Phụ nữ tự bảo vệ bản thân bao nhiêu cho đủ khi chính phụ nữ vẫn đổ lỗi cho nhau và năng lực kiểm soát hành vi của đàn ông vẫn nằm ở thời kỳ đồ đá

Phòng chống xâm hại tình dục không phải là việc chỉ cần phụ nữ biết tự bảo vệ mình là xong. Vì chúng tôi có tự đi xâm hại chính mình bao giờ đâu?

“Một bộ cánh hơi “mát mẻ” hay quá ôm sát đôi khi làm bác tài có chút “mất tập trung”, vô tình ảnh hưởng đến sự an toàn của cả chuyến đi. Hãy sử dụng thêm áo khoác hay váy phủ chân để đảm bảo kín đáo và thoải mái” – đó là những dòng cảnh báo được đăng tải trên fanpage của mộthãng gọi xe công nghệ. Nội dung của bài viết chủ yếu có nội dung khuyên các chị em nên ăn mặc kín đáo khi ra đường để tự bảo vệ chính mình hoặc nên đặt xe hơi qua ứng dụng của họ để đảm bảo an toàn. Một điều đáng lưu ý là hầu hết các tài xế của hãng này là nam giới. 

Bài viết hiện đã được xóa vì những luồng tranh luận trái chiều. Dẫu vậy, nó vẫn dấy lên một nỗi băn khoăn trong lòng nhiều chị em: Phụ nữ cứ mặc đẹp, cứ gợi cảm là đàn ông có thể hành động theo bản năng hay sao?!

“Victim Blaming” – Tư duy sai lầm cổ súy đàn ông hành động theo bản năng

Victim Blaming (Đổ lỗi cho nạn nhân) là hiện tượng xảy ra khi nạn nhân của các vụ án xâm hại tình dục hoặc giết người phải chịu trách nhiệm cho những gì xảy đến với họ. Đây là hiện tượng thường thấy ở những vụ tấn công tình dục khi nạn nhân bị kết tội đã vô tình “mời chào” đối phương do ăn mặc không phù hợp hoặc có hành vi không đúng mực.

Không khó để nhận thấy, dù xã hội đang phát triển như vũ bão từng ngày một, ngày càng hướng đến sự văn minh nhưng tư tưởng độc hại này vẫn bám chặt trong suy nghĩ không ít người và vẫn tồn tại trong đời sống thường nhật.

Artboard 1

Vào cuối tháng 7/2019, tại một nhà hàng ở quận 9, TP. HCM, một nhóm đàn ông đã sàm sỡ 4 cô gái rồi đẩy một cô xuống hồ sen. Khi câu chuyện được các cô gái đưa lên mạng để nhờ dân cư mạng lấy lại công bằng, hầu hết mọi người đều lên án hành vi của nhóm thanh niên kia.

Nhưng lẫn trong hàng trăm comment lên án đó, vẫn có những bình luận cho rằng, chuyện đó xảy ra, một phần là do các cô gái đã ăn mặc gợi cảm?!“Các cô cứ ăn mặc thế này bảo sao tội phạm mỗi ngày đều gia tăng”, một nam thanh niên đã nêu ý kiến của mình. Nhưng đáng nói hơn cả, trong những bình luận đổ lỗi cho nạn nhân này còn có cả những người dùng mạng là phụ nữ. Nickname L.N có đưa ra quan điểm: “Đúng là ông kia hành động sai, nhưng các chị em đi ăn mà ăn mặc hở hang thế kia thì cũng khó tránh khỏi mấy việc này”. 

Bất ngờ thay, giữa thế kỷ 21, 4 cô gái đương tuổi xuân thì chỉ vì đi chơi, muốn chụp ảnh đẹp mà váy vóc điệu đà một chút lại bị nhận xét là “ăn mặc thế này”, dù xét về độ ngắn hay những khoảng hở thì trang phục của họ đều chẳng có gì quá đáng hay phản cảm. Bất ngờ thay, thay vì ngăn ngừa tội ác hoặc nâng cao nhận thức về việc đàn ông nên kiểm soát ham muốn mang tính bản năng có sẵn trong mình, nhiều người đổ lỗi ngược cho nạn nhân. Và còn bất ngờ hơn nữa khi chính những người phụ nữ lại khắt khe đổ lỗi cho những người phụ nữ khác, chỉ vì họ muốn đẹp và vì những tội lỗi mà họ là nạn nhân.

Artboard 3

Việc đổ lỗi cho nạn nhân, thực tế đã tạo điều kiện cho những kẻ sai quấy kia được bao biện, lấp liếm về những hành vi sai trái của mình. Đôi khi, không chỉ riêng đàn ông cổ súy cho đàn ông, mà chính cách suy nghĩ rằng “mình không nên mặc gợi cảm” của các chị em cũng tiếp tay cho những hành động vô văn hóa của nhiều người.

Điều này đã vô tình tạo ra một danh sách dài vô hạn những việc mà phụ nữ phải làm để nhân cách của họ được coi trọng, để bản thân không dễ bị lọt vào tầm ngắm của “yêu râu xanh”. Ví dụ như: Không được ăn mặc hở hang, không được đi chơi khuya, không được say xỉn, không được đi ra ngoài một mình, v.v..

