“Tấn công, tấn công, tấn công!”, tiếng la ó vang lên khắp Old Trafford, nhưng Manchester United không hề tấn công.
1. Có thể họ đã rất cố gắng để có thể tấn công. Thành thật mà nói, rất khó để nhận ra họ đang cố làm gì. Có lẽ họ nghĩ những gì mà mình đã làm chính là tấn công. Nhưng trên thực tế, họ không hề tấn công.
Dưới thời David Moyes, Manchester United – theo một cách nhìn nhận – cũng có thể nói là một đội bóng biết tấn công. Mặc dù họ thường rất tệ trong khâu tấn công, và chiến thuật duy nhất mà họ biết dùng là tạt cánh đánh đầu “trứ danh”, nhưng đó vẫn là một cách tấn công. Dù cho có vô cùng buồn tẻ và rất dễ đoán trước, thì đó vẫn được xem là một phương án, một kế hoạch.
Dưới thời David Moyes, Man United đã có những trận đấu đạt kỷ lục về số lần tạt bóng.
Dưới thời Louis Van Gaal, Manchester United vẫn biết tấn công. Họ thường tấn công theo một cách mà chỉ những người theo trường phái Hà Lan mới cảm thấy hứng thú, kiểm soát bóng, kiểm soát rủi ro đến mức buồn tẻ.
Khiến người ta bối rối khi phải dùng từ “tấn công” cho lối chơi này, nhưng nó chính là tấn công. Dù cho có vô cùng buồn tẻ và rất dễ đoán trước, thì đó vẫn được xem là một phương án, một kế hoạch.
Tại lượt trận thứ 2 vòng bảng Champions League, đối thủ của United chỉ là Valencia, đội bóng đang đứng thứ 14 ở La Liga, và đã có chuỗi trận không thắng kéo dài từ đầu mùa giải cho đến tận thứ Bảy vừa qua.
Công việc của United đơn giản chỉ là tấn công họ, gây sức ép lên họ và thổi bay họ theo cái cách mà “Qủy đỏ” vẫn thường làm trong những trận đấu trên sân nhà. Nhưng Manchester United của Jose Mourinho đã không hề tấn công.
Man United vô cùng bế tắc trước Valencia.
“Tấn công, tấn công, tấn công”
Đó chính là điệp khúc đã khiến Van Gaal thất bại. Có lẽ ban đầu đó là điều duy nhất chúng ta có thể đồng cảm với vị HLV thất vọng với những cầu thủ không thể chia sẻ với ông triết lý phức tạp này. Nhưng rút cục, nó cũng giống như việc một cậu bé nói với nhà vua rằng ông ta đang không mặc quần áo (trong truyện “Bộ quần áo mới của nhà vua”).
Nó như một bản thánh ca gợi nhớ lại những ngày tháng vinh quang của United. Nó từng được hô vang tại Wembley vào năm 1968, khi United đánh bại Benfica để giành chức vô địch châu Âu.
Ngay cả khi họ đã dẫn trước 1-0 vào cái đêm ẩm ướt năm ấy, người ta vẫn gào to nó – không chỉ là để thể hiện lòng mong mỏi Quỷ Đỏ giành lấy chiến thắng, mà còn phải thắng đúng theo phong cách của Matt Busby.
Nhìn nhận một cách thấu đáo, có lẽ cần phải thừa nhận rằng ngay cả dưới thời Sir Alex Ferguson thì United không phải lúc nào cũng tấn công, nhưng trong những thời điểm khó khăn, các chi tiết như vậy lại khiến người ta dễ hồi tưởng về những câu chuyện của thời hoàng kim.
Man United của Sir Alex luôn biết cách tấn công, dồn ép đến nghẹt thở địch thủ.
Đó chính là lý do vì sao nó thật mạnh mẽ, đó là lý do vì sao cách Pogba dùng cụm từ này sau trận hòa trước Wolverhampton thật đáng lưu ý.
Đây không phải là sự thất vọng thông thường của một cầu thủ nghi ngờ về sự tiến bộ của đội bóng, mà là của một đứa con hoang dành 3 năm tuổi teen của mình ở CLB để làm vũ khí sắc bén chống lại sự vô lý của vị HLV hiện tại.
