Bên trong hang Sơn Đoòng. Ảnh: Oxalis.
Kết quả khảo sát lần này đã mở ra thêm một trang khám phá mới về hệ thống hang ngầm mới, càng xuống sâu càng mở rộng.
Chiều 9/4 tại Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Bình và nhóm chuyên gia từ Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh (BCRA) công bố kết quả chuyến lặn thám hiểm sông ngầm trong hang Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới.
Lần này, các chuyên gia đã phát hiện một hệ thống hang ngầm (tunnel) nằm ở độ sâu 60m, càng sâu hệ thống hang ngầm càng mở rộng ra. Ở độ sâu này đã hơn mực nước biển tại vị trí lặn.
Với phát hiện này thì hang Sơn Đoòng lại trở thành điều bí ẩn đối với các chuyên gia hang động và các nhà khoa học. Độ sâu của hang Sơn Đoòng tăng lên hơn 500m tính từ cửa hang cho đến đoạn cuối cùng, chưa được khám phá.
Đoàn thám hiểm hệ thống sông ngầm trong hang Sơn Đoòng. Ảnh: Oxalis.
Sơn Đoòng là hang động lớn nhất trên thế giới, chỉ mới được phát hiện năm 2009. Hai dòng sông ngầm lớn là Khe Ry và Rào Thưa giao thoa nhau hình thành hang Sơn Đoòng. Hang nằm dọc theo đoạn đứt gãy địa lý rộng gần 100m của dãy Trường Sơn, góp phần tạo nên kích thước khổng lồ của hang Sơn Đoòng.
Hang có hai giếng trời tự nhiên và cũng chính là nơi duy nhất có ánh sáng chiếu vào. Là một địa điểm độc đáo với chiều dài 9km, tại một số vị trí chiều cao trần hang lên đến 200m, rộng 175m.
Hang Sơn Đoòng lớn đến nỗi sở hữu cả một hệ thống khí hậu riêng, một khu rừng nguyên sinh phát triển mạnh mẽ ngay bên trong.
Hang Sơn Đoòng lớn đến nỗi sở hữu cả một hệ thống khí hậu riêng. Ảnh: Oxalis.
Ngoài dòng sông ngầm bên trong hang Sơn Đoòng, các chuyên gia lặn hang động còn lặn khảo sát tại khu vực suối Nước Moọc, bên trong Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và tại độ sâu 74m, các chuyên gia buộc phải dừng lại vì cần thiết bị phù hợp hơn.
Theo nhận định của các chuyên gia, hệ thống hang động đá vôi tại Phong Nha – Kẻ Bàng được chia thành 3 tầng, hang khô, hang nước có dòng chảy và hệ thống hang ngầm nằm ở độ sâu trên 93m.
Phát hiện mới làm tăng độ sâu hang Sơn Đoòng lên hơn 500m. Ảnh: Oxalis.
Như vậy, kết quả khảo sát lần này đã mở ra cánh cửa cho các nhà thám hiểm khảo sát thêm hệ thống hang động nằm sâu bên dưới lòng đất. Phong Nha – Kẻ Bàng vẫn sẽ là điều bí ẩn dành cho các nhà thám hiểm khám phá trong thời gian tới.
Hang Sơn Đoòng có hai giếng trời tự nhiên. Ảnh: Oxalis.
Ban đầu, mục tiêu khảo sát của các chuyên gia là tìm ra đoạn hang ngầm nối giữa hang Sơn Đoòng và hang Thung cách nhau 600m, với nhận định ban đầu là khi đạt độ sâu 25m thì đoạn sông ngầm bên trong hang Sơn Đoòng sẽ chạy ngang để nối với sông ngầm bên trong hang Thung.
Tuy nhiên, trên thực tế hoàn toàn khác, khi nhóm chuyên gia đo độ sâu của dòng sông ngầm bằng dây thì đáy của dòng sông bên trong hang Sơn Đoòng nằm ở độ sâu 93m, ở độ sâu này thì không thể dùng bình lặn nén khí thông thường, do đó, các chuyên gia phải tìm kiếm các điểm trần hang ngầm ở độ sâu khoảng 40-50m để có thể dung bình khí nén hiện tại, cùng với hệ thống rebreath có thể lặn dưới hang ngầm nhiều giờ liền.
Ông Jason (thành viên trong nhóm BCRA) đã thực hiện đợt lặn ở độ sâu 77m, là độ có thể tìm kiếm lối thông qua hang Thung nhưng vẫn chưa tìm thấy điểm nối, nó vẫn tiếp tục sâu hơn.