Những cháu nhỏ bị mắc chứng bệnh Whitmore đang được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Một cháu nhỏ nhập viện điều trị vì bị áp xe viêm mang tai, các bác sỹ sau đó phát hiện cháu này đã bị mắc chứng bệnh Whitmore.
Ngày 16/9, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, bệnh viện này đã phát hiện trường hợp thứ 4 bị mắc bệnh Whitmore – còn gọi là nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người”.
Trước đó, từ đầu tháng 9/2019, bé H.B.L. (8 tuổi, trú huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) bất ngờ đau ở vùng má. Gia đình đưa bé L. đi kiểm tra ở bệnh viện tuyến huyện và được các bác sỹ chẩn đoán bị bệnh quai bị.
Bé L. sau đó được cho uống thuốc và điều trị theo bệnh quai bị. Tuy nhiên, sau nhiều ngày uống thuốc mà không đỡ, các bác sỹ kiểm tra lại thì chẩn đoán cháu bé bị áp xe viêm mang tai và được chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Ngày 13/9, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận điều trị cho cháu L. Sau khi xét nghiệm máu, cấy mủ thì phát hiện bé L. mắc chứng bệnh Whitmore.
Trước đó, tại Hà Tĩnh cũng phát hiện một người đàn ông bị mắc chứng bệnh Whitmore. Vi khuẩn tấn công vào những vết loét trên chân của người đàn ông này.
Sau khi phát hiện bệnh, các bác sỹ đã tiến hành phẫu thuật, điều trị bé L. theo đúng phác đồ. Hiện sức khỏe bé L. đã ổn định và vẫn đang tiếp tục được điều trị tại Khoa Răng Hàm Mặt của bệnh viện.
Trước đó cũng tại Bệnh viện này đã phát hiện và điều trị cho 3 em nhỏ bị mắc chứng bệnh Whitmore. Cả 3 em nhỏ đều được đưa vào viện với tình trạng bệnh áp xe viêm mang tai. Cả 3 đã được điều trị theo chứng bệnh quai bị trước khi được phát hiện mắc bệnh Whitmore.
Sau khi được các bác sỹ xét nghiệm máu, cấy mủ và phát hiện mắc bệnh Whitmore, các bác sỹ tiến hành điều trị theo đúng phác đồ. Hiện 1 em nhỏ đã khỏe mạnh và xuất viện. Riêng 2 em nhỏ đang tiếp tục được điều trị tại bệnh viện.
bệnh Whitmore – còn gọi là nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người”
Bệnh Whitmore – còn được gọi là nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người”. Về khái niệm “vi khuẩn ăn thịt người”, ông Nguyễn Trung Cấp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư) nói trên báo Tuổi trẻ, bản chất y học không có khái niệm chính thống “vi khuẩn ăn thịt người”.
Ông Cấp cho rằng, Whitmore không phải gây hoại tử nhanh như nhiều tác nhân “ăn thịt người” khác, vì thế gọi whitmore là “vi khuẩn ăn thịt người” có phần chưa đúng. Theo ông, có một số nhóm liên cầu, tụ cầu… gây tình trạng hoại tử rất nhanh có thể gọi tên “vi khuẩn ăn thịt người”.