Vị trí và hướng đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, bão số 5 có nhiều khả năng sẽ hình thành từ áp thấp nhiệt đới trong vòng 24h tới.
Trao đổi với PV tối 1/9, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, bão số 5 có nhiều khả năng sẽ hình thành từ áp thấp nhiệt đới trong vòng 24h tới.
Ông nêu rõ, nếu được hình thành, đây sẽ là cơn bão thứ hai liên tiếp ảnh hưởng tới nước ta trong vòng 1 tuần, sau cơn số 4 vừa đổ bộ vào Trung Bộ cách đây hai ngày.
“Một điểm đáng chú ý, bão số 5 sẽ có quỹ đạo khá đặc biệt do có nhiều yếu tố tác động. Tối ngày 2/9 có thể đi vào vùng biển ngoài khơi Hà Tĩnh – Thừa Thiên Huế, sau đó bão sẽ di chuyển chậm lại, đổi hướng, đi ngược ra ngoài theo hướng Đông Bắc.
Do thời gian hoạt động trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung Bộ khá lâu, gây gió mạnh, sóng lớn kéo dài trên biển, gió mạnh vùng ven bờ từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, vì vậy rất nguy hiểm cho tàu thuyền”, TS Lâm nêu rõ.
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định, khi vào vịnh Bắc Bộ, bão số 5 sẽ di chuyển chậm nen khi đó cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp, gây gió mạnh cho Vịnh Bắc Bộ, mưa rất to cho đất liền từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi.
“Với tổng lượng mưa dự báo phổ biến từ 300-500mm, trong đó trọng tâm mưa rất to là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, lượng mưa trong cả đợt có thể tới trên 500mm từ ngày 02 đến sáng 06/9.
Hai đợt mưa rất to liên tiếp cho khu vực Trung Bộ sẽ gây áp lực không hề nhỏ cho hệ thống hồ chứa và thoát nước ở Trung Bộ, đặc biệt các hồ chứa thủy lợi, do ảnh hưởng của mưa cường độ lớn làm tăng nguy cơ xảy ra mất an toàn”, TS Lâm đánh giá.
Ông Lâm nói thêm, đối với lũ trên sông, có thể báo động 2 đến báo động 3 ở khu vực Hà Tĩnh – Quảng Trị, các khu vực khác từ báo động 1 đến báo động 2.
Với diễn biến cả cơn bão, theo ông Lâm, khu vực Thanh Hóa – Quảng Ngãi có thể sẽ đối mặt với một đợt mưa rất lớn ngay từ ngày mai. Người dân trong vùng cảnh báo mưa lũ cần liên tục theo dõi tin tức thời tiết để có sự chuẩn bị tốt nhất.
Ông Trần Quang Năng, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định áp thấp nhiệt đới chuẩn bị hình thành bão số 4 đang rất phức tạp, có thời gian tồn tại dài trên Biển Đông và gây mưa lớn cho các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Tây Nguyên với lượng mưa 300-500mm/đợt.
Ông Năng nhận định, hiện có rất nhiều dự báo từ các trung tâm dự báo thời tiết trên thế giới về đường đi của ATNĐ chuẩn bị mạnh lên thành bão này với nhiều nhận định khác nhau.
“Còn theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, ATNĐ này rất phức tạp, có thời gian tồn tại dài trên Biển Đông. Trước mắt chưa thể đưa ra nhận định ATNĐ này có đi vào đất liền hay không”, ông Năng nói.
Trước đó, theo Trung tâm DB KTTV Quốc gia, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13 giờ ngày 2/9, vị trí tâm bão trên đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): Phía Đông kinh tuyến 109,0 độ Kinh Đông; phía Bắc vĩ tuyến 17,0 độ Vĩ Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.