Phó Ban Tiếp công dân HN: Họ vừa nói chuyện vừa giơ máy quay vào mặt cán bộ, phát ra ngoài

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong một buổi tiếp dân.

Theo ông Lê Đình Cung, có một số rất ít người dân đến vừa nói chuyện với cán bộ tiếp dân, vừa giơ máy quay vào mặt cán bộ và phát ra ngoài nói “mọi người thấy thế nào”.

Nhu cầu ghi âm, ghi hình không nhiều?

Nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân của TP Hà Nội mới được Chủ tịch UBND TP ký ban hành, trong đó quy định “không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.

Trao đổi với PV, ông Lê Đình Cung, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tiếp công dân TP Hà Nội cho biết, nội quy này được ban hành dựa trên Điều 12 của Luật Tiếp công dân. Trong đó, cho phép Chủ tịch UBND tỉnh, TP ban hành nội dung, nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân.

Ông nói, nội quy này không ảnh hưởng đến 6 quyền của công dân theo quy định của Điều 7 Luật Tiếp công dân và phù hợp với Khoản 2, Điều 7 về nghĩa vụ của công dân.

Theo đó, nghĩa vụ của công dân khi đến bất kỳ cơ quan Nhà nước phải chấp hành nghiêm túc quy định của cơ quan đó.

Lãnh đạo Ban Tiếp công dân TP Hà Nội thông tin, thực tế cho thấy, rất ít công dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình mà chỉ là số ít người có nhu cầu “với mục đích khác”.

Ông dẫn ví dụ, nhiều trường hợp cán bộ phải vất vả hơn vì một số rất ít công dân đến không phải với mục đích thực hiện quyền của mình mà với mục đích để ghi hình, livestream ra ngoài.

“Tôi đã từng gặp việc có người dân vừa nói chuyện với cán bộ tiếp công dân, vừa nói chuyện với cộng đồng mạng ở bên ngoài.

Họ vừa nói chuyện với cán bộ vừa giơ máy quay vào mặt cán bộ và phát ra ngoài nói “mọi người thấy thế nào”, hay nhiều trường hợp cán bộ tiếp dân bị xúc phạm, thậm chí, một số cán bộ lớn tuổi, 57 – 58 tuổi, sắp về hưu rồi, vẫn bị xúc phạm.

Việc này tạo ra bầu không khí căng thẳng không cần thiết, làm gián đoạn buổi tiếp, làm ảnh hưởng đến công dân khác vì họ đang đợi đến lượt tiếp.

Nhiều trường hợp người ta sử dụng hình ảnh đó vào việc khác và nhìn chung số nhu cầu ghi âm chụp hình không nhiều, đa phần người dân không có nhu cầu đó”, ông Cung nói.

Từ thực tế đó, Phó Ban Tiếp công dân TP Hà Nội nhấn mạnh, nội quy này có mục đích tạo ra một môi trường làm việc chặt chẽ, đúng mực cho cả công dân và cả người tiếp công dân, để cùng nhau hoàn thành buổi tiếp.

Phó Ban Tiếp công dân HN: Họ vừa nói chuyện vừa giơ máy quay vào mặt cán bộ, phát ra ngoài - Ảnh 1.

Trụ sở tiếp dân của TP Hà Nội.

“Công dân được nói hết yêu cầu của mình, được tư vấn để thực hiện đúng luật khiếu nại, tối cáo; cán bộ ghi nhận hết ý kiến công dân và có phương án xử lý sau buổi tiếp và thời gian tiếp ngắn nhất để còn tiếp người khác. Đồng thời, việc này cũng nhằm tạo ra không khí làm việc nghiêm túc, văn minh, lịch sự, hiệu quả”, ông Cung chỉ rõ.

