Ngày 2/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định quốc gia Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).
Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, dự thảo Quy hoạch đặt mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 – 2030, khoảng 6,5 – 7,5% trong giai đoạn 2050… Việt Nam sẽ phát triển ngành công nghiệp năng lượng độc lập, tự chủ; hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới; phấn đấu đến năm 2030 hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng sạch. Quy mô sản xuất hydro xanh khoảng 100.000 – 200.000 tấn/năm, định hướng đến 2050 khoảng 10 triệu – 20 triệu tấn/năm.
Các chuyên gia đánh giá, dự thảo Quy hoạch bám sát mục tiêu, kịch bản tăng trưởng. Phương pháp tiếp cận và lập Quy hoạch theo hướng “động và mở” có thể ứng phó được với biến động khó lường của các nguồn cung năng lượng đầu vào cũng như sự phát triển nhanh chóng của công nghệ năng lượng.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, năng lượng như “huyết mạch” của nền kinh tế. Tuy nhiên, Quy hoạch đã chậm hai năm so với lộ trình và xuất hiện một số vấn đề rất mới cần cập nhật, bổ sung như cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (net zero), chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, đánh thuế carbon đối với sản phẩm sản xuất bằng năng lượng hóa thạch…
“Chúng ta cần có chính sách phù hợp về năng lượng khi các nguồn năng lượng truyền thống đã bắt đầu cạn kiệt, nhiều quốc gia đang tích cực chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Phó Thủ tướng đánh giá dự thảo Quy hoạch đã bám sát nhiệm vụ, tiếp cận, cập nhật phương pháp luận xây dựng, các quy hoạch phân ngành năng lượng như Quy hoạch Điện VIII. Đơn vị tư vấn, Bộ Công Thương tiếp thu đầy đủ các ý kiến của ủy viên phản biện, thành viên Hội đồng, hoàn thiện thêm một số vấn đề, nội dung trong dự thảo Quy hoạch.
Phó Thủ tướng yêu cầu, đơn vị tư vấn, Bộ Công Thương đánh giá sâu sát, cụ thể hơn nữa việc thực hiện các quy hoạch trong lĩnh vực năng lượng trong 10 năm qua hay việc bảo đảm cân đối an ninh năng lượng trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 cũng như biến động nguồn cung năng lượng do cuộc xung đột Nga – Ukraine… Từ đó tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan, rút ra bài học, kinh nghiệm; đồng thời cập nhật số liệu, tình hình hiện tại như cam kết net zero, xu thế chuyển đổi năng lượng, để dự báo cho tương lai.
Phó Thủ tướng cho rằng, Quy hoạch cần có một số quan điểm mới, nhiệm vụ quan trọng trong việc xác định mối quan hệ, cơ chế điều phối nhịp nhàng, đồng bộ giữa các phân ngành năng lượng (than, dầu khí, điện lực, năng lượng tái tạo…); thống nhất với các quy hoạch khác như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian biển…
“Quy hoạch phải thể hiện tư duy nhất quán, thực hiện đúng những cam kết của Việt Nam về net zero, Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) hay các quy hoạch phân ngành năng lượng, điển hình là Quy hoạch Điện VIII đã được phê duyệt. Đồng thời có những giải pháp để tận dụng các nguồn tài nguyên, năng lượng hóa thạch (than, dầu, khí đốt) có hiệu quả kinh tế cao nhất”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Đồng tình hướng tiếp cận “động và mở” của dự thảo Quy hoạch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tư duy này không chỉ thể hiện trong chuyển dịch nguồn năng lượng mà cả trong cách thức bảo đảm an ninh năng lượng, dựa trên tiềm năng, tính khả thi của công nghệ, hiệu quả kinh tế của từng phân ngành năng lượng. Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp rà soát, lập danh mục những dự án năng lượng trọng điểm đang triển khai; danh mục những dự án tiềm năng; xây dựng bộ tiêu chí về công nghệ, hiệu quả kinh tế… để lựa chọn các dự án năng lượng mới hoặc chuyển đổi.
Bên cạnh đó, dự thảo Quy hoạch cần bổ sung nội dung đầu tư cho công tác nghiên cứu các giải pháp khoa học, công nghệ để chuyển đổi các dạng năng lượng sơ cấp hóa thạch (than, dầu, khí đốt) sang dạng năng lượng sơ cấp mới (hydro xanh, amoniac xanh); phát triển các nguồn năng lượng mới như điện hạt nhân, địa nhiệt, năng lượng sóng biển – thủy triều, nhiệt mặt trời… có thể khai thác trong tương lai.
S.Thu
Nguồn Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam: https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/quy-hoach-nang-luong-phai-thuc-hien-dung-cam-ket-cua-viet-nam-ve-net-zero-d194436.html