Phát triển kinh tế gắn với du lịch lịch sử, văn hóa

Kế thừa những giá trị lịch sử của mảnh đất anh hùng gắn với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” gần 70 năm trước, Điện Biên hôm nay đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách và là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Phát triển kinh tế gắn với du lịch lịch sử, văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, là ngành kinh tế mũi nhọn tạo đà đưa Điện Biên thành một điểm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc và cả nước.

Một góc TP. Điện Biên Phủ hôm nay.

Trân trọng những giá trị lịch sử

Đến Điện Biên vào những ngày tháng 4, về với miền đất ghi dấu ấn lịch sử lừng lẫy một thời, chúng tôi không chỉ mê mẩn bởi sức hút của những cung đường, triền đồi hoa ban khoe sắc, mà còn được trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là đến thăm cụ Phạm Văn Ngân, chiến sĩ Điện Biên trực tiếp tham gia chiến đấu tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Trước mắt chúng tôi là căn nhà cổ kính, rêu phong ở tổ 3, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ. Tuy đã ở tuổi 89 nhưng trí nhớ cụ Ngân vẫn khá minh mẫn. Cụ kể cho chúng tôi nghe mình là chiến sĩ thuộc biên chế của Tiểu đoàn 249, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Ngân cùng đơn vị tham gia trận đánh tiêu diệt quân Pháp ở đồi A1. Ngay trong đợt tấn công thứ nhất, dù bị thương và cụt mất một bàn tay, nhưng cụ Ngân vẫn cố gắng tham gia chiến đấu cùng đồng đội. Đợt tấn công kết thúc, cụ được đồng đội đưa về điều trị vết thương ngay tại chân đồi A1. Sau tiếng bộc phá nổ, tiếp đến là tiếng hò reo của quân ta, cụ Ngân cùng các thương binh và y bác sĩ vỡ òa trong niềm vui chiến thắng.

Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, cụ Ngân tham gia làm nhiệm vụ áp giải tù binh… Thay bằng việc về quê hương Hải Dương, cụ ở lại làm công nhân nông trường và gắn bó với mảnh đất Điện Biên cho đến bây giờ.

Khi nói về những đổi thay trên mảnh đất mà mình đã từng góp một phần xương máu, ánh mắt mờ đục của cụ Ngân như lóe lên. Cụ nói với chúng tôi, giọng như dặn dò: “Điện Biên đã đổi thay quá nhiều, khác xa so với ngày xưa. Thay đổi gì thì thay đổi, nhưng những giá trị về mảnh đất lịch sử vẫn cần được bảo tồn, xây dựng để không ngừng phát triển. Đồng thời là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ con cháu mai sau…”.

Gặp gỡ đoàn khách du lịch viếng các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ liệt sĩ chiến trường Điện Biên Phủ, chúng tôi trò chuyện với cựu chiến binh Phạm Văn Thuần đến từ tỉnh Phú Thọ. Ông Thuần cho biết: Trong chuyến hành trình lần đầu tiên lên mảnh đất Điện Biên lịch sử, ông và những người bạn đã lựa chọn tham quan các điểm di tích lịch sử như: Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, Đồi A1, hầm Đờ cát… với sự trân trọng, xúc động và tự hào. Với ông và các cựu chiến binh trong đoàn tham quan, Điện Biên đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về giá trị lịch sử, văn hóa. Không giấu được niềm vui và xúc động, cựu chiến binh Phạm Văn Thuần nói: “Điện Biên rất ấn tượng đối với chúng tôi, bởi đây là mảnh đất đặc biệt. Sau hơn 5 năm làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong chiến tranh biên giới phía Bắc và nhiều năm làm việc, bây giờ chúng tôi mới có dịp đến thăm một số di tích. Tận mắt chứng kiến những đổi thay trên mảnh đất Điện Biên lịch sử, chúng tôi mới cảm nhận được hết những giá trị về sự mất mát, hi sinh của các thế hệ cha, anh. Đây sẽ là những tư liệu quý giá để chúng tôi giáo dục con cháu của mình”.

