Trang phục bánh mì của H’Hen Niê chưa thể thuyết phục được khán giả, dù với bất cứ lý do nào.
Hình như chưa bao giờ, một bộ trang phục dân tộc lại vấp phải nhiều ý kiến phản đối như bộ đồ “bánh mì” mà H’Hen Niê sắp mang tới Miss Universe.
Ý tưởng nghèo nàn và không hề mang bản sắc riêng
Ý tưởng đưa hình ảnh đồ ăn vào trang phục dân tộc không hề mới. Trong các cuộc thi sắc đẹp trước đây, sầu riêng hay Tom Yum từng được các cô gái Thái Lan lồng vào những bộ trang phục, tạo ấn tượng mạnh mẽ và độc đáo với người xem.
Có điều, bánh mì rất khó được xem như biểu tượng văn hoá của cộng đồng người Việt. Thực chất, bánh mì không phải là sáng tạo của người Việt Nam và chỉ riêng một lý do đó thôi cũng đủ để người ta cân nhắc chọn nó làm biểu tượng cho cả một nền văn hoá.
Bánh mì là món ăn du nhập từ nước ngoài nên rất khó nói rằng nó là món ăn mang bản sắc của Việt Nam
Nếu muốn chọn hình ảnh món ăn đặc trưng cho Việt Nam, để khán giả nhìn vào sẽ nhận ra ngay, phở sẽ là lựa chọn hàng đầu chứ không phải bánh mì.
Cũng giống như Tom Yum của người Thái, Tokbokki của người Hàn, phở mới là “gương mặt đại diện” của ẩm thực Việt Nam và ghi dấu ấn trong lòng bạn bè quốc tế.
Những câu chuyện bên lề này thực chất không kém phần quan trọng, chứ không chỉ đơn giản là so sánh giữa phở với bánh mì.
Phía sau hình tượng món ăn còn là văn hoá, niềm tự hào, bản sắc riêng của cả một đất nước, như cách bộ trang phục đó có chữ “dân tộc” ở phía sau!
Đừng biến trang phục dân tộc thành thảm hoạ thời trang
Ý tưởng nghèo nàn và thiếu sâu sắc chỉ là một vấn đề mà bộ “quốc phục bánh mì” gặp phải. Thiết kế của nó mới là yếu tố khiến người xem nghi ngại và khó hiểu.
Tinh tế là thứ bộ trang phục này gần như không có. Không chỉ “nuốt chửng” thân hình, số đo của H’Hen Niê với sáng tạo rườm rà, bộ trang phục bánh mì còn khá cẩu thả trong việc tạo hình.
Rất khó tìm ra sự liên quan giữa những chi tiết trong bộ trang phục, đặc biệt là ở phần chân.
Những ổ bánh mì – thứ tạm được xem là “điểm nhấn” của bộ trang phục được làm theo cách rất vụng về. Không dễ để cảm nhận được bất cứ điều gì qua hình tượng “đặc trưng” này, bởi cách tạo hình của chúng đơn giản là quá xấu.
Sự phối kết hợp giữa trang phục và người mặc cũng là lý do khiến “quốc phục bánh mì” phải nhận vô số lời chỉ trích. Mái tóc tém cá tính của H’Hen Niê bị che khuất hoàn toàn dưới chiếc nón lá, làn da nâu của cô bị chìm nghỉm giữa khối màu sắc lổn nhổn của bánh mì, rổ rá.
Nếu không có dòng chữ đề tên, hẳn không nhiều người nhận ra được đây là những ổ bánh mì kẹp thịt
Cũng là trang phục có tạo hình đồ ăn, nhưng mẫu trang phục Tom Yum của Thái Lan khác xa so với bộ “bánh mì” của chúng ta.
So sánh bộ “quốc phục bánh mì” và “quốc phục Tom Yum” của người hàng xóm Thái Lan, người ta không cần phải tinh tế lắm cũng có thể nhận ra sự khác biệt một trời một vực.
Ở bộ trang phục mang hình món Tom Yum, cả món ăn lẫn người mặc đều nổi bật một cách hài hoà. Hoạ tiết trang trí được bố trí khéo léo và liền mạch, từ hoa văn trên tô Tom Yum cho tới phần chân của cô hoa hậu.
Không có bất cứ sự khiên cưỡng nào trong thiết kế này, bởi người mặc và bộ trang phục như được hoà vào làm một.
Quan trọng hơn, sự sáng tạo của nhà thiết kế nước bạn đạt được cả hai mục đích: Tôn lên vẻ đẹp của người mặc và quảng bá một cách kiêu hãnh văn hoá của đất nước mình. Rất khó, nhưng họ đã thành công nhờ sự sáng tạo và tỉ mỉ tới từng chi tiết nhỏ.
Còn bộ “quốc phục bánh mì” của chúng ta, “sáng tạo” có lẽ là điểm cộng duy nhất dành cho nó.
Nhưng sáng tạo ra một bộ trang phục kém cỏi cả về ý tưởng lẫn hình thức có lẽ không phải điều gì tích cực.
Nhất là khi bộ trang phục “sáng tạo” này lại được lựa chọn làm trang phục dân tộc để kiêu hãnh bước ra thế giới!