Để đảm bảo hài hòa tối đa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, Quảng Ninh tiếp tục thực hiện mạnh mẽ mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới, tạo sinh kế và tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo. Qua đó, góp phần thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền.
Tập trung mọi nguồn lực
Một trong những địa phương có hoạt động giảm nghèo mạnh phải kể đến TP Hạ Long. Với gần 105.200 hộ dân, đầu năm 2022 Hạ Long không còn hộ nghèo, chỉ còn 47 hộ cận nghèo; phần lớn là những hộ không có sức lao động do có người già yếu, người bị tàn tật, người mắc bệnh nền, bệnh hiểm nghèo, nhiều người ăn theo…
Trên cơ sở rà soát đến từng hộ, thành phố đã triển khai nhiều chương trình, mô hình, hoạt động hỗ trợ người nghèo, hộ cận nghèo, như: Hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho hộ cận nghèo; kho hàng tái sử dụng; hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất; tặng sổ tiết kiệm; tặng vật dụng phục vụ đời sống… Nhờ đó đến hết năm 2022, Hạ Long không còn hộ cận nghèo; 1 hộ nghèo phát sinh (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025) cũng đã thoát nghèo.
Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo luôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng. Trong từng giai đoạn, tỉnh đã tổ chức triển khai, quán triệt tới các cấp, các ngành trên địa bàn các nghị quyết, quyết định về thực hiện chương trình này; đồng thời trên cơ sở thực tiễn và nguồn lực của địa phương, đã ban hành kịp thời các nghị quyết, chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện. Bên cạnh những chính sách của trung ương, tỉnh còn có những chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Các sở, ngành, địa phương cũng chủ động cụ thể hóa chương trình MTQG giảm nghèo thành chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình đơn vị, điều kiện kinh tế – xã hội tại địa phương; lồng ghép và gắn với các chương trình phát triển bền vững kinh tế – xã hội của tỉnh.
Tỉnh tập trung nguồn lực để thực hiện chương trình MTQG một cách hiệu quả nhất. Không chỉ chương trình mà các dự án thành phần cũng xác định được nguồn lực đầu tư cụ thể ngay từ đầu giai đoạn, được thực hiện bằng nguồn kinh phí tỉnh tự cân đối bố trí (một phần do ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu); đồng thời lồng ghép, huy động tổng thể các nguồn lực khác, cùng với sự tham gia, huy động sự đóng góp của cộng đồng và người dân. Riêng giai đoạn 2016-2022, tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh là hơn 2.444,574 tỷ đồng.
Nền tảng vững chắc cho mục tiêu tới
Nhiều chính sách cho người nghèo đã được tỉnh và các ngành, địa phương thực hiện nhanh chóng, kịp thời. Từ năm 2011 đến nay, gần 5.000 hộ nghèo đã được hỗ trợ nhà ở. Công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo luôn được chú trọng thực hiện thông qua hội nghị trợ giúp pháp lý lưu động, giúp người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện tiếp cận dịch vụ pháp lý miễn phí nhanh chóng, thuận tiện; tham gia tố tụng để bào chữa đã bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Cùng với đó, chính sách khám, chữa bệnh, cấp thẻ BHYT cho người nghèo được tỉnh triển khai mạnh mẽ. Từ năm 2016 đến nay, Quảng Ninh đã hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, chi phí khám, chữa bệnh cho 21.658 lượt bệnh nhân; cấp phát 503.538 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số, xã đảo.
Tỉnh cũng triển khai mạnh chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh triển khai 18 chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó có 14 chương trình liên quan trực tiếp đến giảm nghèo. Qua đó đã giúp 104.396 lượt hộ được vay vốn tín dụng chính sách; trong đó 33.355 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn sản xuất kinh doanh, 31.293 lượt hộ vay vốn để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh, 21.749 lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm cho trên 25.000 lao động, 13.642 lượt hộ vay vốn sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn. Từ năm 2021 đến nay có 927 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo vay 63.717 triệu đồng.
Nhờ lồng ghép các chương trình MTQG, chương trình phát triển kinh tế- xã hội và triển khai nhiều chính sách riêng có của tỉnh; đồng thời huy động sự tích cực tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng…, đến cuối năm 2022, tỉnh đã cơ bản hoàn thành mục tiêu giảm nghèo kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đề ra, chỉ còn 258 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,067%); 2.454 hộ cận nghèo (0,635%); trong đó các địa phương Hạ Long, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô không còn hộ nghèo.
Tiếp tục thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, hỗ trợ kịp thời cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, các hộ mới thoát nghèo, thoát nghèo bền vững và thực hiện chủ đề công tác năm 2023 “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, tỉnh đã xây dựng chuẩn nghèo giai đoạn 2023-2025 theo hướng cao hơn mức quy định của trung ương, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của tỉnh và mức sống của người dân, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều riêng của tỉnh còn dưới 0,05%.
Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn: “Đảm bảo giảm nghèo chất lượng, bền vững, thực chất” Năm 2022, với nhiều giải pháp quyết liệt, công tác giảm nghèo của huyện đạt nhiều kết quả tích cực. Bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân thay đổi rõ nét. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm được các đoàn thể từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh triển khai, đạt hiệu quả từ khâu xây dựng phương án, vận động xã hội hoá, đến hỗ trợ cho hộ nghèo. Các chỉ tiêu trong kế hoạch giảm nghèo được phân tích rõ cụ thể đối tượng, nhận diện nguyên nhân để ra giải pháp phù hợp, phân công nhiệm vụ cho các thành viên BCĐ giảm nghèo và giải quyết việc làm huyện trong giám sát, hướng dẫn cơ sở thực hiện. Công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức và tư duy của người nghèo, hộ nghèo; nhiều hộ đã ý thức được trách nhiệm của gia đình, mỗi thành viên trong gia đình cố gắng vươn lên cải thiện cuộc sống; nhiều hộ nghèo viết đơn đăng ký thoát nghèo bền vững. Nhờ đó huyện đã giảm 107/107 hộ nghèo, giảm 175/272 hộ cận nghèo. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, cải thiện điều kiện sống của người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ người thuộc hộ cận nghèo tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và của cộng đồng để tạo cơ hội về việc làm, tăng thu nhập. Qua đó đảm bảo giảm nghèo chất lượng, bền vững, thực chất, không chạy theo thành tích gắn với thực hiện chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh, của huyện.
|
Ông La Ngọc Dương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Húc Động (huyện Bình Liêu): “Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân” Đảng ủy, UBND xã thường xuyên quan tâm chỉ đạo quy hoạch vùng sản xuất tập trung phát triển cây hồi, quế, dong riềng nhằm mục tiêu nâng cao thu nhập cho người nông dân. UBND xã đã phối hợp tốt với các đoàn thể của xã mở các lớp chuyển giao KHKT; chương trình hỗ trợ vốn vay; các tổ vay vốn pháp triển sản xuất… Nhờ đó, năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 65,16 triệu đồng, cao hơn 1,8 lần so với năm 2019, thời điểm xã được công nhận đạt chuẩn NTM; dự kiến năm 2023 thu nhập bình quân khoảng 66 triệu đồng/người. Xã huy động sức mạnh của toàn xã hội cho công tác giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người nghèo; đã hỗ trợ 21 hộ nghèo cải thiện nhà ở, 121 hộ cải thiện nhà tiêu hợp vệ sinh. Đầu năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 9,84%, hộ cận nghèo 9,05%; hết năm 2022, xã không còn hộ nghèo, còn 10 hộ cận nghèo (tỷ lệ 1,53%).
|
Ông Đỗ Văn Gần, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái Đông (TX Đông Triều): “Huy động sức mạnh tổng hợp giảm nghèo bền vững” Thực hiện kế hoạch của UBND thị xã về việc thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2022, xã tiếp tục huy động sức mạnh toàn xã hội cho công tác giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về nhà ở, đất ở cho hộ cận nghèo; hỗ trợ vay vốn phát triển chăn nuôi, sản xuất; phối hợp với các doanh nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Các đoàn thể, đơn vị, bộ phận đăng ký giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo địa chỉ, phương án giúp đỡ cụ thể các hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững. Cuối năm 2021, xã còn 9 hộ nghèo, đến nay không còn hộ nghèo, chỉ còn 29 hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt 71,1 triệu đồng/năm.
|
Ông Phạm Văn Thạch, thôn Đông Sơn, xã Đông Xá (huyện Vân Đồn): “Nỗ lực vươn lên thoát nghèo” Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi học hết lớp 9 thì nghỉ học đi làm; đến năm 2005 thì lập gia đình. Năm 2017, trong một lần đi biển, vợ chồng gặp tai nạn, vợ tôi mất. Tôi một mình cố gắng nuôi 2 con, trong đó con nhỏ mới 11 tháng, trong khi thu nhập từ đi biển bấp bênh. Sau đó, tôi có nuôi ngao nhưng lại gặp dịch bệnh, dẫn đến thua lỗ. Khó khăn chồng chất, nhưng tôi luôn vững vàng để làm điểm tựa cho các con. Từ nguồn hỗ trợ của địa phương, tôi vay mượn thêm, mua dụng cụ, con giống chung tay với anh em nuôi ốc, ngao. Năm 2022, tôi viết đơn tự nguyện thoát hộ nghèo. Tôi rất cảm ơn sự chia sẻ, giúp đỡ từ cấp ủy, chính quyền địa phương, cộng đồng, các đoàn thể, bà con lối xóm dành cho gia đình.
|
Nguồn Báo Quảng Ninh: https://baoquangninh.vn/quang-ninh-huong-toi-khong-con-ho-ngheo-3230984.html