Du khách tham quan di tích Đồi A1.

Trong chuyến hành trình, chúng tôi còn gặp gỡ, trao đổi với các đồng nghiệp Báo Bắc Giang. Chị Chu Thị Thu Hương, Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Giang, bộc bạch: “Gần 10 năm sau tôi mới có dịp trở lại thăm Điện Biên và thấy mảnh đất này đổi thay nhiều quá. Đường sá được tu sửa, làm mới rất khang trang khác xa với vẻ hoang sơ ngày nào. Với những đổi thay vượt trội này, Điện Biên sẽ là điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Trong chuyến công tác lần này, ngoài những trải nghiệm thú vị về giá trị lịch sử, văn hóa ẩm thực, chúng tôi còn thu thập được nhiều tư liệu quý giá về lịch sử, văn hóa để phục vụ cho công tác tuyên truyền, đặc biệt là dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ sắp tới”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, bức tranh Panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được đánh giá là một trong những tác phẩm nghệ thuật lớn nhất thế giới khắc họa về đề tài chiến tranh, tái hiện toàn bộ chiến dịch 56 ngày đêm chấn động địa cầu. Từ khi bức tranh Panorama được đưa vào khai thác đã tạo điểm nhấn mạnh mẽ, thu hút lượng lớn khách du lịch. Du khách trong và ngoài nước khi vào tham quan đều không giấu được cảm xúc ngỡ ngàng trước sự hoành tráng của bức tranh bởi sự kết hợp công phu với những hiệu ứng âm thanh, ánh sáng sống động qua từng trường đoạn.

Mảnh đất nhiều tiềm năng phát triển

Ở Điện Biên, mỗi mùa mang một vẻ đẹp riêng biệt khác nhau, xứng đáng là điểm đến của du khách với nhiều tiềm năng phong phú, đa dạng về lịch sử và văn hóa độc đáo của 19 dân tộc. Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, qua nhiều thời kỳ lịch sử đã để lại cho Điện Biên những di tích lịch sử có giá trị to lớn, như: Thành Tam Vạn, Thành Bản Phủ – Đền thờ Hoàng Công Chất… Đáng chú ý, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa – xã hội, khoa học.

Ngoài lợi thế du lịch lịch sử, Điện Biên còn có thế mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, ẩm thực. Điện Biên cũng nổi tiếng với các danh thắng, hang động đẹp, như: Hồ Pá Khoang, hồ Huổi Phạ, động Pa Thơm, động Khó Chua La, động Pê Răng Ky, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, các điểm nước khoáng nóng: U Va và Hua Pe, cảnh quan lòng hồ Thủy điện Sơn La, đèo Pha Đin – một trong tứ đại đỉnh đèo nổi tiếng, hấp dẫn của vùng Tây Bắc, cao nguyên đá Tủa Chùa, A Pa Chải – ngã ba biên giới, điểm cực Tây của Tổ quốc…

Sáng tháng Tư ở Điện Biên trời xanh trong và cảnh vật yên bình đến lạ. Dẫn chúng tôi rảo bước trên con đường trải nhựa chạy giữa cánh đồng Mường Thanh, ông Hoàng Văn Hán (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Điện Biên Phủ), kể: Từ năm 1978, tôi đã sinh sống ở mảnh đất này và chứng kiến những đổi thay nơi đây. Trong đó, con đường dẫn vào xã nông thôn mới Thanh Chăn mang một sắc thái riêng, bởi địa phương này là một trong những xã điểm của cả nước thực hiện nông thôn mới sớm nhất. Cùng với sự quan tâm vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Thanh Chăn đã dồn nhiều tâm huyết cho công cuộc dựng xây nông thôn mới. Cuối năm 2016, Thanh Chăn trở thành xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh Điện Biên được công nhận xã nông thôn mới.

Du khách tham quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ).

