Chúng ta sẽ phải kéo lùi lịch sử lại vài chục ngàn năm để xác lập mốc thời gian nhóm người đầu tiên rời Châu Phi.
Khoảng 50.000 năm trước, một nhóm người tiền sử ở Châu Phi đã băng qua eo đất Levantine để đi vào lục địa Á-Âu. Bất cứ ai trong số chúng ta ngồi đây cũng là con cháu của những “phượt thủ” này.
Họ là nhóm người sống sót duy nhất sau một hành trình cam go, vượt ra khỏi ngôi nhà Châu Phi, thích nghi với môi trường mới, sinh con đẻ cái và rồi chiếm lĩnh toàn bộ Trái Đất.
Thế nhưng, tổ tiên chúng ta chắc chắn không phải nhóm người đầu tiên và duy nhất mạo hiểm rời khỏi lục địa của mình. Một nghiên cứu mới vừa phát hiện bằng chứng cho thấy một nhóm người tiền sử thậm chí đã rời khỏi Châu Phi từ hơn 200.000 năm trước.
Họ đi đến vùng đất ngày nay là Hy Lạp, có thể đã sống ở đó một thời gian, giao lưu với giống người Neanderthal nhưng rồi cả hai đều tuyệt chủng. Sự biến mất của những người này đặt ra cho chúng ta rất nhiều câu hỏi:
Tại sao họ lại chết ở Châu Âu? Có phải người Neanderthal đã diệt vong họ? Hai chủng người có đánh nhau không? Hay đơn giản vì người Homo sapiens Châu Phi không thích nghi được với khí hậu lạnh hơn trong thời kỳ băng hà bao phủ phần lớn Châu Âu?
Tại sao đến tận 50.000 năm trước, tổ tiên chúng ta mới thực sự thành công trong chuyến hành trình chiếm lĩnh lục địa Á-Âu của mình?
Mảnh sọ Apidima 1 được phát hiện tại Hy Lạp là bằng chứng cho thấy người Homo sapiens đã rời Châu Phi từ hơn 200.000 năm trước
Nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Nature. Trong đó, một nhóm các nhà cổ sinh vật học tuyên bố đã xác định được mẫu hóa thạch lâu đời nhất thuộc về nhóm người tiền sử đầu tiên rời khỏi Châu Phi.
Đó là một mảnh sọ được gọi là Apidima 1. Mẫu hóa thạch này được tìm thấy trong một hang động Hy Lạp vào thập niên 1970. Nhưng phân tích niên đại bằng phóng xạ mới đây cho thấy nó thuộc về một người Homo sapiens đã sống cách đây khoảng 210.000 năm.
Trước đó, các hóa thạch lâu đời nhất của Homo sapiens được xác định chỉ có niên đại từ 177.000 đến 194.000 năm tuổi. Đó là một số mảnh răng và hàm được tìm thấy ở Israel, sớm hơn đáng kể so với mảnh sọ Apidima 1.
Vì vậy, nếu những phát hiện mới trên Nature là chính xác, chúng ta sẽ phải kéo lùi lịch sử lại vài chục ngàn năm để xác lập mốc thời gian nhóm người đầu tiên rời Châu Phi đến lục địa Á-Âu.
Apidima 1 là bằng chứng sớm nhất cho một người Homo sapiens từng được tìm thấy bên ngoài Châu Phi. Ngay cạnh nó, các nhà khoa học cũng tìm thấy một mảnh sọ khác được gọi là Apidima 2, thuộc về người Neanderthal – Homo neanderthalensis – giống người đầu tiên thống trị Châu Âu trong thời kỳ tiền sử.
Niên đại của Apidima 2 chỉ khoảng 170.000 năm cũng đặt ra câu hỏi về độ chính xác của hóa thạch Apidima 1. Tại sao hai người sống cách nhau hàng chục ngàn năm lại có di cốt gần nhau đến vậy?
