Rạp chiếu bóng ở viện K: Những đứa trẻ đẩy ống truyền thuốc đi xem phim hoạt hình

Khi những thước phim đầu tiên xuất hiện, màn hình rộng lớn che khuất tấm bảng “Khoa Nhi – Bệnh viện K”, nơi đây không còn là hành lang bệnh viện nữa. Để lại đằng sau mọi mặc cảm, đau đớn, lũ nhỏ thả mình vào đúng câu chuyện tuổi thơ mà đáng lý ra, các em nên được hưởng từ lâu lắm rồi.

Những đứa trẻ đẩy ống truyền thuốc đi xem phim hoạt hình

Có nhiều định nghĩa về ung thư, nhưng những đứa trẻ khi “cập bến” bệnh viện K, cơ sở Tân Triều đều không mang nặng suy tư bằng bố mẹ chúng. Một nữ bác sĩ có 18 năm trong nghề đã từng nói, ung thư là sự cộng hưởng của nỗ lực và khát khao sống, không phải là dấu chấm hết cho tất cả. Không có bất cứ căn bệnh nào đồng nghĩa với cái chết, ánh sáng vẫn sẽ chiếu rọi phía cuối đường hầm, vấn đề là mình có chịu đi hay không. 

Mỗi ngày, lũ nhỏ tại tầng 3, khoa Nhi, bệnh viện K đều buộc phải “trói mình” giữa cơ man thuốc men và ống truyền. Đằng sau cánh cửa có đề tấm biển: Khoa Nhi, là những nỗi đau không thể nói nên lời. Chiến đấu với ung thư, cần thời gian hơn là thuốc. Và một trong những liều thuốc hữu hiệu nhất, lại xuất phát từ chính tâm hồn trẻ thơ. 

Mỗi thứ 4 hàng tuần, lũ nhỏ đi theo từng hàng, nối đuôi nhau lấp dần khoảng trống các dãy ghế. Chúng ngồi lại, cùng cười, cùng nói chuyện, tạm quên đi nơi mình phải sống, phải bám trụ suốt nhiều năm tháng qua.

Rạp chiếu bóng ở viện K: Những đứa trẻ đẩy ống truyền thuốc đi xem phim hoạt hình. Thực hiện: Minh Nhân. 

Rạp chiếu bóng ở viện K: Những đứa trẻ đẩy ống truyền thuốc đi xem phim hoạt hình - Ảnh 2.

Hành lang khoa Nhi bỗng biến thành “rạp chiếu bóng” dành cho lũ trẻ.

Những ống truyền thuốc theo các em tới “rạp chiếu bóng”.

Rạp chiếu bóng ở viện K: Những đứa trẻ đẩy ống truyền thuốc đi xem phim hoạt hình - Ảnh 4.

Những thước phim hoạt hình dễ thương được trình chiếu trên màn hình lớn, che khuất tấm biển “Khoa Nhi – Bệnh viện K”, tạm che khuất luôn cả những đau đớn.

Những xe đẩy ống truyền thuốc đi trước, lũ nhỏ tíu tít theo sau. Dù là đi ăn, đi chơi, đi xem phim, đều phải “gắn mình” với những chiếc ống như thế. Chúng đang háo hức cho buổi “sinh hoạt” định kì tại đây, khi mà các anh chị tình nguyện viên của CLB thiện nguyện Hoa Ưu Đàm – Nhịp cầu nhân ái, chiếu những bộ phim hoạt hình lên màn hình lớn. 

Bé Thiện, 4 tuổi, mắc chứng u xương, vừa ăn cơm vừa cười hớn hở. Nhìn bên ngoài, chả ai nghĩ Thiện 4 tuổi, vì hình hài em chỉ bé bằng đứa trẻ lên 2, lên 3. Đợt này, em cùng bà lên viện K tái khám định kì, tiêm thuốc rồi sớm trở về quê nhà. Thiện không nói được tròn chữ, chỉ ấp a ấp úng vài từ trong miệng, nhưng sự hoạt bát, vui vẻ của em dễ giúp người đối diện vui vẻ và yêu đời.

Còn kia là bé Ly, 12 tuổi, cũng mắc chứng u xương. Ly có ước mơ trở thành bác sĩ, để sau này có thể chữa bệnh cho các bệnh nhi không may mắn như em. À Ly còn muốn có một mái tóc thật dài, thật mượt để “biến” thành một cô công chúa nhỏ. Đôi khi, em hay tự ti vì mỗi lần truyền hoá chất, tóc em cứ thể rụng dần.

