Philippines toát mồ hôi trước cảnh TQ “thò móng vuốt” vào cảng chiến lược ở biển Đông

Tàu sân bay USS Kitty Hawk (CV-63) cùng các tàu chiến khác của Mỹ tại căn cứ hải quân vịnh Subic, tháng 10/1981 (Ảnh: The U.S. National Archives)

Lo ngại trước đe dọa tiềm tàng về an ninh quốc gia, Philippines dự định ngăn chặn việc nhà đầu tư Trung Quốc mua lại nhà máy đóng tàu Subic lớn nhất ở nước này.

Philippines đau đầu tìm cách “ngăn” Trung Quốc đầu tư vào Subic

Trang Nikkei Asian Review đưa tin hồi cuối tháng 4, chính phủ Philippines muốn tìm cách “loại” nhà thầu Trung Quốc tham gia dự án nhà máy đóng tàu Hanjin lớn nhất nước này tại vịnh Subic, nguyên nhân chủ yếu vì nhà máy nằm ở lối vào biển Đông – một vị trí rất nhạy cảm.

Nikkei cho hay, sau khi Hanjin Philippines và công ty kinh doanh chế tạo Công nghiệp nặng – chi nhánh của tập đoàn Hanjin Hàn Quốc – vỡ nợ với khoản nợ lên đến 1.3 tỷ USD, nhà máy đóng tàu Hanjin Subic buộc phải tuyên bố phá sản vào tháng 1/2019, kéo theo các nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ mong muốn mua lại, trong đó có hai công ty đóng tàu Trung Quốc do Bắc Kinh tài trợ.

Tuy nhiên, thông tin về các công ty Trung Quốc có thể đảm nhiệm vai trò gián điệp thương mại phục vụ cho chính phủ ở nước ngoài đã khiến Manila quan ngại. Nếu doanh nghiệp Trung Quốc nhận được dự án ở Subic, Philippines lo lắng trước rủi ro khu vực này bị biến thành một cơ sở chiến lược nhằm mở rộng sức mạnh Trung Quốc trên biển Đông.

Philippines toát mồ hôi trước cảnh TQ thò móng vuốt vào cảng chiến lược ở biển Đông - Ảnh 1.

Hình ảnh cho thấy một tàu hải quân Mỹ đang neo đậu tại Vịnh Subic (Ảnh AFP)

Giới chức Philippines cho biết, Bộ Thương mại và Công nghiệp nước này đã trưng cầu ý kiến của Bộ Quốc phòng, nhận định việc Trung Quốc mua lại nhà máy đóng tàu Hanjin Subic có thể đe dọa an ninh quốc gia. Theo đó, các đơn vị Trung Quốc vẫn được hoan nghênh đầu tư vào bản địa, nhưng dự án ở Subic là vấn đề nhạy cảm.

Nikkei dẫn lời một quan chức Philippines hé lộ, chính phủ không thể chính thức cấm nhà thầu Trung Quốc tham gia đấu thầu dự án Subic, tuy nhiên “nhà đầu tư Trung Quốc sẽ khó trúng thầu”.

Bộ trưởng quốc phòng Delfin Lorenzana ngày 25/4 nói, chính phủ Philippines “có thái độ cởi mở đối với tất cả đề nghị” đầu tư vào Subic, nhưng “trong quá trình tái thiết nhà máy đóng tàu Hanjin có nhiều nhân tố cần phải cân nhắc, như nguồn vốn của nhà đầu tư cũng như lợi ích kinh tế của công nhân và nhà máy”.

An ninh quan trọng hơn quan hệ với Bắc Kinh

Nikkei trích lời phát ngôn viên Hải quân Philippines Jonathan Zata cho hay, Hải quân hoan nghênh thái độ của Bộ Thương mại và Công nghiệp và chuẩn bị mua một phần cổ phần của Nhà máy đóng tàu Subic để đảm bảo tính độc lập.

“Chúng tôi sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ bảo vệ lợi ích hàng hải quốc gia,” ông này nói.

Vịnh Subic là một trong những căn cứ hải quân lớn nhất mà quân đội Mỹ đồn trú trong khu vực trước năm 1992.

Trong khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động trên biển Đông trong vài năm qua, bao gồm hoạt động quân sự hóa, khiến láng giềng căng thẳng, thì tầm quan trọng của vịnh Subic một lần nữa được làm nổi bật.

Theo Nikkei, thái độ của Philippines đối với Trung Quốc gần đây đã có dấu hiệu thay đổi, khi Manila lên tiếng trước một số động thái của Bắc Kinh trên biển Đông.

Hồi đầu tháng 4, tổng thống Rodrigo Duterte – người theo đuổi chính sách hòa dịu với Trung Quốc – công khai chỉ trích hàng trăm tàu thuyền của Trung Quốc thường xuyên xuất hiện quanh đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện bị Philippines chiếm đóng trái phép). Ông Duterte đe dọa sẽ ra lệnh cho binh sĩ trên đảo sẵn sàng “nhiệm vụ cảm tử” nếu Bắc Kinh có hành động lấn tới.