Không có chuyện không ghi âm, ghi hình là ảnh hưởng đến quyền công dân

Ông Lê Đình Cung nêu rõ, nếu công dân sợ không ghi âm, ghi hình sẽ mất bằng chứng thì yên tâm rằng, sau buổi tiếp, công dân được nhận phiếu nhận đơn của cán bộ tiếp công dân, hoặc biên bản xác nhận nội dung buổi tiếp giữa người tiếp công dân và công dân.

Cụ thể, trên phiếu nhận đơn sẽ ghi ngày, giờ làm việc, và nội dung làm việc của công dân, ghi nhận đã nhận đơn của công dân. Còn trong nhiều trường hợp khác, ví dụ công dân đi thành đoàn có nhiều nội dung khác nhau thì cán bộ sẽ lập biên bản.

“Cán bộ lập biên bản có sự đồng thuận của cả hai bên thể hiện bằng chữ ký. Như thế có nghĩa rằng, công nhân có hài lòng với buổi tiếp thì mới ký vào biên bản, sau đó biên bản sẽ được đóng dấu.

Sau khi tiếp nhận đơn thư, cán bộ tiếp công dân sẽ báo cáo cấp trên để xử lý, chuyển đơn thư của công dân đến những nơi có thẩm quyền giải quyết. Cấp có thẩm quyền sẽ ban hành văn bản gửi cho công dân để thông báo đã xử lý như thế nào.

Đây là một quy trình kín kẽ. Vì thế không thể có chuyện không ghi âm, ghi hình là ảnh hưởng đến quyền công dân”, ông nêu.

Ông nhấn mạnh, mọi người đặt vấn đề không ghi âm, ghi hình thì giám sát cách nào, nhưng trên thực tế về việc này Nhà nước đã bố trí camera ghi hình buổi tiếp công dân.

“Việc bố trí camera nhằm đảm bảo an ninh trật tự và để giám sát việc tiếp công dân về vấn đề thực thi công vụ như thái độ có đúng mực không, lời lẽ cử chỉ có đúng không. Ngoài ra, còn bố trí hộp thư tiếp công dân và lãnh đạo phải xuống phòng tiếp kiểm tra xem người dân có hài lòng việc tiếp không”, ông Cung nêu rõ.

Trước một số ý kiến cho rằng việc không cho ghi âm, ghi hình cản trở người dân thu thập chứng cứ nếu họ phải khởi kiện hành vi thực thi công vụ của cán bộ tiếp dân, ông Cung nhìn nhận, thực tế, đối tượng để người dân khởi kiện thường không phải thái độ của người tiếp dân.

Theo ông, người dân khi đến trụ sở tiếp dân thường muốn biết lời nói của mình cán bộ tiếp dân có ghi đầy đủ không; có báo cáo với cấp trên để xử lý không, còn khi khởi kiện sẽ khởi kiện quyết định giải quyết của cấp có thẩm quyền.

“Kiểu gì chúng tôi cũng làm được việc chuyển đơn khiếu nại, tố cáo… của người dân đến cấp có thẩm quyền, nên công dân không thể khởi kiện cán bộ tiếp dân được.

Còn có thể, một trường hợp cụ thể nào đó người dân chưa hài lòng về thái độ thì cấp trên phải chấn chỉnh, uốn nắn và do đó, mới cần hộp thư, camera… để giải quyết”, ông Cung nêu rõ.

Lãnh đạo Ban Tiếp công dân TP Hà Nội nhấn mạnh, người dân có thể yêu cầu ghi âm, ghi hình buổi tiếp dân và khi đó, cán bộ tiếp dân sẽ lập biên bản băng hình đó để trích xuất.

“Ví dụ công dân trình bày với cán bộ rằng tôi muốn ghi âm, ghi hình để thông tin lại với gia đình về việc đã gửi đơn, đã trình bày như thế, tôi nghĩ rằng cán bộ tiếp dân sẽ đồng ý. Vì có phải chúng tôi chưa bao giờ bị ghi âm, ghi hình đâu. Tôi còn bị livestream và có trao đổi với nhau trước mới hài hòa”, ông Cung nói.