Trong những ngày vừa qua, trên báo chí và mạng xã hội, đông đảo phụ huynh học sinh đã bày tỏ băn khoăn về chất lượng chương trình Sữa học đường được triển khai tại nhiều trường học. Chúng tôi đã phỏng vấn ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội để làm rõ các vấn đề liên quan.
Tự nguyện hay “bắt buộc” tinh vi?
– Chương trình Sữa học đường vốn được triển khai trên tinh thần tự nguyện không bắt buộc theo nhu cầu của phụ huynh. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh phản ánh cách thức triển khai thì tự nguyện nhưng bản chất là bắt buộc.
Chẳng hạn, nhà trường phát phiếu để lấy ý kiến bằng cách tích chọn “Đồng ý” hay “Không đồng ý”, nếu không đồng ý thì giải thích lý do, đặt phụ huynh vào thế rất khó từ chối.
Theo ông, các nhà trường cần tiến hành việc lấy ý kiến như thế nào để phụ huynh cảm thấy được thoải mái và tự nguyện đúng nghĩa, kể cả việc không đồng ý?
Tất cả các phiếu khảo sát, lấy ý kiến về việc cho con uống sữa theo chương trình Sữa học đường, nếu đồng ý thì không nói đến, nhưng nếu không đồng ý thì mục đưa ra lý do nhằm để cho ban giám hiệu nhà trường và cơ quan quản lý như Sở GD-ĐT biết được lý do tại sao.
Có thể các con mẫn cảm với thành phần của sữa, hay con họ uống các loại sữa khác có thể là đắt tiền hơn,…
Đây chỉ là việc nhằm tìm hiểu do điều gì mà các con không thể tham dự được chương trình ý nghĩa này. Nếu lý do khó khăn thì có thể chúng tôi sẽ có phương án hỗ trợ, thậm chí 100% chi phí.
Chúng tôi khẳng định với những mẫu phiếu khảo sát, ở phần lý do, phụ huynh ghi hay không cũng được và không ảnh hưởng gì.
Nhà trường cần hiểu vì nguyên nhân gì, lý do nào mà phụ huynh không đăng ký để từ đó có thể giải thích cho phụ huynh hiểu thêm về tầm quan trọng của chương trình Sữa học đường.
Thứ nhất đó là chủ trương của Chính phủ nhằm nâng cao tầm vóc của trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo và tiểu học.
Thứ hai là chất lượng sữa được bổ sung thêm vi lượng và khoáng chất để tăng chiều cao, thể lực cho các cháu. Thứ ba, học sinh sẽ được được giảm 50% giá trên mỗi hộp sữa, trong đó 30% do ngân sách nhà nước, phần còn lại là hỗ trợ từ doanh nghiệp.
– Các phụ huynh đề nghị để việc chọn lựa thực sự tự nguyện, thì các trường nên có đối thoại hoặc lắng nghe đề đạt của phụ huynh.
Chẳng hạn, cũng là khảo sát lấy ý kiến, có thể thêm các lựa chọn, như nếu không tham gia chương trình Sữa học đường thì phụ huynh có thể cho con tự mang sữa đến lớp uống.
Một lo lắng khác của phụ huynh là nếu con em mình không uống Sữa học đường sẽ bị phân biệt với các bạn khác. Sở GD-ĐT có tính tới phương án chỉ đạo các trường để làm rõ hay thông tin cụ thể đến các phụ huynh về điều này?
Phụ huynh hoàn toàn có thể không đăng ký và cho con tự đưa sữa ở nhà đến trường uống được. Tuy nhiên, như vậy uống sữa có thể đắt tiền hơn nhưng chưa chắc đã đảm bảo được chất lượng mà Sữa học đường có.
Bởi Sữa học đường được bổ sung thêm vi lượng và khoáng chất để tăng chiều cao cho các cháu.
Về tinh thần, việc tham gia là tự nguyện, không bắt buộc. Với những phụ huynh không có nhu cầu cho con tham gia thì hoàn toàn không cần phải đăng ký và không ai có thể bắt buộc.
