Lịch sử hình thành nên con người được tính thời điểm khởi nguyên từ 6 triệu năm trước. Tuy nhiên, con số này này có thể sẽ thay đổi sau phát hiện mới đây của các nhà khoa học.
Một loài vượn người tại châu Phi đã có mặt trên Trái Đất khoảng 6 triệu năm trước. Đây là loài vật xa xưa có các chi nhánh con cháu bao gồm cả loài người hiện đại. Giả thuyết được công nhận rộng rãi này nhiều khả năng sẽ phải điều chỉnh lại do phát hiện mới nhất của các nhà động vật học thế giới.
Tại miền nam nước Đức, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy hóa thạch của một loài vượn người có khả năng đi bằng 2 chân và sống trên Trái Đất cách đây gần 12 triệu năm. Đây là giống vượn người chưa từng được biết tới trước đây và được giới khoa học đặt tên là Danuvius. Giống vượn Danuvius tồn tại cách đây 12 triệu năm nhưng lại mang những đặc điểm giống con người tới bất ngờ.
Kiến thức phổ biến về cột mốc tiến hóa của loài người sẽ phải có sự thay đổi.
Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi giáo sư Madelaine Böhme từ Đại học Tübingen đã dành nhiều năm để nghiên cứu và thu thập các chứng cớ hóa thạch trong một hố đất sét ở Bavaria (Đức). Chính tại đây, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy hơn 15 nghìn mảnh xương động vật có xương sống, trong đó có cả xương của loài Danuvius.
Ít nhất bốn loài linh trưởng riêng lẻ và bộ xương hoàn chỉnh của một con Danuvius đực đã được phát hiện. Loài Danuvis có kích thước và hình dạng tương tự như những con vượn bonobos thời hiện đại. Từ phân tích các khớp xương chân tay, các nhà nghiên cứu đã mô phỏng lại cách thức di chuyển của loài vượn cổ này.
Chi tiết về quá trình phân tích, giáo sư Madelaine Böhme chia sẻ:
“Thật vô cùng kinh ngạc khi chúng tôi nhận ra Danuvius có một số khớp xương tương tự như ở con người. Chúng hoàn toàn trái ngược với loài vượn người lớn mà chúng ta vẫn biết bấy lâu.
Các khớp xương của loài Danuvius.
Cột sống của loài này có dáng cong, giữ phần còn lại của cơ thể thẳng đứng trên 2 bàn chân. Các ngón chân cái của Danuvius rất to, lồng ngực rộng và bằng phẳng, và phần lưng dưới thon dài; điều này giúp định vị trọng tâm trên hông, đầu gối và bàn chân phẳng giúp chúng dễ dàng giữ thăng bằng khi di chuyển ở tư thế thẳng đứng.
Đây là lần đầu tiên chúng tôi có cơ hội được phân tích các đặc điểm xương khớp quan trọng gồm khuỷu tay, hông, đầu gối và mắt cá chân, trên một bộ xương hóa thạch hiếm có như vậy. Tới nay, đây là bộ xương duy nhất của loài vượn Danuvius được tìm thấy trên thế giới và sẽ trở thành cột mốc quan trọng trong ngành cổ sinh vật học. Từ đây, những cách lí giản trước đây của chúng ta về sự tiến hóa của loài người sẽ thay đổi.”
Phát hiện của nhóm nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature với hình minh họa một con Danuvius đi bằng hai chân và có thể leo trèo như vượn. Khi đứng thẳng, Danuvius có chiều cao khoảng 1 mét và nặng từ 13-18kg, nặng hơn hầu hết các loài vượn ngày nay.
Theo 9News
Anh Việt, theo Trí Thức Trẻ