Ba, bảy, mười năm… thậm chí là 20 năm, hành trình tìm con của những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn phải đánh đổi bằng rất nhiều nước mắt, sức khỏe, thời gian, tiền bạc… Với họ, khát khao hạnh phúc lớn nhất là tiếng nói cười trẻ thơ nơi tổ ấm, dẫu đã đi gần nửa đời người, dù mái tóc đã ngả hai màu, cũng mong được một lần làm cha, làm mẹ. Hơn 25 năm kể từ ngày ba em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên ở Việt Nam cất tiếng khóc chào đời – năm 1998, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đến nay đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, thắp lên niềm hy vọng, giúp hành trình tìm con của những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn không còn vô vọng.
Chị Huyền trọn vẹn niềm vui, hạnh phúc khi hai em bé ngày một cứng cáp.
Hành trình gian nan
Câu hỏi đơn giản nhưng đã từng là điều xa vời, trở thành nỗi đau âm ỉ đeo bám chị Hán Thị Ngọc Huyền (xã Bình Phú, huyện Phù Ninh) suốt nhiều tháng năm, len lỏi vào trong cả những giấc mơ và đến tận cùng của nỗi mong mỏi. Không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa, chị thấp bé với chiều cao vỏn vẹn 1,28m, nhưng hoạt bát, nhanh nhẹn. Chị gặp chồng – anh Hùng trong một lần đi chơi với bạn. Anh cao và gầy, như một mảnh ghép còn khuyết của chị. Hai người thầm cảm mến nhau và quyết định về chung một nhà vào cuối năm 2019 sau hơn một năm tìm hiểu bằng một đám cưới giản dị. Hạnh phúc tưởng đong đầy, nhưng cả năm trôi qua, đôi vợ chồng trẻ mãi chẳng thấy có tin vui. Những lời bàn ra tán vào bắt đầu xôn xao, có người còn bóng gió rằng nguyên nhân là do chị “tậm tịt” không biết đẻ. Buồn lòng, tủi thân, chị Huyền giấu chồng đi khám nhưng kết quả lại hoàn toàn bình thường. Về tâm sự với chồng, cuối năm 2020, anh chị khăn gói đến bệnh viện tìm nguyên nhân thì phát hiện anh bị mất ống dẫn tinh do biến chứng của bệnh quai bị trước đây dẫn đến vô tinh (không có tinh trùng). Hai vợ chồng suy sụp. Niềm hy vọng có con bỗng chốc vụt tan ngay trước mắt. Những ngày tháng ấy, cuộc sống của hai người chỉ có những nỗi buồn tiếp nối nhau tưởng như vô tận. Hai người mẹ, mẹ đẻ, mẹ chồng của chị Huyền đều đã mất, gia đình hai bên đã neo người lại hiu quạnh hơn khi thiếu tiếng cười con trẻ. Kinh tế vợ chồng cũng chẳng mấy dư dả với mức lương công nhân ba cọc ba đồng, bà con, hàng xóm thì bàn tán, dị nghị.
Quyết định rong ruổi khắp các bệnh viện để bắt đầu hành trình tìm con giữa lúc dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, bao khó khăn, nhọc nhằn cũng không ngăn nổi nỗi khát khao được làm cha, làm mẹ của vợ chồng chị Huyền. Hai người dùng hết số tiền ít ỏi dành dụm được và vay mượn thêm, quyết định đặt niềm tin vào phương pháp hỗ trợ sinh sản thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), dẫu biết hành trình này sẽ vô cùng gian nan, vất vả, mệt mỏi và tốn kém.
Chuyên viên phôi Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học thực hiện các kỹ thuật trong hỗ trợ sinh sản.
Vậy là, trong khi anh Hùng tất bật đi làm sớm tối để có tiền trang trải, chị Huyền một thân một mình đi đi về về để thực hiện các bước kích trứng, chọc hút trứng, chuyển phôi. Hai vợ chồng nương tựa, động viên nhau với một niềm tin mãnh liệt, không một ngày nào từ bỏ hy vọng rằng mai đây con sẽ đến bên mình. Thật may mắn, sau lần chuyển phôi đầu tiên, chị Huyền đã đậu thai, nhưng bất ngờ hơn nữa, chỉ với một phôi, lại có hai sinh linh bé bỏng đang thành hình và lớn dần trong cơ thể chị. Đôi vợ chồng trẻ chưa kịp mừng đã phải lo. Việc mang thai đôi, sinh đôi đối với một người phụ nữ nhỏ bé như chị Huyền khiến cả mẹ lẫn con đối diện với vô vàn nguy cơ đe dọa. Những tháng ngày sau đó, chị Huyền liên tục bị bong rau, dọa sảy, thai nhi bị phù, bị dây rốn quấn cổ gây suy tim thai… Nhiều lần, em bé thứ hai trong bụng mẹ tưởng đã không thể giữ được. Quá lo lắng, sợ hãi, hai vợ chồng chỉ biết nguyện cầu cho đứa con bé nhỏ mạnh mẽ vượt qua cửa ải sinh tử. Và, như một phép màu kỳ diệu, bằng sự kiên cường ngoài sức tưởng tượng của một người mẹ chỉ cao 1,28m, nặng hơn 30kg và sự hỗ trợ nhiệt tình của các y, bác sĩ Bệnh viện Sản nhi tỉnh, hai bé gái đã bình an chào đời vào ngày 23/12/2022 bằng phương pháp sinh mổ ở tuần thứ 31 của thai kỳ, một bé nặng 1,2kg và một bé nặng 9 lạng. Giây phút nhìn thấy con mình bằng xương bằng thịt với hình hài nhỏ xíu lọt thỏm trong lồng kính với chằng chịt dây truyền, ống sonde, ống thở… nước mắt chị Huyền cứ thế tuôn rơi. Hai vợ chồng run rẩy ôm lấy nhau mừng mừng tủi tủi. Ba năm tìm con với nhiều người có lẽ chưa phải là dài, nhưng đủ để chị Huyền, anh Hùng thấm thía đủ nỗi buồn đau và niềm hạnh phúc lớn lao trong cuộc đời.
