Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có trên 330 nghìn đoàn viên công đoàn, sinh hoạt ở 3.620 đơn vị công đoàn cơ sở, trong đó khu vực hành chính – sự nghiệp có 2.940 đơn vị, khu vực sản xuất, kinh doanh có 680 đơn vị.
Công nhân Công ty TNHH JASAN Việt Nam xã Định Liên, huyện Yên Định trong ca sản xuất.
Nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, tổ chức công đoàn đã có nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động như tổ chức ngày hội công nhân; phiên chợ nghĩa tình; hội thao trong công nhân, viên chức, lao động; các hội diễn văn nghệ, nâng cao chất lượng bữa ăn ca của người lao động… Theo đó, các cấp công đoàn đã chủ động phối hợp với người sử dụng lao động trong việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, thực tế một số lãnh đạo doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng công tác thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, mà coi việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là nhiệm vụ và trách nhiệm của tổ chức công đoàn. Một số doanh nghiệp do chưa tìm thấy tiếng nói chung trong quan hệ lao động, người lao động và người sử dụng lao động chưa đối thoại thực sự dân chủ…
Để tạo sự hài hòa trong quan hệ lao động, tổ chức công đoàn đã chủ động phối hợp tổ chức đối thoại giữa người lao động với người sử dụng lao động để có tiếng nói chung. Trong đó tập trung chủ yếu về tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; việc thực hiện hợp đồng lao động, điều kiện làm việc, các phúc lợi của doanh nghiệp cho người lao động, việc thực hiện chế độ, chính sách; đảm bảo an ninh – trật tự tại các khu công nghiệp; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, quan hệ lao động và hoạt động công đoàn.
Cùng với việc quan tâm đến xây dựng quan hệ lao động, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về lao động trong đó có vấn đề giải quyết tranh chấp lao động và đình công không đúng quy định. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4714/QĐ-UBND, ngày 4-11-2020 về phê duyệt Đề án phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối an ninh – trật tự của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Khi các cuộc đình công không đúng quy định xảy ra, Công an tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh và các cơ quan cấp tỉnh đã hỗ trợ UBND cấp huyện nơi xảy ra đình công yêu cầu người sử dụng lao động tổ chức thương lượng với tổ chức đại diện người lao động để có thỏa thuận thống nhất, đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, cùng có lợi.
Hầu hết các vụ tranh chấp lao động dẫn tới đình công có nguyên nhân chủ yếu là doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về lao động và các vấn đề lợi ích chưa hài hòa, không được đối thoại định kỳ tại nơi làm việc và thương lượng tập thể để hòa giải những bất đồng, mâu thuẫn với người lao động. Cụ thể như buộc người lao động làm việc với định mức lao động cao, luôn nâng cao định mức lao động, làm thêm giờ nhiều so với quy định nhưng việc trả lương làm thêm giờ lại chưa rõ ràng, chậm trả lương; không nâng bậc lương, cào bằng việc trả lương giữa người làm việc lâu năm và người mới vào làm việc; nợ tiền BHXH dẫn đến các chế độ BHXH của người lao động không được giải quyết; thủ tục nghỉ hằng năm rườm rà, thiếu tính hợp lý, không đảm bảo quyền nghỉ hằng năm của người lao động; một số điều kiện làm việc chưa được cải thiện như nhà xưởng ngột ngạt, nóng bức, thiếu quạt điện, khu nhà vệ sinh chưa đáp ứng yêu cầu… Các vấn đề về lợi ích của người lao động chưa được đảm bảo như nhà ăn và nhà để xe không đủ chỗ, chất lượng bữa ăn ca, tiền xăng xe, tiền chuyên cần, tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ, tiền thưởng các ngày lễ, tết… còn thấp.
Nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động, tổ chức công đoàn các cấp đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến người lao động; thực hiện tư vấn cho người lao động qua trang facebook, nhóm zalo, trang điện tử công đoàn… đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn theo hướng hướng về cơ sở vì lợi ích đoàn viên và người lao động; chú trọng tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh các hoạt động xã hội, tạo điều kiện để công nhân, lao động thực hiện được quyền làm chủ của mình; một số công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tốt các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Thi đua phục vụ CNH, HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn”, “Xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức: Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, đặc biệt là phong trào “Công chức, viên chức, người lao động chung sức hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Thanh Hóa văn minh, thịnh vượng”.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động, trong thời gian tới tổ chức công đoàn các cấp tiếp tục đổi mới và nâng cao vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên công đoàn và người lao động. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và phát triển đoàn viên, chú trọng thành lập công đoàn cơ sở ngoài khu vực Nhà nước, đa dạng hóa phương thức kết nạp người lao động, bảo đảm tính tự nguyện khi gia nhập, hoạt động công đoàn. Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở để công đoàn thực sự là chỗ dựa vững chắc của đoàn viên và người lao động.
Bài và ảnh: Minh Hiếu
Nguồn Báo Thanh Hóa: https://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/phat-huy-vai-tro-to-chuc-cong-doan-trong-quan-he-lao-dong-tai-cac-doanh-nghiep/180615.htm