Ảnh minh họa: AFP
Thông tin này cho thấy Bắc Kinh đã có sự can thiệp nhất định đối với các vấn đề tại Hong Kong.
Báo cáo bí mật
Theo Reuters, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, trưởng đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), đã từng gửi một bản báo cáo tới Bắc Kinh, đánh giá 5 yêu cầu chính của những người biểu tình và đề xuất rằng việc hủy bỏ dự luật dẫn độ có thể giúp giải tỏa căng thẳng chính trị đang leo thang ở vùng lãnh thổ này.
Reuters dẫn lời 3 nguồn tin liên quan tới sự việc cho biết, chính quyền trung ương Trung Quốc đã từ chối đề nghị của bà Lâm và ra lệnh cho bà không được phép nhượng bộ đối với bất kì yêu cầu nào của người biểu tình.
Bắc Kinh đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chính quyền Hong Kong xử lí các cuộc biểu tình. Kênh truyền thông quốc gia Trung Quốc đã thường xuyên đăng tải những thông điệp nghiêm khắc liên quan tới vấn đề chủ quyền lãnh thổ và mục đích của người biểu tình.
Việc Bắc Kinh từ chối đề xuất của bà Lâm về việc xử lí khủng hoảng đã cho thấy bằng chứng rõ ràng về mức độ Trung Quốc đang quản lí chính quyền Hong Kong trong quá trình giải quyết các cuộc biểu tình.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Ảnh: Reuters
Chính quyền trung ương Trung Quốc đã lên án và cáo buộc các thế lực nước ngoài đứng đằng sau những cuộc bạo động. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thường xuyên cảnh báo và đề nghị nước ngoài không được can thiệp vào Hong Kong, cho rằng đây là “vấn đề nội bộ”.
Được biết, bản báo cáo được bà Lâm viết trước khi các quan chức cấp cao Trung Quốc có cuộc gặp vào ngày 7/8 tại Thâm Quyến để bàn luận về tình hình Hong Kong. Ngoài việc đề xuất hủy bỏ dự luật dẫn độ, bản báo cáo còn phân tích các yêu cầu khác của người biểu tình, bao gồm: điều tra độc lập về các cuộc biểu tình; bầu cử dân chủ toàn diện; bỏ cụm từ “bạo loạn” trong các tài liệu mô tả biểu tình và giảm án phạt đối với những người bị bắt cho đến nay.
Theo một quan chức Hong Kong đề nghị giấu tên, việc hủy dự luật dẫn độ và tiến hành điều tra độc lập các cuộc biểu tình là những phương án khả thi nhất về mặt chính trị. Dự luật dẫn độ là một trong những yếu tố then chốt khiến hàng triệu người biểu tình đổ ra đường. Bà Lâm đã nói rằng dự luật “đã chết”, nhưng không nói rằng nó đã bị “hủy bỏ hoàn toàn”.
Bắc Kinh từ chối thẳng thừng
Reuters cho hay, những nguồn tin khác trong chính quyền Hong Kong (đề nghị ẩn danh) xác nhận Hong Kong đã gửi báo cáo này cho Bắc Kinh.
“Họ nói ‘không’ với tất cả 5 đề nghị. Tình hình phức tạp hơn những gì mọi người nhận định,” nguồn tin nói.
Ngoài ra, vị quan chức khẳng định ông Tập Cận Bình đã biết về bản báo cáo, tuy nhiên Bắc Kinh một mực từ chối nhượng bộ và muốn chính quyền bà Lâm thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn.
Nguồn tin của Reuters cho biết chính quyền của bà Lâm đã nỗ lực giải quyết đòi hỏi của người biểu tình, nhưng không nói liệu cách giải quyết này đã được gửi tới Bắc Kinh hay có nhận chỉ thị từ đại lục hay không.
Tới thời điểm hiện tại, tờ Reuters chưa thể có được bản báo cáo và cũng không thể xác định được thời điểm chính xác khi Bắc Kinh từ chối mọi yêu cầu.
Hai nguồn tin Hong Kong nói bản báo cáo được gửi đi giữa khoảng thời gian từ ngày 16/6 – khi bà Lâm tuyên bố hoãn luật dẫn độ – và ngày 7/8, khi Văn phòng sự vụ Hồng Kông & Macau (HKMAO) của Quốc vụ viện Trung Quốc cùng Văn phòng liên lạc Trung Quốc tại Hong Kong triệu tập cuộc tọa đàm chung tại Thâm Quyến.
Các phương tiện của quân đội Trung Quốc được đưa tới Thâm Quyến. Ảnh: Reuters
Tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trong vụ việc này có ý nghĩa quan trọng đối với chính sách “một quốc gia, hai chế độ”. Cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ – để chính quyền có thể đưa tội phạm từ Hong Kong sang Trung Quốc xét xử – đã trở thành cuộc biểu tình vì quyền lợi và dân chủ, trở thành thách thức lớn với Bắc Kinh.
Một doanh nhân (đề nghị ẩn danh) tham gia cuộc họp ở Thâm Quyến và từng gặp bà Lâm trong thời gian gần đây nhận định nhà lãnh đạo này đang gặp thế khó xử và Bắc Kinh sẽ không để Hong Kong hủy bỏ luật dẫn độ. Tại Thâm Quyến, Zhang Xiaoming, người đứng đầu của HKMAO, tuyên bố rằng “chính quyền trung ương sẽ không ngồi im nhìn” và Bắc Kinh “có đủ khả năng và sức mạnh” để xử lí vấn đề Hong Kong.
Kể từ đó, đã có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã mạnh tay hơn.
Ví dụ, một số quan chức đã so sánh các cuộc biểu tình với “khủng bố”, binh sĩ và cảnh sát Trung Quốc tập trận gần khu vực ranh giới giữa Thâm Quyến – Hong Kong, các công ty bị buộc phải sa thải những nhân viên ủng hộ biểu tình, nhân viên an ninh tăng cường lục soát thiết bị điện tử của những du khách tới Trung Quốc.
Ngày hôm nay (30/8), cựu thủ lĩnh sinh viên Hoàng Chi Phong đã bị bắt giữ.