Các chuyên gia Nhật Bản tiến hành lắp thiết bị.
Khoảng 70m2 sông Tô Lịch (Hà Nội) đã được quây riêng bằng rào sắt để các chuyên gia Nhật Bản trình diễn phân hủy bùn thành khí CO2 và nước bằng công nghệ Nano-Bioreactor.
Sáng 17/6, các chuyên gia Nhật Bản đã quây một khu vực sông Tô Lịch (đoạn gần đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy) để trình diễn phân hủy bùn thành khí CO2 và nước bằng công nghệ Nano-Bioreactor.
Khu vực bùn bẩn rộng 70m2 được quây riêng bằng rào sắt. Bên trong rào quây, các chuyên gia đặt 4 tấm vật liệu Bioreactor, nước thải cạnh máy Nano liên tục bơm vào tạo dòng chảy lưu thông.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cải thiện môi trường Nhật -Việt (JVE), đơn vị đưa công nghệ Nhật Bản thí điểm làm sạch sông Tô Lịch, sau một tháng áp dụng, công nghệ Nano-Bioreactor đã đem lại hiệu quả trong việc xử lý ô nhiễm nước và phân hủy bùn bẩn.
Kết quả quan trắc cho thấy, độ dày của bùn đã giảm từ 15-20cm, nồng độ khí độc Hydro Sunfua(H2S), khí Amoniac (NH3) gây mùi hôi thối khó chịu đã giảm hẳn.
Các chuyên gia chuyển thiết bị xuống sông Tô Lịch.
Giải thích về lý do quây riêng khu vực để xử lý bùn, ông Tuấn Anh cho rằng, lớp bùn bẩn tích tụ rất dày, để xử lý hết phải mất thời gian sau 2 tháng.
Bên cạnh đó, hiện mực nước sông Tô Lịch thấp, không đủ nước để dẫn bọt khí nano đến khu vực bùn cao hơn mực nước. Chính vì vậy, các chuyên gia Nhật Bản đã quyết định quây khu vực này để mọi người có thể cảm nhận rõ hơn hiệu quả công nghệ”, ông Tuấn Anh nói.
Ông nói thêm, công nghệ này có thể thay thế cho nạo vét bùn bằng cơ học và duy trì làm sạch lâu dài.
“Nạo vét bùn bằng máy móc, nhân công gây lãng phí tiền công, không xử lý được tận gốc vấn đề. Mỗi lần nạo vét cơ học, phải tốn diện tích đất để chôn lấp bùn, có nguy cơ ảnh hưởng tới mạch nước ngầm, sức khỏe của người dân khu vực chôn lấp”, ông Tuấn Anh thông tin.
Đại diện JVE cho hay, việc thí điểm xử lý phân hủy bùn ở sông Tô Lịch sẽ kéo dài trong vòng 1 tháng. Đơn vị này dự kiến sẽ tiếp tục thí điểm công nghệ này tại sông Nhuệ, sông Đáy và sông Tích.
Trước đó, cách đây 1 tháng, thành phố Hà Nội khởi động “dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor” của Nhật Bản.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, với công nghệ này, các hộp thiết bị đặt chìm dưới nước sẽ tạo ra dòng khí nano khuếch tán vào dòng nước, kích thích các vi sinh vật hoạt động, từ đó giải phóng oxy, xử lý bùn thải, tạo nên môi trường trong lành hơn.
Theo một số người dân đánh giá, sau một tháng áp dụng làm sạch bằng công nghệ Nano-Bioreactor trên sông Tô Lịch (đoạn Hoàng Quốc Việt), nguồn nước đã được cải thiện rõ rệt, tuy vẫn còn màu đen nhưng không còn mùi hôi thối.
Hiện trên sông Tô Lịch đoạn gần cầu Khương Đình (Thanh Xuân), Công ty thoát nước Hà Nội cũng đang quây kín một đoạn khoảng 500m2 để thí điểm làm sạch bằng chế phẩm Redoxy-3C.