Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang: Chuẩn bị kỹ lưỡng, ứng phó linh hoạt trước thiên tai

Ngày 20/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) quốc gia về phòng chống thiên tai (PCTT), Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCTT và TKCN.

Dự tại điểm cẩu Bắc Giang có đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; đại diện một số cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, TP.

Quang cảnh tại điểm cầu UBND tỉnh Bắc Giang.

Theo BCĐ quốc gia về PCTT, tại Việt Nam, năm 2022 thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật với 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần) với hơn 1 nghìn trận thiên tai được thống kê. Thiên tai làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19,5 nghìn tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021).

Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất… làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, dù thiên tai diễn biến khó lường song nhờ sự chủ động nên từ năm 2022 đến nay, các ngành, địa phương trong cả nước đã điều động người, phương tiện tham gia cứu nạn được hơn 5,5 nghìn người và 349 phương tiện; di dời hàng nghìn hộ dân đến nơi an toàn…

Mặc dù vậy, có ý kiến nêu, một số tồn tại, hạn chế trong công tác PCTT và TKCN kéo dài chưa xử lý dứt điểm, việc thực hiện phương châm 4 tại chỗ, nhất là xây dựng lực lượng xung kích PCTT tại cơ sở ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao… Nhiều địa phương chưa cập nhật đầy đủ, toàn diện các kịch bản thiên tai, nhất là trong tình huống mưa đặc biệt lớn trong thời gian ngắn dẫn đến ngập sâu, kéo dài…

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, năm nay số lượng bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta có khả năng ở mức trung bình nhiều năm (11-13 cơn trên biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền); đỉnh lũ các sông ở Bắc Bộ ở mức báo động 1-2, riêng các sông suối nhỏ ở báo động 2-3…

Nhà thầu thi công tu sửa kè Yên Sơn, xã Yên Sơn (Lục Nam).

Để chủ động ứng phó, nhiều ý kiến cho rằng, các ngành, địa phương cần triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật nhằm tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động. Coi công tác PCTT là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Theo đại diện Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, để giảm thiểu thiệt hại, các ngành, địa phương cần chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, trong đó cần lồng ghép nội dung này vào quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, các chương trình, dự án đầu tư, góp phần giảm nguy cơ rủi ro thiên tai. Quan tâm bố trí ngân sách tập trung xử lý dứt điểm các công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai, trọng điểm đê điều, hồ chứa nước xung yếu trước mùa mưa, bão năm 2023.

Cơ quan chuyên môn nâng cao chất lượng dự báo, bảo đảm yêu cầu dự báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên diễn ra gây thiệt hại lớn như bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét, sạt lở đất. Đẩy mạnh xã hội hóa trong việc lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng, thiết bị giám sát hành trình tàu thuyền trên biển, trạm theo dõi mưa, mực nước, camera giám sát hồ chứa, trọng điểm đê điều. Tăng cường rà soát, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước.

Để công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả sau thiên tai có hiệu quả, đại diện một số tỉnh, TP đề nghị các cơ quan T.Ư nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh phù hợp với tình hình thực tế. Quan tâm cấp phát, hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị PCTT và TKCN đủ năng lực cho lực lượng công an, quân đội trên địa bàn tỉnh và các ngành có liên quan, đặc biệt là cấp xã để trang bị cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã nhằm chủ động ứng cứu tại chỗ khi thiên tai xảy ra.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, cực đoan, khó đoán định, do đó các ngành, địa phương cần chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động phòng ngừa và ứng phó linh hoạt trước mọi tình huống.

Đồng chí đề nghị các ngành, địa phương thường xuyên rà soát, đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về PCTT, tạo sự thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu và phù hợp với thực tiễn. Tập trung nguồn lực cho công tác cảnh báo, dự báo, từ đó chủ động phòng ngừa, ứng phó.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến các quy định, kiến thức liên quan đến công tác PCTT, TKCN, trong đó cần đa dạng các hình thức thông tin phù hợp với từng đối tượng, điều kiện cụ thể của địa phương, bảo đảm cung cấp nhanh chóng, kịp thời đến người dân khu vực bị ảnh hưởng, từ đó nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó.

Tăng cường phối hợp giữa các ngành, địa phương, gắn trách nhiệm với từng tập thể, cá nhân trong công tác PCTT, TKCN. Lồng ghép các chương trình, huy động nguồn lực xã hội hóa để có thêm nguồn lực củng cố, hoàn thiện các công trình, nâng cao khả năng ứng phó với các tình huống.

Tin, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Báo Bắc Giang: http://m.baobacgiang.vn/bg/chinh-tri/403217/pho-thu-tuong-chinh-phu-tran-luu-quang-chuan-bi-ky-luong-ung-pho-linh-hoat-truoc-thien-tai.html