Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 31/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 do Chính phủ báo cáo trước Quốc hội. Trong đó nhấn mạnh, năm 2022 dù gặp nhiều thách thức, khó khăn song kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn ổn định, kinh tế tiếp tục tăng tưởng nhanh, đạt 8,02% – là mức tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Đối với những tháng đầu năm 2023, thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định. Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh. Ngành du lịch tiếp tục phục hồi. Các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Quốc phòng an ninh được bảo đảm;…
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng cần phải thẳng thắn nhìn nhận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đó là tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,6%). Nhiều tỉnh, thành phố lớn đang tăng trưởng ở mức âm. Số doanh nghiệp giải thể và phá sản tăng cao. Rủi ro dịch bệnh, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện lớn; tình trạng cắt giảm lao động của doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp.
Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm một số giải pháp như cần sớm rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang được triển khai, xem chính sách nào hiệu quả, chính sách nào chưa thực sự hiệu quả để tạm dừng hoặc có biện pháp thay đổi kịp thời để bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế; đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cho các cơ sở hạ tầng quốc gia như các công trình giao thông vận tải trọng điểm. Đồng thời quan tâm hơn đến đầu tư, cải tạo, nâng cấp kết hợp đầu tư mới, các thiết chế văn hóa, thể thao, hệ thống y tế cơ sở…
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, tại phiên thảo luận hội trường ngày 1/6, các vị đại biểu Quốc hội phát biểu thêm các nội dung đến nay còn ít ý kiến tham gia, tập trung vào các vấn đề trọng tâm, tránh trùng lặp. Đồng thời, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham gia phát biểu, giải trình làm rõ các ý kiến tại phiên thảo luận.
Nguồn Báo Quảng Ninh: https://baoquangninh.vn/quoc-hoi-thao-luan-o-hoi-truong-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-va-ngan-sach-nha-nuoc-3242904.html