Quảng cáo trên TV, Facebook giờ xưa lắm rồi, chỉ sang năm thôi tất cả chúng ta có thể được xem quảng cáo trên… bầu trời

Một startup của Nga đã lên kế hoạch chi tiết để phóng vệ tinh quảng cáo vào không gian trong thời gian tới.

Thế giới của chúng ta đang tràn ngập trong những màn hình và banner quảng cáo ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên điều đó có thể sẽ được thay đổi bởi một startup đến từ Nga sau khi họ tiết lộ kế hoạch sử dụng một loạt vệ tinh nhỏ có khả năng phản chiếu ánh sáng để tạo ra các biển quảng cáo trong không gian.

Quảng cáo đầu tiên trên bầu trời của StartRocket được giới thiệu trong đoạn video ngắn do công ty đăng tải tuần trước. Sản phẩm đặc biệt này chỉ được nhìn thấy bằng mắt thường vào ban đêm từ bất cứ nơi nào trên Trái Đất và dự kiến sẽ hoạt động từ năm 2021.

Quảng cáo được tạo ra bởi nhiều vệ tinh nhỏ, mỗi vệ tinh được trang bị một cánh buồm phản chiếu có đường kính khoảng 9,1m. Khi đạt đến độ cao nhất định, ánh sáng mặt trời sẽ phản chiếu với cánh buồm để tạo thành cụm từ hoặc logo quảng cáo phát sáng.

Quảng cáo trên TV, Facebook giờ xưa lắm rồi, chỉ sang năm thôi tất cả chúng ta có thể được xem quảng cáo trên… bầu trời - Ảnh 1.

Mô phỏng quảng cáo của StartRocket.

Giám đốc điều hành Vlad Sitnikov cho biết công ty đã có một nguyên mẫu và thử nghiệm ban đầu sẽ bắt đầu vào năm tới. Tuy nhiên đến nay họ vẫn chưa tiết lộ chi tiết về tên lửa sẽ đưa vệ tinh lên quỹ đạo hoặc chi phí mà khách hàng sẽ phải bỏ ra để quảng cáo trong không gian.

Sitnikov cho biết kế hoạch quảng cáo trên bầu trời của công ty được lấy cảm hứng từ một “quả cầu disco” được đưa lên quỹ đạo vào tháng 1/2018 bởi công ty Rocket Lab có trụ sở tại California. Đây là một vệ tinh sáng nhấp nháy và có thể nhìn thấy bằng mắt thường trong đêm.

Theo CEO của Rocket Lab, “Humanity Star” được thiết kế với mục đích nghệ thuật, khuyến khích mọi người nhìn lên bầu trời nhiều hơn và nghĩ về vị trí của mình trong vũ trụ. Vệ tinh này quay quanh Trái Đất trong vòng hai tháng trước khi bốc cháy và rơi trở lại mặt đất.

Sitnikov chia sẻ rằng sự sáng tạo độc đáo của Rocket Lab đã khiến ông đặt ra câu hỏi: “Sẽ ra sao nếu chúng ta phát minh ra phương tiện tuyền thông đầu tiên trên quỹ đạo?”. Dù vậy, không phải ai cũng đồng tình với việc đưa thêm vệ tinh vào quần thể 1.400 các vật thể nhân tạo trên quỹ đạo Trái Đất của Sitnikov.

John Crassidis, Giáo sư Kỹ thuật cơ khí và Hàng không vũ trụ tại Đại học Buffalo cho biết việc có quá nhiều vệ tinh sẽ dẫn tới khả năng va chạm nhiều hơn. Không những vậy, vấn đề lớn nhất cần quan tâm chính là chúng sẽ trở thành rác thải không gian.

Từ vệ tinh đã ngừng hoạt động, các mảnh của tên lửa cho đến những vật dụng của phi hành gia… tất cả đều không được dọn dẹp sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã phát hiện ra hơn 500.000 mảnh rác vũ trụ trên quỹ đạo quanh Trái Đất.

Theo Sitnikov, vệ tinh quảng cáo của StartRocket có thể sẽ ở trên quỹ đạo trong vòng một năm và sau đó chúng sẽ được điều khiển để tự bốc cháy trên bầu trời. Thế nhưng Crassidis vẫn cho rằng điều này khá vô bổ vì không phục vụ bất kỳ mục đích nào ngoài quảng cáo.

Ngoài ra, kế hoạch trên cũng gây lo ngại về mặt khoa học. Chuyên gia về luật vũ trụ, Giáo sư danh dự tại Đại học Mississippi, Joanne Gabrynowicz cho biết các nhà khoa học không đồng tình với StartRocket bởi ánh sáng phản xạ từ vệ tinh quảng cáo sẽ cản trở công việc nghiên cứu bầu trời.

Về phần mình, Sitnilov vẫn tỏ ra khá lạc quan. Ông nói: “Chúng tôi đang tạo ra một phương tiện mới. Chẳng ai thích xem quảng cáo trên TV và các phương tiện truyền thông cả”.

theo NBC