Phát hiện bất ngờ về hố bẫy voi ma mút đầu tiên trong lịch sử loài người

Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà khoa học thế giới đã phát hiện ra một chiếc bẫy voi ma mút có từ thời tiền sử.

Các nhà nhân chủng học từ Viện Nhân chủng học và Lịch sử Quốc gia Mexico cho biết họ đã phát hiện ra 2 chiếc hố săn có niên đại cách đây hơn 10 nghìn năm. Con người thời tiền sử đã sử dụng chúng vào mục đích săn bẫy voi ma mút, loài quái thú có kích cỡ khổng lồ nay đã tuyệt chủng.

2 chiếc hố được tìm thấy trong các cuộc khai quật trên vùng đất Tultepec, nằm ở phía bắc thành phố Mexico. Đây được xác định như những chiếc bẫy voi ma mút đầu tiên được phát hiện trên thế giới. Chúng có độ sâu khoảng 1,70 mét và đường kính rộng gần 23 mét. Trong những chiếc hố, các nhà khoa học thu thập được hơn 800 mảnh xương thuộc về ít nhất 14 con voi ma mút lông cừu.

Phát hiện bất ngờ về hố bẫy voi ma mút đầu tiên trong lịch sử loài người - Ảnh 1.
Phát hiện bất ngờ về hố bẫy voi ma mút đầu tiên trong lịch sử loài người - Ảnh 2.

Voi ma mút lông cừu từng lang thang trên khắp Trái đất hàng chục ngàn năm trước và sống sót qua kỷ băng hà cuối cùng. Hóa thạch của chúng được phát hiện ở mọi châu lục trừ Châu Úc. Vào khoảng 10 nghìn năm trước, số lượng của chúng bắt đầu giảm dần cho tới khi bị tuyệt chủng hoàn toàn. 

Qua phát hiện gần đây của các nhà khoa học Mexico, có thể khẳng định một phần nguyên nhân dẫn tới sự diệt vong của giống loài voi ma mút tới từ việc săn bắt của con người.

Phát hiện bất ngờ về hố bẫy voi ma mút đầu tiên trong lịch sử loài người - Ảnh 3.
Phát hiện bất ngờ về hố bẫy voi ma mút đầu tiên trong lịch sử loài người - Ảnh 4.

Phân tích các mảnh xương voi ma mút trong 2 hố bẫy, các nhà khoa học tìm thấy nhiều dấu hiệu thương tổn do con người gây ra. Theo suy đoán, những thợ săn thời tiền sử đã đe dọa, xua đuổi những con voi ma mút rơi xuống hố, trước khi giết chết chúng bằng những viên đá to hoặc lưỡi đao búa thô sơ. Một con voi ma mút có thể mang lại nguồn cung cấp lông và thịt vô cùng dồi dào cho con người trong những thời kỳ khí hậu khắc nghiệt.

Phát hiện bất ngờ về hố bẫy voi ma mút đầu tiên trong lịch sử loài người - Ảnh 5.

Bên trong hố bẫy còn có xương cốt của loài thú thuộc chi Glyptodon

Đáng chú ý, bên trong 2 hố bẫy còn phát hiện được cả xương của một loài thú khác thuộc chi Glyptodon. Loài thú này được cho là tổ tiên của loài ngựa hiện đại, mang ngoại hình lai tạp giữa ngựa và tê tê (armadilo). Sau khi giám định, xương cốt của loài quái thú này được xác định niên đại ở thời điểm 13 nghìn năm về trước.

Vào năm 1970, bộ xương voi ma mút đầu tiên được tìm thấy tại Mexico. Các công nhân xây dựng tàu điện ngầm của thành phố Mexico đã vô tình phát hiện một bộ xương ma mút hoàn chỉnh khi đang tiến hành đào bới. Nhiều di chỉ khảo cổ khác có liên quan tới voi ma mút cũng đã được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa ở đâu phát hiện thấy một chiếc bẫy voi do con người tiền sử tạo nên.

Tham khảo Ancient

Anh Việt, theo Trí Thức Trẻ

http://ttvn.vn/khoa-hoc/phat-hien-bat-ngo-ve-ho-bay-voi-ma-mut-dau-tien-trong-lich-su-loai-nguoi-7201912119427537.htm