trung mong muốn Hội thảo biển Đông năm nay tiếp tục đề cao đối thoại thẳng thắn để tổng kết các kinh nghiệm hay để nghiên cứu áp dụng tại biển Đông, góp phần xây dựng biển Đông thành một giao lộ an toàn, một vùng biển hoà bình, hữu nghị và hợp tác phục vụ lợi ích chung của cộng đồng khu vực và quốc tế.

Reuters: Việt Nam có phương án hành động pháp lý để giải quyết bất đồng trên biển Đông - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội thảo ngày 6/11 (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Hiện nay, Trung Quốc tuyên bố yêu sách chủ quyền phi lý đối với phần lớn diện tích vùng nước quốc tế trên biển Đông, đồng thời xây cất và quân sự hóa trái phép trên các thực thể ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trong phán quyết năm 2016 về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, do Manila làm nguyên đơn, Tòa trọng tài thường trực The Hague đã bác bỏ tính hợp lệ của cái gọi là “Đường chín đoạn” – được Bắc Kinh dùng làm cơ sở yêu sách chủ quyền. Bắc Kinh từ chối công nhận phán quyết và tiếp tục các hoạt động bành trướng, quân sự hóa phi pháp.

Từ tháng 5 năm nay, Trung Quốc đã bị cộng đồng quốc tế – gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), nhóm E3 (Anh, Pháp, Đức), Ấn Độ,… – lên án vì hành vi đơn phương gây hấn trên biển Đông, cản trở hoạt động dầu khí lâu đời của các nước láng giềng trong vùng đặc quyền kinh tế của họ – bao gồm Việt Nam, làm leo thang căng thẳng và xói mòn lòng tin trong khu vực.

Mới đây nhất, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien phát biểu tại hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan tại Bangkok, Thái Lan, hôm 4/11, lên án “Bắc Kinh đã sử dụng hành vi đe dọa để cố gắng ngăn chặn các quốc gia ASEAN khai thác tài nguyên ngoài khơi, ngăn chặn việc tiếp cận nguồn dự trữ dầu khí trị giá 2.5 nghìn tỷ USD”.