Chung niềm vui trước sự đổi thay trên mảnh đất mà mình gắn bó, anh Phạm Hồng Thái, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Thái Dương (trụ sở ở phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ) kéo bằng được chúng tôi ra công trường. Dẫn chúng tôi đến một khu vực ngổn ngang sắt thép và bê tông, anh Thái cho biết, công ty đang sản xuất cấu kiện phục vụ Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên. Chỉ tay về phía các công trình nhà cao tầng trước mặt, anh kể: Khi mới đến đây lập nghiệp, TP. Điện Biên Phủ vẫn còn hoang sơ lắm. Nhưng nay đã có rất nhiều công trình xây dựng kiên cố mọc lên thay đổi diện mạo địa phương, khác xa với những gì của 10 năm trước.

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 7/5/2021 về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 dựa trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của ba trụ cột chính là: Du lịch lịch sử – tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.

Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát tạo đột phá, phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô, tính chất để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2025, trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế gắn với bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, di tích lịch sử, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia.

Việc tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn để ngành kinh tế mũi nhọn tỉnh Điện Biên phát triển còn là chặng đường dài. Thế nhưng, diện mạo tỉnh Điện Biên đã có nhiều khởi sắc. Quý I năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 6,7%, cao hơn mức bình quân chung cả nước là 3,32%, xếp thứ 24/63 tỉnh thành. Khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ; tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng tăng 49,3% so với cùng kỳ. Tổng lượng khách du lịch tăng gần 10 lần, trong đó khách quốc tế tăng hơn 11 lần so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm; triển khai hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm…

Theo ông Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch và chỉ đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Đề án tổng thể, chi tiết phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đề án, tỉnh Điện Biên tập trung mọi nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, nguồn lực xã hội và các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển du lịch. Với định hướng lớn trong phát triển du lịch của tỉnh dựa trên đầu tư về phát triển hạ tầng thông qua việc mời gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án, công trình tạo ra các sản phẩm du lịch. Đặc biệt là việc trùng tu tôn tạo, nâng cấp các công trình thuộc hệ thống di tích lịch sử quốc gia Chiến trường Điện Biên Phủ…

Du khách tham quan bức tranh Panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Tuy nhiên, “điểm nghẽn” lớn về hạ tầng giao thông đã khiến những tiềm năng về du lịch của Điện Biên chưa được khai thác đúng giá trị.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 9/4 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường khẳng định: Để đạt được mục tiêu về phát triển du lịch, UBND tỉnh Điện Biên đã đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm, như: Tổ chức nghiên cứu thị trường khách du lịch, nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của du khách để xây dựng các sản phẩm và chương trình quảng bá xúc tiến du lịch phù hợp, hiệu quả. Ký kết, triển khai các thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong nước và quốc tế. Nghiên cứu thành lập các chi nhánh, văn phòng đại diện du lịch tại các thị trường trọng điểm. Tư vấn, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ. Tổ chức mời các công ty lữ hành trong nước và quốc tế, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương… tìm hiểu, quảng bá các khu, điểm du lịch. Tư vấn, xây dựng hoàn thiện 3 đến 5 bản văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu.

Đổi mới thiết kế, xuất bản và phát hành các loại ấn phẩm, sản phẩm giới thiệu du lịch Điện Biên bằng nhiều hình thức, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách.

Xây dựng và triển khai chương trình chuyển đổi số trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đặc biệt là quản lý tài nguyên, sản phẩm du lịch, tổng hợp và số hóa cơ sở dữ liệu phục vụ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch…

Phát huy nội lực, lợi thế và tiềm năng sẵn có, tạo “đòn bẩy” để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Điện Biên, là yêu cầu quan trọng trong thời gian tới.

Bài,  ảnh: Hà Khánh

Nguồn Báo Điện Biên Phủ: http://www.baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/du-lich/205520/phat-trien-kinh-te-gan-voi-du-lich-lich-su-van-hoa