Để nói rõ hơn: Busby kêu gọi cầu thủ ra sân và tận hưởng trận đấu. Mourinho kêu gọi cầu thủ ra sân và đảm bảo họ không tận hưởng trận đấu.
2. Vậy tại sao họ lại không tấn công? Tất nhiên, theo José Mourinho thì đó chưa bao giờ là lỗi của ông: “Chúng tôi đã cố gắng làm điều đó,” ông nói. “Nhưng ở những vị trí đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn xây dựng lối chơi, chúng tôi không có đủ chất lượng kỹ thuật để có thể triển khai bóng từ hàng phòng ngự.”
Và câu hỏi được đặt ra ở đây là: Vậy, ai là người có lỗi? Không ai khác ngoài bản thân José Mourinho, người đã ký hợp đồng với Eric Baily; Mourinho cũng chính là người đã chọn Chris Smalling đá chính thay vì trung vệ trị giá 30 triệu bảng mà đích thân ông yêu cầu ký hợp đồng, Victor Lindelof
Đồng thời, còn ai khác ngoài ông là người đã quyết định không rút Valencia và Luke Shaw ra khỏi sân, trong khi đã cất lời chế giễu Manchester City vì đã bỏ ra 130 triệu bảng chỉ để mang về ba hậu vệ cánh vào mùa hè năm ngoái.
Valencia đã sa sút đáng kể.
Ngoài ra, ba trong số bốn cầu thủ kể trên đều đã từng thi đấu dưới thời Van Gaal, khi mà United không biết làm gì khác ngoài việc xây dựng lối chơi từ hàng phòng ngự và liên tục thực hiện những cuộc thanh lọc nền tảng nhưng lại chẳng bao giờ đụng đến được cốt lõi của vấn đề.
Mặc dù vậy, triển khai tấn công mà không cần đến một trung vệ tấn công biết triển khai bóng xuất sắc là hoàn toàn có thể. Rất nhiều câu lạc bộ đã giải quyết được vấn đề này mỗi tuần.
Romeu Lukaku, người đã khiến United phải tiêu tốn 75 triệu bảng là một cắm khá cơ động. Trong số các cầu thủ, có lẽ anh chính là người ủng hộ Jose Mourinho nhất vào thời điểm này, thế nhưng tiền đạo người Bỉ đã dành cả buổi tối thứ Ba để lang thang trên sân với một dáng vẻ bơ phờ, đến mức khiến cho Paul Pogba phải liên tục la hét, đốc thúc.
Alexis Sanchez? Một cầu thủ thỉnh thoảng mới thi đấu bùng nổ và tràn đầy năng lượng trên sân, nhưng cũng chỉ là cắm đầu chạy mà chẳng có mục đích gì.
Marcus Rashford? Rõ ràng là chàng trai này đã thể hiện sự nỗ lực và tạo ra một vài tình huống nguy hiểm về phía khung thành đối phương, nhưng lại không hề có ý thức thi đấu như một phần của một tập thể gắn kết.
Paul Pogba, một cầu thủ đầy rẫy những sự đối lập trong nội tâm. Một mặt, bản năng của cậu ta nói rằng Man United cần tấn công nhiều hơn, và ở mặt khác, cậu ta hiểu rõ rằng một sai lầm cậu ta mắc phải cũng có thể trở thành cái cớ cho Mourinho khẳng định ông đã đúng. Cậu đã trở thành một hình mẫu cho sự bất ổn nội tại của Man United
Và kết quả là Manchester United đã trở thành một mớ hỗ độn, được chắp vá lại với nhau một cách vụng về bởi những mảnh ghép không ăn nhập gì với nhau, một đội bóng không hề có sự lưu loát, nhịp nhàng, một thủ lĩnh hay thậm chí là cả một kế hoạch rõ ràng nào.
“Tấn công, tấn công, tấn công!” tiếng gào thét vẫn vang lên ở Old Trafford, nhưng Manchester United vẫn không hề tấn công.