Hang Apidima ở Hy Lạp, nơi hai mảnh sọ được phát hiện
Giả thuyết được đưa ra là Apidima 2 đã bị rơi xuống một khe núi, nơi Apidima 1 chờ sẵn ở dưới đáy. Ban đầu các nhà khoa học cho rằng chúng có cùng niên đại, nhưng phân tích phóng xạ uranium cho thấy Apidima 1 xuất hiện sớm hơn.
Các nhà khoa học đã sử dụng phần mềm để phục dựng lại cấu trúc hộp sọ. Dạng tròn và một số đặc điểm đặc trưng chỉ có ở Homo sapiens đã khẳng định Apidima 1 thuộc về một người tiền sử tới từ Châu Phi chứ không phải người Neanderthal.
“Đây là bằng chứng cho sự hiện diện sớm nhất của Homo sapiens ở lục địa Á-Âu. Điều đó chứng tỏ con người hiện đại đã đi khỏi Châu Phi sớm hơn nhiều và đi được một hành trình xa hơn nhiều so với hiểu biết của chúng ta trước đây“, các nhà nghiên cứu viết.
Nhưng Apidima 1 có thể không đủ sức thuyết phục đối với một số nhà khoa học hoài nghi về giả thuyết này. Nó chỉ là một mảnh sọ đơn độc, sau đó được các nhà nghiên cứu tái cấu trúc bằng kỹ thuật số.
Xung quanh khe núi nó được tìm thấy cũng không có sự xuất hiện của các công cụ bằng đá, không có dấu hiệu chôn cất, không có gì để gợi ý hành vi của con người hiện đại.
“Vấn đề với hóa thạch này là nó không hoàn chỉnh, và tôi đoán rằng nhiều người sẽ không chấp nhận kết quả xác nhận nó thuộc về Homo sapiens“, Ian Tattersall, một nhà cổ sinh vật học và một người phụ trách tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ cho biết.
Phục dựng lại hộp sọ bằng máy tính
Dẫu sao, phát hiện này cũng khiến chúng ta tự đặt ra nhiều câu hỏi hơn, về những gì đã xảy ra trong những trang sử đầu tiên của loài người trên trái đất.
Có thể cả hai nhóm – người Neanderthal và người hiện đại – đã sống ở khu vực này trong một khoảng thời gian chồng chéo. Và chúng ta biết, ít nhất là sau này, người hiện đại và người Neanderthal đã giao phối với nhau. Có thể nhóm người của Apidima 1 cũng từng làm vậy?
“Phát hiện này cho thấy có ít nhất hai loài hominin (người và họ hàng từ nhánh gia đình sau khi chúng ta tách khỏi tinh tinh) cùng sinh sống ở phía đông nam Châu Âu vào khoảng 200.000 năm trước“, Eric Delson, một trong những tác giả nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature cho biết.
Người ta thường nghĩ rằng người Neanderthal đã định cư ở Châu Âu từ hơn 500.000 năm trước, tuyệt chủng, rồi sau đó bị thay thế bởi con người hiện đại. Nhưng bây giờ lại xuất hiện thêm nhiều bằng chứng cho thấy cả hai loài đã sống cùng nhau trên lục địa.
Tất cả tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao cả hai nhóm người này đều tuyệt chủng? Tại sao tổ tiên chúng ta, nhóm người rời Châu Phi 50.000 năm trước mới là người chiến thắng cuối cùng?
“Chúng ta chưa có câu trả lời cho những câu hỏi này, và cũng chưa có bằng chứng để trả lời chúng“, Katerina Harvati, nhà nhân chủng học dẫn đầu nghiên cứu đến từ Đại học Tübingen nói.
Những mảnh sọ chỉ kết luận cho chúng ta thấy bản năng của con người tiền sử cũng như chúng ta ngày nay, đó là sự dịch chuyển, chinh phục và khám phá những vùng đất mới. Đó là bản năng đã thôi thúc chúng ta, Homo sapiens tồn tại và có mặt cho tớn tận thời điểm này, ở đây, vào ngày hôm nay.
Tham khảo Washingtonpost, Sciencealert