“Sau niềm hạnh phúc đón hai đứa con bé bỏng chào đời, tôi biết cuộc đời mình đã bước sang một trang mới. Không có bà nội, bà ngoại ở bên để tay bồng tay bế đỡ đần, khó khăn cứ nối tiếp khó khăn nhưng nhìn Kim Ngân, Kim Tiến (tên của hai con) cứng cáp, khôn lớn từng ngày, tôi tự nhủ phải thật mạnh mẽ để che chở cho các con” – Chị Huyền trải lòng.
Thắp lên hy vọng
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao. Ở nước ta, có khoảng 7,7% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ bị vô sinh, hiếm muộn, tương đương khoảng một triệu cặp vợ chồng. Tỷ lệ vô sinh đang gia tăng, trong đó khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh có độ tuổi dưới 30. Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học, Bệnh viện Sản nhi tỉnh, mỗi ngày đều tấp nập các cặp vợ chồng đến tư vấn, khám, điều trị vô sinh, hiếm muộn để mong mỏi điều bình dị là được làm cha, làm mẹ. Với sự tiến bộ của y học hiện đại, hành trình tìm con của họ đã có nhiều hy vọng bằng các phương pháp điều trị khác nhau, đặc biệt là hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) tại Trung tâm, giúp tăng tỉ lệ thành công cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn.
Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đã được triển khai tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh từ tháng 07/2020 với sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia đến từ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia và Bệnh viện Phụ Sản Trung ương. Để chuẩn bị cho việc triển khai kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, Bệnh viện đã đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ và cử đội ngũ y bác sĩ, chuyên viên phôi học, điều dưỡng, hộ sinh đi học chuyển giao kỹ thuật IVF từ Tập đoàn IVF KaTo của Nhật Bản (một trong những hệ thống IVF lớn nhất thế giới theo trường phái IVF thân thiện với người bệnh). Tháng 8/2020, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học thực hiện thành công ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên, trở thành đơn vị tiên phong trong khu vực trung du – miền núi phía Bắc có thể triển khai thành công kỹ thuật này. Đến tháng 5/2023, sau gần ba năm triển khai, đã có 300 em bé ra đời khỏe mạnh bằng phương pháp IVF. Trong đó, tỷ lệ thành công sau chuyển phôi tại Trung tâm đạt 56-62% – tương đương với các trung tâm sinh sản có tỷ lệ thành công cao trên thế giới. Ngoài ra, kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) được triển khai từ năm 2016 cũng đã hỗ trợ hơn 800 em bé chào đời khỏe mạnh và mang lại hạnh phúc cho hàng trăm cặp vợ chồng. Việc làm chủ được kỹ thuật IVF không chỉ đánh dấu bước phát triển của Bệnh viện Sản nhi mà còn của ngành Y tế tỉnh trong điều trị vô sinh hiếm muộn.
Đội ngũ y, bác sĩ tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học luôn đồng hành cùng bệnh nhân.
Thấu hiểu những nỗi buồn lo, áp lực mà các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn phải trải qua, hiểu rõ trách nhiệm, mục đích công việc là hiện thực hóa giấc mơ có con, đem lại hạnh phúc cho họ, đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học luôn cố gắng chia sẻ, động viên, đồng hành với bệnh nhân như những người thân trong gia đình. Buồn cùng nỗi buồn bệnh nhân, vui hơn cả những nụ cười hạnh phúc của cha mẹ khi đứa con khỏe mạnh chào đời. Đó chính là động lực lớn nhất để những y, bác sĩ vượt qua mọi khó khăn, gieo thêm niềm tin cho biết bao cặp vợ chồng đang từng ngày mỏi mòn tìm con. ThS.BS Nguyễn Thị Mai – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học, Bệnh viện Sản nhi tỉnh chia sẻ: “Hành trình các cặp cha mẹ vô sinh, hiếm muộn tìm con là hành trình rất dài, cực kỳ gian nan và vất vả, bởi vậy, để đến được đích, cả hai vợ chồng phải thực sự đồng lòng và thấu hiểu lẫn nhau. Đối với các cặp vợ chồng trẻ, nếu sau một năm nỗ lực mang thai mà không thấy có em bé thì nên đi khám ngay để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp, không nên trì hoãn bởi điều trị vô sinh, hiếm muộn càng sớm thì tỷ lệ thành công càng cao. Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng vô sinh hiếm muộn đang ngày càng gia tăng, mỗi người nên có lối sống lành mạnh, khoa học, tránh xa rượu bia, thuốc lá, chất kích thích… Đồng thời, các bạn trẻ nên thực hiện khám tiền hôn nhân và thăm khám sớm khi thấy các dấu hiệu bất thường về sức khỏe sinh sản”.
Nguồn Báo Phú Thọ: https://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/phep-mau-hanh-phuc/196351.htm