Quảng Ninh – Hải Phòng hợp tác cùng phát triển

Để phát huy hết tiềm năng, lợi thế so sánh, phù hợp với thế mạnh của mỗi thành phố, Quảng Ninh và Hải Phòng xác định rõ nhiệm vụ liên kết hợp tác là xu thế tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển của 2 địa phương.

Ngày 14/8, tại Hội nghi nghị sơ kết chương trình hợp tác, định hướng những năm tiếp theo của hai địa phương do Thành ủy Hải Phòng và Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức, 2 địa phương đã xác định.

Với vị trí địa chính trị, Quảng Ninh và Hải Phòng được trung ương đặt trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; được xác định là trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

z2685452545259_62a77a561fbf6d449f3fc018801a1a23

Quang cảnh hội nghị sơ kết chương trình hợp tác giữa TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Mạnh Trường).

Vì vậy để phát huy hết tiềm năng, lợi thế so sánh, phù hợp với thế mạnh của mỗi thành phố, Quảng Ninh và Hải Phòng xác định rõ nhiệm vụ liên kết hợp tác là xu thế tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển của 2 địa phương.

Tại buổi làm việc đánh giá kết quả công tác phối hợp 2 năm qua của 2 địa phương, 2 địa phương đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thống nhất ban hành được các chương trình, kế hoạch, quy chế phối hợp theo từng lĩnh vực.

z2685455330158_0b7e9a0f1cc1641ddce846cae0206199

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký và Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang ký kết chương trình phối hợp giữa 2 địa phương

TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Mạnh Trường).

Cụ thể, Hải Phòng và Quảng Ninh đã phối hợp bám sát bộ, ngành Trung ương hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà.

Hai bên thống nhất trình Thủ tướng đề xuất cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10, đoạn từ nút giao quốc lộ 18 (Quảng Ninh) đến cầu vượt Quán Toan (Hải Phòng), quy mô 4 làn xe theo quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, theo nguyên tắc đoạn, tuyến đi qua địa phương nào thị địa phương đó thực hiện.

Lãnh đạo 2 địa phương cũng chỉ đạo ưu tiên cân đối ngân sách địa phương để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân; hợp tác về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích lịch sử ven sông Bạch Đằng.

Đặc biệt, tích cực phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý nhà nước về vận tải đường bộ, đường thủy, cảng biển; phát triển vận tải hành khách công cộng (xe điện, xe bus…) kết nối từ trung tâm TP Hải Phòng đến trung tâm TP Hạ Long và ngược lại, góp phần giao thương, phát triển kinh tế – xã hội giữa 2 địa phương và kết nối phát triển kinh tế liên tỉnh, vùng, liên vùng thời gian tới.

Hai địa phương chủ động triển khai liên kết hợp tác trên các lĩnh vực: phát triển du lịch, thương mại, kinh tế biển, văn hóa, bảo vệ môi trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông.

z2685459449295_17d2a632247d2ee40b4e561e76b41210

Cầu Bạch Đằng nối 2 tỉnh Quảng Ninh- Hải Phòng.

Qua đó, hai địa phương đã đạt được một số kết quả để tiếp tục khẳng định vị thế của Hải Phòng và Quảng Ninh là các động lực tăng trưởng chủ yếu của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.

Tuy nhiên, hai địa phương cũng thẳng thắn nhìn nhận hoạt động hợp tác còn một số hạn chế, chưa tương xứng và chưa khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên.

Cụ thể, hợp tác liên kết, xây dựng các tour tuyến, phát triển sản phẩm du lịch, phát triển kinh tế biển, cảng biển chưa tương xứng với tiềm năng.

Việc triển khai đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân, cầu Bến Rừng chậm so với tiến độ đề ra. Hai bên cũng chưa ban hành được quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với hoạt động vận chuyển khách du lịch trên khu vực 2 vịnh Hạ Long và Lan Hạ.

Tại hội nghị này, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận và thống nhất trong thời gian tới, TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện một số nội dung hợp tác trọng tâm.

Trong đó có công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong công tác kiểm soát dịch bệnh Covid-19 liên ngành tại các cửa ngõ ra vào giữa 2 địa phương trên tuyến đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa và đường sông, không để dịch bệnh Covid-19 xâm nhập, lây lan, bùng phát, góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân, tạo điều kiện ổn định, phát triển KT-XH 2 địa phương.

Hai địa phương cũng sẽ hợp tác liên kết phát triển du lịch; sớm ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với hoạt động vận chuyển khách du lịch trên khu vực 2 vịnh Lan Hạ và Hạ Long.

Xây dựng khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển; là cửa ngõ, động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh) theo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 của cả nước. tầm nhìn đến năm 2050;

Cùng với đó, 2 địa phương sẽ thúc đẩy hợp tác phát triển cảng biển, dịch vụ cảng biển, logistics trên cơ sở khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương  để khai thác có hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có. như: Cảng hàng không Cát Bi, cảng biển Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng Cái Lân, cảng biển Con Ong – Hòn Nét và tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái, các cửa khẩu quốc tế Móng Cái – Đông Hưng, cửa khẩu song phương Hoành Mô – Động Trung, Bắc Phong Sinh – Lý Hỏa.

Đồng thời, 2 địa phương tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng giao thông liên kết nội vùng, liên vùng, hợp tác quốc tế đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể giữa tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng Sông Hồng, điển hình như cầu Lại Xuân, cầu Bến Rừng, cải tạo, nâng cấp QL10, đường ven sông tốc độ cao kết nối từ cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cùng khẳng định những nội dung hợp tác giữa hai địa phương đã đạt được những kết quả quan trọng trong thời gian qua.

Điều đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh và an sinh xã hội, phù hợp với thế mạnh của mỗi địa phương. Từ đó, đưa Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

 

Theo Nguyễn Quang (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/quang-ninh–hai-phong-hop-tac-cung-phat-trien-d163520.html