Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Từ chuyện áp dụng trí tuệ nhân tạo ở Quốc hội tới xây dựng du lịch 4.0

Trong bối cảnh cả thế giới đều đang theo đuổi cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Việt Nam cũng đang nỗ lực áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào phát triển trên mọi ngành, mọi lĩnh vực.

Khẳng định Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu từ việc áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lấy ví dụ về những đổi mới ngay chính trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. “Như Quốc hội thấy hôm nay, chương trình trí khôn nhân tạo được sử dụng để xử lý ngôn ngữ phục vụ kỳ họp. Tất cả ý kiến phát biểu, giải trình đều được máy đưa ngay sang văn bản”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.

Theo ông Đam, ứng dụng đang được sử dụng trong kỳ họp Quốc hội do các công ty chuyên trách trong lĩnh vực công nghệ thông tin cung cấp. Tuy nhiên, đằng sau đó là cả một chương trình mà hiện nay chính phủ đang chỉ đạo các đơn vị khoa học làm bởi vì Việt Nam cần có những sản phẩm của riêng mình.

Nói sâu hơn về câu hỏi chất vấn của đại biểu trong việc áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào du lịch, Phó Thủ tướng Đam nhận định có rất nhiều điểm nhưng có thể nói nôm na là làm sao để giới thiệu các sản phẩm du lịch, các địa danh du lịch cũng như để mọi người dân, mọi tổ chức kinh doanh, đều có thể giới thiệu về các sản phẩm du lịch của mình trên Internet.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các phương tiện thanh toán điện tử và thúc đẩy nó. “Các bộ ngành đều đang cố gắng lặng lẽ làm. Từ năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Khoa học công nghệ đã làm chương trình phối hợp. Hiện nay, thanh toán qua điện thoại di động của Việt Nam tăng rất nhanh với tốc độ dẫn đầu ASEAN trong 6 tháng gần đây”, Phó Thủ tướng nói về những thành quả.

Trong kỳ họp vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo tổng số giao dịch thanh toán thông qua điện thoại di động của Việt Nam tăng 97% về số giao dịch. Việt Nam cũng đã bắt đầu chương trình số hóa di sản với các bảo vật quốc gia, vật phẩm rất quý trong các các bảo tồn, bảo tàng. Việt Nam cũng bắt đầu xử lý chương trình tiếng nói để tới đây có thể khắc phục tình trạng thiếu hướng dẫn viên cũng như dịch tự động.

“Chúng ta cũng làm nhiều thứ khác với công nghệ. Công nghệ cho du lịch, trong đó có vấn đề môi trường, đã được thí điểm ở Huế và chúng tôi đang muốn phát động trên cả nước”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng du lịch của một quốc gia với 14 nhóm tiêu chí và 90 tiêu chí thành phần. 14 nhóm tiêu chí bao gồm: Môi trường kinh doanh; An toàn an ninh; Vệ sinh và sức khỏe; Nhân lực và thị trường lao động; Mức độ sẵn sàng công nghệ thông tin; Mức độ ưu tiên ngành du lịch; Cởi mở với quốc tế; Cạnh tranh về giá; Bền vững môi trường; Hạ tầng; Hạ tầng mặt đất và cảng; Hạ tầng du lịch; Tài nguyên thiên nhiên và Tài nguyên văn hóa.

Trong những tiêu chí này, có nhiều nhóm Việt Nam được xếp hạng rất thấp. Nhóm tiêu chí thấp nhất là bền vững về môi trường với thứ hạng 128. “Trong môi trường, có nhiều vấn đề từ nước thải đến bụi và độ che phủ của rừng, bảo vệ dạng sinh thái. Những tiêu chí này, chúng ta cơ bản đều rất thấp”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Ngoài những giải pháp đột phá như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra, Phó Thủ tướng cho rằng Việt nam cần tập trung vào các điểm còn yếu để cải thiện trong đó có vấn đề vệ sinh môi trường, nếp sống văn minh.

“Cùng với đó cần tăng cường vận động nhân dân. Mỗi người dân, với hành động thiết thực của mình, tham gia góp phần xây dựng môi trường du lịch an toàn và thân thiện”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay.