Cùng với lập kỷ lục 6 năm liên tiếp đoạt quán quân và 10 năm nằm trong Top 5 Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Quảng Ninh còn xuất sắc nằm trong Top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI gồm Trà Vinh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên có Chỉ số xanh cho cấp tỉnh.
PGI là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị, ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.
Chỉ số xanh được xây dựng nhằm cung cấp thông tin đầu tư vào phục vụ cho công tác hoạch định chính sách ở cả cấp Trung ương và địa phương nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực việc biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và tính bền vững của doanh nghiệp.
Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, là quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2050. Để thực hiện điều này, đòi hỏi có sự hợp tác của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chỉ số xanh cấp tỉnh là công cụ quan trọng để đánh giá hiệu quả của các cơ quan công quyền về vấn đề bảo vệ môi trường. PGI được xây dựng cho thấy các doanh nghiệp, địa phương ngày càng nhận thức rõ vấn đề môi trường cũng quan trọng như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và sự tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.
PGI sẽ được công bố hàng năm cùng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trở thành một công cụ quan trọng để khuyến khích, thúc đẩy các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương tăng cường cải cách, điều hành phát triển kinh tế xanh.
Tương tự cách tiếp cận của PCI, Chỉ số PGI tập hợp cảm nhận của doanh nghiệp và truyền tải tiếng nói của cả cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng quản trị môi trường tới chính quyền các cấp. Một địa phương được coi là có chất lượng quản trị môi trường tốt khi có những nỗ lực phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; thực thi các quy định và có các biện pháp hợp lý để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo thêm gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp; hướng dẫn, phổ biến đầy đủ về các thực hành xanh và chú trọng mua sắm xanh; khuyến khích xanh hóa mô hình sản xuất, kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể.
Để có thành tích lọt vào Top 5 Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI, trong suốt nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn nỗ lực, quyết tâm cao với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trên cơ sở xác định những mâu thuẫn, thách thức trong quá trình phát triển, từ năm 2012, Quảng Ninh đã xác định chuyển đổi phương thức phát triển từ nâu sang xanh dựa trên ba trụ cột phát triển là thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, phát triển và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bằng những giải pháp đồng bộ, cách làm sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tiên phong, đi đầu trong đổi mới, Quảng Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội xanh bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Gần đây nhất là Nghị quyết 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030. Từ việc ban hành, triển khai hiệu quả các nghị quyết, nhận thức, ý thức trách nhiệm công tác bảo vệ môi trường của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư đã được nâng lên rõ rệt, góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững của Quảng Ninh.
Trong định hướng phát triển trong giai đoạn 2020 – 2025, một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm được Quảng Ninh xác định là phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ nâu sang xanh. Chắc chắn rằng, với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới nền kinh tế xanh bền vững, qua đó nâng cao Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI trong những năm tới.