Có không ít bài học đắt giá về pháo sáng, song đáng tiếc vấn nạn nhức nhối này lại vẫn có thể bùng phát ở V.League.
Tối qua (11/9), những cảnh tượng kinh hoàng đã xảy ra trên sân Hàng Đẫy khi Hà Nội FC tiếp đón Nam Định, vòng 22 V.League, xuất phát từ “cơn mưa pháo sáng” của nhóm CĐV quá khích.
Pháo sáng đã khiến một nữ khán giả phải nhập viện trong tình trạng bị thương nghiêm trọng. Sau trận, Văn Quyết hay HLV của cả hai đội cũng phải bày tỏ thông điệp lên án hành vi “có thể gây ảnh hưởng tính mạng” của các CĐV quá khích.
1. Thực tế, làng bóng đá thế giới đã từng chứng kiến những bài học đắt giá do pháo sáng gây ra.
Năm 2013, bóng đá Nam Mỹ từng chịu cú sốc khi một nạn nhân trẻ mới 14 tuổi là CĐV của CLB Corinthians (Brazil) đã thiệt mạng trên khán đài vì pháo sáng trên sân của CLB San Jose của Bolivia tại Cup Libertadores. Sau sự cố thương tâm này, cảnh sát Bolivia đã bắt giữ ít nhất 12 CĐV quá khích để điều tra.
Theo Daily Mail, CĐV nhí này đã bị pháo sáng bắn vào mắt và bị tử vong ngay tại chỗ. Sau trận, HLV Tite Corinthians đã phải thốt lên: “Tôi sẽ đánh đổi mọi danh hiệu vô địch của mình cho mạng sống của cậu bé“. Song chỉ tiếc rằng, ông đã không thể làm điều đó.
Bóng đá thế giới từng chứng kiến những cái chết thương tâm do pháo sáng gây ra.
Trước đó tại châu Âu, Guillem Lazaro, một cậu bé 13 tuổi người Tây Ban Nha cũng bị tử vong vào tháng 3/1992 khi dính trọn một ngọn lửa pháo sáng bắn vào ngực trên sân vận động cũ Sarria của Espanyol trong trận derby gặp Barcelona.
Tháng 10/1979, CĐV Vincenzo Paparelli người Italia – một người hâm mộ của Lazio cũng bị thiệt mạng ngay trên sân Olympico sau khi bị một quả pháo sáng bắn từ khu khán đài của CĐV Roma.
2. Ở Việt Nam, người hâm mộ cũng từng chứng kiến những tai nạn cực kỳ nguy hiểm do pháo sáng gây ra. Năm 2016, bất chấp những cảnh báo từ truyền thông, một số cổ động viên quá khích vẫn đốt pháo sáng trên sân Mỹ Đình trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia ở giải AFF Cup.
Sau trận, một CĐV đã kể lại cảm giác gặp nạn khi để một quả pháo sáng cháy trong túi quần của mình: “Khi Thành Lương chuyền bóng ra cho Văn Thanh ghi bàn ở cuối trận đấu. Vì quá vui sướng, tôi đưa tay vào trong túi để lấy quả pháo ra đốt. Nhưng do sơ suất, tôi đã túm vào đầu dây, khiến quả pháo được giật chốt và cháy ngay trong túi quần.
Lúc đó tôi đã rất hoảng loạn, nhiệt độ quả pháo lên tới hàng nghìn độ C, đốt cháy da thịt mình. Có lẽ tôi sẽ chẳng thể nào quên được giây phút kinh hoàng đó“. Sau đó, cổ động viên này nằm viện 1 tháng vì vết bỏng.
Hình ảnh pháo sáng ở Hàng Đẫy tối qua.
Vốn bị coi là một “công cụ” để cổ động trên sân, song trên thực tế, pháo sáng tiềm mối nguy hiểm cực lớn, có thể gây ra những tai nạn khủng khiếp bất cứ lúc nào.
Pháo sáng khó bị dập tắt vì được thiết kế để thích ứng với môi trường nước. Loại pháo này có thể cháy tới nhiệt độ 1.600 độ C (nhiệt độ nóng chảy của thép), có loại lên đến 3.000 độ C. Vì thế, nguy cơ bị bỏng nặng do pháo sáng vốn là điều hiển nhiên. Chưa dừng lại ở đó, khói được tạo ra từ pháo sáng cũng rất nguy hiểm và không nên hít vào, với những người bị hen suyễn, khói từ pháo sáng sẽ khiến họ trở nên khó thở nhanh chóng.
Ngay như ở Hàng Đẫy tối qua, pháo sáng cũng để lại nỗi kinh hoàng cho nhiều CĐV có mặt ở trên sân, trong đó có một số CĐV và thậm chí là một chiến sĩ cảnh sát cơ động cũng phải nhập viện cấp cứu.
Rõ ràng, dù thế giới đã trải qua nhiều bài học thương tâm song hiện nay, một bộ phận CĐV quá khích vẫn chưa nhận thức được tác hại và mối nguy hiểm do pháo sáng gây ra. Họ đem pháo sáng rồi đốt trên khán đài bởi mục đích mua vui hoặc một phương tiện để tấn công CĐV đối phương. Thế nhưng, họ lại không biết rằng hành động sốc nổi của mình có thể để lại hậu quả thương tâm, thậm chí là cướp đi sinh mạng của người khác.
Khoảnh khắc pháo sáng bay như tên lửa vào đám đông khán giả gây thương tích. (nguồn: On Sport).
Giống như cầu thủ Văn Quyết vừa nói tối qua, trong bóng đá có rất nhiều cách để cổ động và khích lệ đội bóng của mình, tình yêu của người hâm mộ là điều rất đáng trân trọng. Song, với những người hâm mộ chân chính, chắc chắn họ không cần tới pháo sáng để thể hiện tình yêu, sự đam mê cháy bỏng của mình.
Đã đến lúc những cơ quan tổ chức, cơ quan quản lý cần phải vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn tình trạng pháo sáng ở Việt Nam, góp phần xây dựng một môi trường cổ động thực sự văn minh và chuyên nghiệp.