Thậm chí, kể cả dù đã đăng ký tham gia, nếu thấy không phù hợp và cần thiết thì có thể dừng bất cứ lúc nào.
Chất lượng sữa đảm bảo đến đâu?
– Chất lượng của Sữa học đường có khác gì các loại sữa phổ biến trên thị trường với giá tương đương, thưa ông?
Sữa trong Đề án Sữa học đường ngoài việc đảm bảo dinh dưỡng còn đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, Sữa học đường là sữa chuyên biệt và được tăng cường 3 vi chất so với các loại sữa thông thường bán trên thị trường giúp trẻ phát triển thể lực, chiều cao.
Đó là sữa tươi bao gồm cả có đường, không đường để đáp ứng nhu cầu của từng học sinh.
Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định rằng, hãng sữa cung cấp sữa học đường cho học sinh mẫu giáo, tiểu học phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn kiểm định của Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội, đảm bảo quy trình sản xuất theo chuẩn quốc tế.
Đồng thời lưu mẫu sữa tại các nhà máy và nhà trường để khi có vấn đề gì xảy ra thì có đầy đủ cơ sở để xét nghiệm, xem xét quá trình từ sản xuất đến tiêu dùng.
– Nhiều phụ huynh đặt ra lo ngại rằng đây có thể sẽ là một hướng giải quyết nhanh chóng cho số lượng sữa “cận đát” cho đơn vị trúng thầu? Ông có thể chia sẻ về điều này?
– Chúng tôi khẳng định sẽ không có chuyện sữa cận hay quá “đát”, những trường lớn có thể sẽ giao sữa theo từng ngày, còn những trường nhỏ, ít học sinh thì cung cấp sữa hàng tuần nên không có chuyện sữa quá hạn sử dụng.
Vỏ hộp sữa sẽ có nhãn mác riêng, thể hiện rõ là sữa chỉ dành cho học sinh trong chương trình Sữa học đường.
Chúng tôi yêu cầu hãng sữa chỉ sản xuất sữa này phục vụ chương trình chứ không được bán trên thị trường, tránh tình trạng gian lận vì khi đưa vào trường học sữa được hỗ trợ 50% giá.
– Phụ huynh băn khoăn có trường phổ biến không mang vỏ hộp sữa về nhà, tại sao lại phải như vậy?
Không hề có chuyện cấm học sinh mang vỏ hộp sữa về nhà, nhưng chúng tôi phải đảm bảo học sinh phải được uống sữa để đảm bảo đúng mục tiêu của chương trình Sữa học đường.
Vì có thể các em mang sữa về nhưng lại không uống thì mất đi tác dụng của chương trình này. Các con uống xong, trường hợp nếu phụ huynh muốn con mang vỏ về xem, kiểm tra thì hoàn toàn có thể được.
– Như ông đã trao đổi là đang có 7 hãng sữa đang chờ thầu và phụ huynh có thể tham gia theo từng giai đoạn nhất định. Vậy ở mỗi trường học sẽ chỉ có 1 hãng sữa hay có nhiều hơn?
Sữa học đường sẽ không bán ngoài thị trường và sau quá trình đấu thầu, sẽ chỉ do một đơn vị cung cấp và chịu sự quản lý về chất lượng của Sở GD-ĐT Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội.
Đơn vị nào trúng thầu cũng phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn của Bộ Y tế về chất lượng sữa. Ngoài ra đơn vị đó cũng phải đủ năng lực để đáp ứng cung ứng cho số lượng lớn trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học Hà Nội tham gia đề án với khoảng 1,2 triệu hộp/ngày.
Tôi xin nhắc lại việc tham gia là hoàn toàn tự nguyện. Phụ huynh có thể đăng ký cho con tham gia ở bất kỳ thời điểm nào và cũng có thể tạm dừng bất cứ lúc nào khi không có nhu cầu.
Có thể, hiện nay phụ huynh đăng ký cho con tham gia khi chưa biết công ty nào trúng thầu, nhưng đến khi có đầy đủ thông tin rồi mà thấy không yên tâm thì vẫn có thể rút lại đăng ký.
– Xin cảm ơn ông!