Quốc hội chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu

Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định được 94,62% đại biểu Quốc hội tán thành.

Sáng nay, 8/6, Quốc hội (QH) bắt đầu đợt họp tập trung của kỳ họp thứ 9. Phát biểu mở đầu đợt họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đến thời điểm hiện nay, kỳ họp thứ 9 đã đi được nửa chặng đường, hoàn thành tốt chương trình nghị sự của đợt 1.

quoc-hoi-chinh-thuc-phe-chuan-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-voi-lien-minh-chau-au-093101

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh TTXVN.

QH đã thảo luận về 10 dự án luật, 7 dự thảo nghị quyết; giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; nghe tờ trình về 6 dự án luật khác và các báo cáo về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8.

Qua tổng hợp nhanh cho thấy, dư luận cử tri và đại đa số đại biểu QH cho rằng, mặc dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế – xã hội nước ta, trong đó có hoạt động của QH, nhưng với quyết tâm, trách nhiệm cao trước đồng bào, cử tri cả nước, QH đã chủ động, kịp thời đổi mới, linh hoạt, ứng dụng khoa học công nghệ để thích ứng điều kiện hoàn cảnh thực tế, bảo đảm tiến hành kỳ họp thứ 9 theo đúng quy định.

Lần đầu tiên QH Việt Nam họp trực tuyến liên tục nhiều ngày, các nội dung đã diễn ra thông suốt, vẫn bảo đảm tiến độ, chất lượng và đạt hiệu quả cao; số lượng đại biểu đăng ký phát biểu tăng lên đáng kể; không khí thảo luận, tranh luận tại nghị trường rất sôi nổi, công khai, dân chủ được dư luận và cử tri đánh giá cao.

Đây là kết quả bước đầu rất đáng trân trọng, tạo tiền đề để tiếp tục nghiên cứu, phát huy, hoàn thiện phương thức họp QH trong thời gian tới”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch QH, kết quả này cũng một lần nữa khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, QH cũng luôn nỗ lực, trách nhiệm vì lợi ích của Nhân dân và đất nước.

Chủ tịch QH nhấn mạnh, thời gian của đợt 2 chỉ kéo dài trong khoảng 11 ngày nhưng QH sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung, trong đó có nhiều chính sách lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp vượt qua các khó khăn do đại dịch gây ra để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội nước ta trong năm 2020 và phát triển trong thời gian tới.

Chủ tịch QH tin tưởng, với sự chuẩn bị kỹ càng đó và tiếp nối khí thế tích cực của đợt họp thứ nhất, đợt họp thứ hai này sẽ tiếp tục phát huy không khí dân chủ, trách nhiệm và hiệu quả được lan tỏa mạnh mẽ tại Hội trường Diên Hồng trong những ngày làm việc sắp tới để kỳ họp thứ 9 sẽ thành công tốt đẹp về mọi mặt, tạo nên điểm nhấn quan trọng trong lịch sử hoạt động của QH.

Ngay sau đó, với 94,62% đại biểu QH tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).

IMG_5014

QH biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA.

Theo báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu QH về việc phê chuẩn EVFTA, hầu hết ý kiến các đại biểu QH đều bày tỏ nhất trí cao với Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của QH, tán thành việc QH phê chuẩn Hiệp định tại kỳ họp thứ 9, QH khóa XIV.

Các đại biểu QH cho rằng việc phê chuẩn Hiệp định là phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước; đồng thời đánh giá Hiệp định có chuẩn mực cao nhất hướng tới một không gian thị trường tiềm năng lớn nhất với 27 quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu, trong đó có nhiều quốc gia thuộc nhóm đứng đầu thế giới về thương mại, đầu tư.

Việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên minh Châu Âu sẽ đem lại cho nước ta nhiều lợi ích, thúc đẩy gia tăng thương mại hai chiều giữa hai bên, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và có tính bổ trợ lẫn nhau, tăng quy mô xuất khẩu một số ngành hàng thế mạnh của Việt Nam nhất là hàng nông sản, thủy sản, may mặc.

Đồng thời, doanh nghiệp và người dân Việt Nam sẽ có điều kiện mua máy móc, thiết bị hiện đại với giá cả phải chăng, người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận hàng hóa tiêu dùng chất lượng cao như nhóm hàng hóa mỹ phẩm được người Việt Nam ưa chuộng với giá cả thấp hơn.

Các đại biểu QH nhấn mạnh việc phê chuẩn Hiệp định thúc đẩy nước ta tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, tăng năng lực cạnh tranh trên cả ba cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội rà soát, tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn.

Cũng tại phiên họp, Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA) cũng đã được QH thông qua với 95,45% đại biểu QH tán thành.

Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức được thông qua với 94,82% đại biểu QH tán thành.

 

 

Theo Tuyết Nguyễn (Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/quoc-hoi-chinh-thuc-phe-chuan-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-voi-lien-minh-chau-au-d126498.html