Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh cùng Công an TP Thanh Hóa vừa kiểm tra dữ liệu camera, tiến hành xác minh và “phạt nguội” hai nhóm thanh, thiếu niên với lỗi vi phạm trật tự, giao thông đường bộ, tổng số tiền phạt là 12,5 triệu đồng. Trong số các đối tượng bị phạt còn có cả những phụ huynh khi họ mắc lỗi giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện trên 50cm3.
Nhóm thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật về giao thông vừa bị xử phạt. (Hình ảnh trích xuất từ camera)
Việc làm của lực lượng công an nhận được sự hoan nghênh của đại bộ phận người tham gia giao thông, nhưng cũng có ý kiến cho rằng không quá cần thiết. Còn có rất nhiều vụ việc vi phạm giao thông xảy ra mỗi ngày nhưng chưa bị xử lý, vì sao cứ nhất thiết phải xử lý những phụ huynh này. Họ có trực tiếp vi phạm và biết con mình vi phạm đâu? Mà nói thật là, việc bố mẹ giao xe cho con cái khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện trên 50cm3 xảy ra nhiều chứ có phải một hai người đâu. Nếu phạt thế thì có mà phạt cả ngày.
Đúng là việc người lớn, nhất là những người lớn sinh sống ở khu vực nông thôn giao xe cho trẻ chưa đủ tuổi điều kiện điều khiển phương tiện trên 50cm3 là rất nhiều. Người thì giao xe với suy nghĩ để dễ sai trẻ đi lấy cái nọ, chở cái kia mà không phải lúc nào mình cũng làm được. Người thì giao xe cho trẻ với quan niệm, người khác giao được thì mình cũng giao được. Có để cho chúng đi xe máy mới nhanh trưởng thành. Một bộ phận khác thì ý thức được việc làm này là sai, nhưng vì thương con, thậm chí là sợ con giận dỗi nên chấp nhận giao xe cho chúng.
Tâm lý của nhiều người lớn thường thương con một cách cảm xúc, mà ít đặt tình cảm vào trạng thái được dẫn dắt, điều chỉnh bởi quy định của pháp luật. Vì thương con mà kết quả là bố mẹ bị phạt. Mà đó còn là may mắn. Đã có những bố mẹ vì thương con mà giao xe máy cho con dẫn đến con tai nạn giao thông phải sống với thương tật suốt đời. Còn có người phải trả giá cho thứ gọi là tình thương ấy bằng tính mạng con mình. Vậy thì phạt người vi phạm và phạt cả người tiếp tay cho người vi phạm là đúng quá rồi còn gì. Một biện pháp mang tính gốc rễ nếu được thực hiện liên tục, rộng khắp, sẽ góp phần làm thay đổi suy nghĩ của nhiều ông bố, bà mẹ đang thương con không đúng cách. Làm mạnh cũng giúp cho bức tranh giao thông trở nên an toàn hơn, đẹp mắt hơn, pháp luật về giao thông được thượng tôn.
Tình thương với pháp luật là hai phạm trù khác nhau nhưng cũng có mối liên hệ mật thiết với nhau. Càng thương con càng phải giáo dục, định hướng con cái tuân thủ và làm theo các quy định pháp luật. Thay cho việc dè bỉu, bài xích, lẽ ra phải ủng hộ lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ. Những người cứ cố tình nói này, nói kia, thì chính họ cũng cần phải bị phạt nếu chẳng may xảy ra tai nạn giao thông có nguyên nhân từ việc người lớn giao xe cho trẻ. Pháp luật vỗn dĩ rất thẳng ngay. Người lớn bị phạt vì lỗi của những đứa trẻ, có thể ấm ức một chút, xấu hổ một chút, nhưng cũng nên xem đó là dịp để xem xét lại mình, ngăn những hậu họa có thể xảy ra.
Thái Minh
Nguồn Báo Thanh Hóa: https://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/phat-phu-huynh/183882.htm