Phát triển TP HCM tầm nhìn đến năm 2045: Cần chính sách, pháp luật vượt trội

Một trong những nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 31) nhấn mạnh là ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đáp ứng yêu cầu phát triển TP trong giai đoạn mới.

Trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của TP chưa được khai thác hiệu quả; tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp…

Nghị quyết 31 hướng tới xây dựng và phát triển TP HCM văn minh, hiện đại là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, nhất là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP với phương châm: “TP HCM vì cả nước, cả nước vì TP HCM”.

Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TP HCM phát triển nhanh, bền vững. TP phải tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hoá, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu…

tong-bi-thu-4585

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP HCM bình gốm Bát Tràng. (Ảnh: TTXVN)

Mục tiêu đến năm 2030, TP HCM trở thành TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8 – 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD.

Tầm nhìn đến năm 2045, TP HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP HCM và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước.

Nghị quyết 31 đề ra sáu nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó, tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Phát triển mạnh mẽ văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng con người TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với TP mang tên Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Cùng với đó, bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Nhiệm vụ, giải pháp thứ sáu được Nghị quyết 31 đề ra là ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ TP, đáp ứng yêu cầu phát triển TP trong giai đoạn mới. Trên cơ sở tổng kết, tiến hành bổ sung, sửa đổi, sớm ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TP HCM khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

Theo đó, thực hiện có hiệu quả việc phân cấp, phân quyền cho HĐND và UBND TP nhằm tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực, như quản lý đầu tư; tài chính – ngân sách; quản lý đô thị, tài nguyên môi trường; quản lý văn hoá và trật tự xã hội; tổ chức, bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Thí điểm chính sách mang tính đột phá để TP chủ động huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển. Ban hành chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế TP HCM; cho thí điểm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ trong lĩnh vực tài chính và chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Trung tâm Tài chính quốc tế.

Xây dựng cơ chế đột phá thu hút nguồn lực đầu tư phát triển và thúc đẩy xã hội hóa trong các lĩnh vực: Y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao; nâng cao hiệu quả các loại hình liên kết đầu tư trong các lĩnh vực này. Áp dụng thí điểm việc lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đối tác công – tư để triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và khoa học – công nghệ…

Xứng danh “Đất thép, Thành đồng”

Phát biểu khi đến thăm, làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy và cán bộ chủ chốt của TP Hồ Chí Minh (diễn ra ngày 23/9/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị TP cần phải quyết tâm đẩy mạnh đổi mới hơn nữa, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, phát huy tốt hơn nữa vai trò đầu tàu, động lực phát triển mạnh mẽ nhất của mình đối với vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù mà Bộ Chính trị và Quốc hội khóa XIV đã ưu tiên dành cho TP để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Cùng với đó, cần tập trung ưu tiên xây dựng, tạo bước đột phá mạnh hơn nữa về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ và hiện đại; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quy hoạch, thiết kế đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị gắn với kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, TP cần nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và xóa bỏ cho bằng được các thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn cho nhân dân.

Tổng Bí thư tin tưởng, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM sẽ tăng cường đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, quyết tâm đổi mới mạnh hơn nữa; nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa; phát huy tốt hơn nữa vai trò đầu tàu, động lực phát triển mạnh mẽ nhất của mình đối với vùng Đông Nam Bộ, xứng danh “Đất thép, Thành đồng”, “Hòn ngọc của Viễn Đông”, “Niềm tin yêu và tự hào của cả nước”…

 

Ngày 16/1, tại TP HCM, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Chủ trì Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP HCM và các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 31 phải tạo chuyển biến thực sự, kết quả thực sự, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra, tạo bước tiến mới với sự phát triển của TP HCM. Đồng chí nhấn mạnh, để thực hiện nghị quyết cần có bước cụ thể hóa nghị quyết thành luật, nghị định, chương trình dự án, nếu không thì một thời gian sau, “nghị quyết vẫn còn nguyên giá trị” nhưng không tạo được chuyển biến trong thực tế.

Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế như Nghị quyết 31 đã nêu, TP HCM cần phải tập trung nâng cao chất lượng công tác quản lý quy hoạch, phát triển đô thị bền vững, phát triển hạ tầng hiện đại xứng tầm một thành phố có quy mô kinh tế và dân số lớn nhất nước.

Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ sớm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa nội dung Nghị quyết 31, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở hành lang pháp lý cho phát triển của TP HCM.

Trong đó sớm ban hành văn bản của Quốc hội, Chính phủ về thí điểm cơ chế chính sách vượt trội phát triển TP HCM, xây dựng cơ chế để cụ thể hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị, chọn TP HCM làm nơi thí điểm chủ trương này.

Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, nghị quyết được Quốc hội thông qua lần này phải là văn bản có nội dung thực chất để thực hiện, chứ không chỉ là một văn bản mang tính tư tưởng chính trị động viên. Nếu không đi vào thực chất thì rất khó thực hiện. Đề nghị Thành ủy TP HCM chỉ đạo chính quyền TP HCM chủ động nghiên cứu, xây dựng đề xuất, tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ các văn bản, chính sách pháp luật vượt trội, phân cấp, phân quyền, khuyến khích cán bộ sáng tạo. Đồng thời đề nghị TP HCM mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho các đơn vị trực thuộc, chẳng hạn như TP Thủ Đức.