Cứ thế, tư duy đổ lỗi cho nạn nhân đã vô tình dạy phụ nữ rằng: Họ phải biết sợ sự tấn công của những kẻ xấu nếu họ ứng xử lệch khỏi “chuẩn mực” kia, phải ghi nhớ những điều nên/không nên làm để được “yên thân”. Điều ấy có nên không? Tại sao quyền lợi của đàn ông, kể cả sự bao biện cho việc được phạm tội dễ dàng lại được đề cao hơn cả quyền được tự do trong cuộc sống hàng ngày của phụ nữ?

Thôi nói chuyện “bản năng”, hãy bàn về “nhận thức”

Hỡi những người đàn ông cao to, sức dài vai rộng, đừng lấy chuyện quần áo hoặc trạng thái tỉnh táo các anh hoặc của một người phụ nữ ra để làm bằng cớ cho ham muốn hoặc hành vi sai trái của mình. Đàn ông vốn được coi là giống loài sống theo lý trí. Ấy thế mà cứ dính dáng đến chuyện “thân mật thể xác”, không ít anh bỗng nhiên quên mất cái lý trí vốn được coi là thế mạnh của mình và thả rông cho bản năng tung hoành sao?

Mỗi khi có một vụ xâm hại hoặc sàm sỡ bị vỡ lở, xã hội, trong đó có cả đàn ông, cùng nhau lên án kẻ phạm tội. Nhiều người chửi rất hay, lên án rất mạnh mẽ, thậm chí bày cả cách thoát thân cho phụ nữ trong tình huống hiểm nguy, hoặc khuyên các chị em nên đi học võ/cho con gái đi học võ tự vệ. 

Đương nhiên, tự vệ chẳng bao giờ là việc thừa thãi. Dù có nguy cơ bị tấn công hay không, biết cách tự vệ cũng là một kỹ năng sống còn của con người. Thế nhưng, xét về lâu dài, để hạn chế xâm hại tình dục, phụ nữ tự vệ không bao giờ là đủ. Bởi con người vốn chỉ có thể kiểm soát được bản thân và thái độ của riêng họ, chứ sao có thể kiểm soát được hành vi hoặc ham muốn của người khác.

Artboard 2

Hẳn rất nhiều người còn nhớ, vào cuối tháng 3 năm nay, vụ tấn công tình dục trong thang máy ở một khu chung cư ở Hà Nội đã khiến dư luận dậy sóng. Cô gái bị tấn công là một nữ sinh viên ăn mặc giản dị đã bị một kẻ lạ mặt là chủ một công ty có văn phòng đại diện tại chung cư này bất ngờ ôm hôn.

Nhìn ra thế giới, cuộc triển lãm mang tên “Bạn mặc gì lúc đó” được tổ chức tại Trung tâm Cộng đồng Hàng Hải ở Brussels đã trưng bày y phục mà những nạn nhân đã mặc lúc bị cưỡng hiếp hoặc tấn công tình dục. Ở đó, bạn sẽ thấy các món đồ không thể kín đáo hơn như pyjamas, đồ thể thao, quần âu, áo sơ mi công sở…

Vậy đấy, việc phụ nữ ăn mặc ra sao vốn chưa bao giờ là nguyên nhân thật sự của một vụ xâm hại tình dục. Nếu chẳng may nạn nhân diện đồ gợi cảm, có lẽ kẻ tấn công sẽ được dịp đổ lỗi, phủ nhận hành vi sai trái của mình. Nhưng ngay cả khi nạn nhân ăn vận kín đáo, giản dị, họ cũng vẫn bị xâm hại thì các anh đổ lỗi cho ai?

70493510_2421682731487574_3055947755991072768_n

Một góc của triển lãm “Bạn mặc gì lúc đó”. – Ảnh: scarymommy

Đã đến lúc đàn ông nói chung, những tên yêu râu xanh nói riêng thôi bám vào “bản năng” giống loài của mình, thôi phán xét chuyện phụ nữ mặc gì ra đường, trên người hở bao nhiêu centimet để lấy cớ “không kiềm chế được”, “bị kích thích” mà tấn công họ. Suy cho cùng, bản lĩnh của đàn ông cao xa đến đâu thì không có bất cứ một quy chuẩn nào. Ngay cả việc kiểm soát ham muốn nguyên sơ nhất, các anh còn không tự tin làm được, ngay cả việc tôn trọng quyền tự do của người khác, các anh cũng không làm được, thì nói gì tới những việc cao cả, lớn lao khác đây?

Làm sao để phụ nữ được an toàn, làm sao để những câu chuyện sàm sỡ, xâm hại đau lòng không còn tái diễn, câu hỏi sẽ không bao giờ có đáp án cho tới khi chúng ta ngưng đổ lỗi, ngưng vịn vào Victim blaming để bao biện cho cả những suy nghĩ và hành động xấu xí hướng đến phụ nữ.