Khi những thước phim đầu tiên xuất hiện, màn hình rộng lớn che khuất tấm bảng “Khoa Nhi”, nơi đây không còn là hành lang bệnh viện nữa. Một “rạp chiếu bóng” nhỏ dành cho tất cả các em. Để lại mọi mặc cảm, đau đớn phía sau, lũ nhỏ thả mình vào đúng câu chuyện tuổi thơ mà đáng lý ra, các em nên được hưởng từ lâu lắm rồi. 

Đối với những đứa trẻ bình thường, được xem một bộ phim hoạt hình tại nhà, cùng bố mẹ, anh chị, quá ư là dễ dàng. Nhưng với các bệnh nhi ung thư, thì đó lại là một điều xa xỉ. 

Rạp chiếu bóng ở viện K: Những đứa trẻ đẩy ống truyền thuốc đi xem phim hoạt hình - Ảnh 5.

Đây là Thiện, cậu bé 4 tuổi nhỏ nhắn, đáng yêu.

Rạp chiếu bóng ở viện K: Những đứa trẻ đẩy ống truyền thuốc đi xem phim hoạt hình - Ảnh 6.

Bên cạnh em là Ly, cô bé áo hồng điệu đà với ước mơ mái tóc dài.

Rạp chiếu bóng ở viện K: Những đứa trẻ đẩy ống truyền thuốc đi xem phim hoạt hình - Ảnh 7.

Lũ nhỏ tập trung theo dõi bộ phim.

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, các em vẫn luôn lạc quan và nghị lực, tự tô vẽ ước mơ. 

“Ước mong lớn nhất của mình là các em không phải xem phim hoạt hình tại viện nữa!”

Hầu hết, những đứa trẻ tại viện K đều mong chờ tối thứ 4 hàng tuần. Ở viện, Thiện hay Ly, đều không có hoạt động gì khác, ngoài việc truyền thuốc và nằm dài mòn mỏi trên giường bệnh. Các em rất buồn, nhất là khi đêm xuống. 

CLB Hoa Ưu Đàm được thành lập từ tháng 11/2017, do anh Nguyễn Đức Hà làm chủ nhiệm. Chương trình chiếu phim tối thứ 4 của CLB đã được duy trì đều đặn hơn 2 năm nay. Ngoài ra, Hoa Ưu Đàm còn tổ chức nhiều hoạt động khác nhau, như “Trao xe lăn nhận nụ cười”, “Phát nước cho bệnh nhân”, “Cắt tóc miễn phí”, “Chuyến xe đưa bệnh nhân về quê ăn Tết”,… 

“Tính đến nay bọn mình đã tổ chức được gần 100 buổi chiếu phim, để lắng nghe chia sẻ của các bệnh nhi, giúp các em chơi đùa, tạm quên đi nỗi đau chống chọi với bệnh tật. Có rất nhiều bộ phim khác nhau, truyền tải bài học về sự nghị lực, tình yêu thương. Các em đều chăm chú xem, vì ở bệnh viện, không thể có một chiếc ti vi dành riêng cho bệnh nhi. Bọn mình hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng trong tương lai, để có thể giúp đỡ nhiều hơn nữa các bệnh nhân tại các bệnh viện khác” – anh Hà chia sẻ. 

Ánh mắt, hy vọng và những nụ cười đằng sau cánh cửa khoa Nhi. 

Nếu trong vòng 2 năm qua, CLB Hoa Ưu Đàm đã đem đến gần 100 bộ phim hoạt hình cho các em nhỏ, thì Vũ Duy Đạt – sinh viên năm 4 Đại học Giao thông Vận tải, đã nhiệt tình tham gia 60 buổi chiếu phim như thế. 

Đạt tự hào về bản thân, vì cậu đã có thể làm được một việc tốt. Đạt còn tự hào hơn về các em nhỏ – “những chiến binh” chưa bao giờ thôi nói cười và ước mơ. 

“Mình hy vọng, không chỉ mỗi tối thứ 4 mà CLB sẽ dành nhiều buổi hơn nữa để chiếu phim hay tổ chức chương trình ngoại khoá cho các em nhỏ. Ước mong lớn nhất của mình, là các em không phải xem phim hoạt hình tại viện nữa, mà tại chính mái nhà của các em. Khi đó, sẽ không còn chai thuốc, không phải truyền thuốc đau đớn như bây giờ” – Đạt tâm sự.  

Sau tất cả, yêu thương và sự tự tế sẽ giúp các em phần nào trên hành trình chiến đấu với bệnh tật.