Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh: Rất khó để lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, nếu tuân thủ quy trình thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật một cách nghiêm túc thì sẽ không có hiện tượng lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.

Chiều ngày 9/6/2022, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục tiến hành Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội về Nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực Giao thông. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tham gia làm rõ các vấn đề có liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

PhamBinhMinh

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh

Trả lời tranh luận của đại biểu Cầm Hà Chung về vấn đề có hay không chuyện lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, pháp luật đã có quy định chặt chẽ về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt liên quan đến luật, pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cơ quan soạn thảo phải tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động chính sách, đề nghị xây dựng văn bản, lấy ý kiến đánh giá tác động chính sách, tổ chức hội nghị hội thảo để đánh giá, tiếp thu. Qua quá trình đó, cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp ý kiến, qua thẩm định của Bộ Tư pháp để đưa ra Chính phủ…

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, nếu tuân thủ quy trình thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật một cách nghiêm túc thì sẽ không có hiện tượng lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Chính phủ đã đề ra những quy định, có những nhóm giải pháp như minh bạch hóa, kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng văn bản pháp luật, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy vai trò của ban soạn thảo theo đúng tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng thẩm định, thẩm tra của Bộ Tư pháp và các cơ quan của Quốc hội, củng cố, kiện toàn, phát huy hiệu quả của các cơ quan pháp chế thuộc các Bộ.

Về các câu hỏi liên quan đến vấn đề giải ngân nguồn vốn ODA, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, đây là nguồn vốn hết sức quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội, là nguồn lực huy động hết sức cần thiết, không dễ tiếp cận. Việc chúng ta vẫn huy động được nguồn vốn ODA cho thấy viẹc sử dụng nguồn vốn này của chúng ta đang được đánh giá là hiệu quả. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, việc giải ngân vốn đầu tư ODA còn ở mức thấp so với tình hình giải ngân nói chung. Tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; thủ tục, quy trình giữa chúng ta và các nhà tài trợ có nhiều khác biệt; vấn đề giải phóng mặt bằng; công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn chưa hiệu quả; năng lực giải ngân còn hạn chế…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến nguồn vốn này, tăng cường rà soát các thủ tục, hài hòa hóa các thủ tục với các nhà tài trợ, điều chỉnh thủ tục giải ngân vốn ODA, xem xét điều chuyển nguồn vốn để nâng cao hiệu quả trong việc thu hút, sử dụng nguồn vốn ODA.

toancanh

Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ, đây là chương trình có vai trò quan trọng, tiếp nối Chương trình xóa đói giảm nghèo của giai đoạn trước. Chính phủ đã ban hành các văn bản để giúp cho quá trình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo phù hơp với Luật Đầu tư công. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cần ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn để là căn cứ để các địa phương triển khai, địa phương chủ động nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách phù hợp để giải ngân nguồn vốn này, ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thưc hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Hoàn thiện thể chế trong giải ngân vốn đầu tư công

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, trong báo cáo về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, báo cáo của từng thời kỳ cũng có những điểm khác nhau. Theo đó, báo cáo của Bộ Tài chính dựa trên cơ sở các nguồn được quyết toán từ Kho bạc Nhà nước, còn báo cáo của các tỉnh, thành, báo cáo của các dự án lấy cơ sở từ thực tế thực hiện luôn luôn có sự chênh lệch số liệu. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết sẽ tiến hành kiểm chứng, kiểm tra, đối chiếu để có số liệu chính thức, chính xác trong Báo cáo của Chính phủ lên Quốc hội về tình hình giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Về vấn đề thể chế, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, khi giải ngân nguồn vốn đầu tư công triển khai chậm, Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt để rà soát lại về vấn đề thể chế, xem xét những vướng mắc làm chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Tổ công tác đã yêu cầu tất cả các Bộ, ngành, các địa phương báo cáo, trong báo cáo tổng hợp lên, các vấn để chủ yếu gặp phải là do hiểu chưa hết các quy định thủ tục. Sau đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi các bộ, ngành và các tỉnh, thành giải thích về các quy định trong thủ tục giải ngân vốn đầu tư công.

Những vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, tập hợp lại để điều chỉnh trong phạm vi thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ, ngành. Phó Thủ tương Thường trực Chính phủ cho biết sẽ tập hợp các vấn đề liên quan đến điều chỉnh quy định của pháp luật để báo cáo, đề xuất với Quốc hội.

Quang Vũ (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/pho-thu-tuong-thuong-truc-chinh-phu-pham-binh-minh-rat-kho-de-loi-ich-nhom-trong-xay-dung-phap-luat-d183501.html