Chiều 1/10, HĐXX đã tuyên án cho nguyên Tổng giám đốc Công ty VN Pharma và 11 đồng phạm liên quan việc buôn bán thuốc giả.
Chiều nay, ngày 1/10, TAND TP HCM sẽ đưa ra phán quyết về số phận của Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty VN Pharma) và 11 bị cáo đồng phạm liên quan vụ án buôn bán thuốc chữa bệnh ung thư giả xảy ra tại Công ty VN Pharma.
Khoảng 15h15, HĐXX bước vào phần tuyên án, hầu hết các bị cáo đều có mặt, chỉ có bị cáo Phạm Văn Thông (65 tuổi, dược sĩ) được phép vắng mặt do sức khỏe không ổn định. Lực lượng báo chí cũng đông đảo có mặt để đưa tin.
Tuyên án các bị cáo trong vụ VnPharma
Đến 16h15, HĐXX đã tuyên án. Cụ thể đại diện VKS đề nghị đối với 12 bị cáo về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” gồm:
Nguyên Tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng 17 năm tù.
Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty H&C): 20 năm tù
Ngô Anh Quốc (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma): 11 năm tù (tổng hợp thêm với bản án 5 năm tù đã tuyên trước đó thành 16 năm tù)
Phạm Văn Thông (Dược sĩ): 5 năm tù
Phan Cẩm Loan (nguyên Phó trưởng phòng Xuất nhập khẩu VN Pharma): 7 năm tù
Bùi Ngọc Duy (nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển VN Pharma): 6 năm tù
Phạm Anh Kiệt (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Dược Sài Gòn): 3 năm tù
Hoàng Trúc Vy (nguyên nhân viên Phòng Nghiên cứu và Phát triển VN Pharma): 3 năm tù cho hưởng án treo, giao về địa phương theo dõi.
Nguyễn Trí Nhật (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma): 12 năm tù
Bên cạnh đó, HĐXX tuyên cấm các bị cáo hoạt động trong ngành nghề dược phẩm trong vòng 5 năm. Bị cáo Hùng và Quốc nộp lại 4,4 tỷ đồng, bị cáo Cường nộp hơn 2 tỷ đồng để sung công quỹ nhà nước.
Tiếp tục làm rõ một số đối tượng
HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra phải điều tra làm rõ các phần vụ án đã tách ra, trong đó có Raymundo. “Raymundo có vai trò rất lớn, là người cung cấp thuốc H-Capita và hồ sơ giả. Đối tượng này cũng nhiều lần sang Việt Nam. HĐXX đề nghị sớm làm rõ đối tượng này để điều tra xử lý, theo quy định pháp luật”, HĐXX nhận định.
“Việc hồ sơ kỹ thuật thuốc được thuê viết là sai quy định. Tòa đề nghị Cục Quản lý Dược rà soát lại quá trình quản lý quá trình này, tránh các trường hợp sai phạm gây ảnh hưởng tới giá cả và chất lượng thuốc”, chủ tọa nói.
Quá trình xét xử tại phiên xử, đề nghị việc ông Ngô Nhật Phương có 10 tài liệu liên quan công văn 77 là tài liệu chưa giải mật và ông Phương đã thừa nhận điều này. VKSND TP HCM cho rằng có dấu hiệu làm lộ bí mật nhà nước khi cá nhân không có thẩm quyền có được tài liệu mật của Bộ Y tế.
“VKS đề nghị cơ quan điều tra làm rõ việc này. Tòa chuyển kiến nghị của VKS cho cơ quan điều tra”, chủ tọa cho biết.
VKS kết luận H-Capita là thuốc giả cả về xuất xứ, lẫn cả chất lượng
HĐXX nhận định rằng các nhân viên làm thủ rục thông quan, một số nhân vật ở nước ngoài đã hết thời hạn điều tra nên cơ quan điều tra nên tách ra xử lý sau ở một vụ án mới. Sai phạm ở Cục Quản lý Dược là nghiêm trọng, cơ quan điều tra cũng tách ra thành vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo hồ sơ vụ án, kết luận giám định về lô thuốc H-Capita nêu: “H-Capita có chứa 97,5% hoạt chất Capecitabine là thuốc kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”.
Trong phần tranh luận, Viện KSND TP HCM thể hiện quan điểm, giấy phép nhập khẩu thể hiện các bị cáo nhập hàng từ Công ty Helix Canada, nhưng CQĐT xác minh tại Canada không có công ty này. Ngoài ra, tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc do VN Pharma thuê dược sĩ Phạm Văn Thông viết ra.
Bên cạnh đó, cơ quan công tố cho rằng việc Cục Quản lý dược khẳng thuốc chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt chất lượng, còn kết luận điều tra có nhiều thứ không đạt: Màu sắc thuốc đăng ký là đỏ (trong khi nhập về hồng), có vỉ thuốc rỗng, 1 số hộp thuốc đúng số lượng vỉ, nhãn mác không đầy đủ thông tin được duyệt, tờ hường dẫn sử dụng và tờ hướng dẫn sử dụng được duyệt khác nhau về thành phần tá dược, thậm chí có hộp không có tờ hướng dẫn sử dụng.
Từ đó, Viện KSND TP HCM kết luận H-Capita là thuốc giả cả về xuất xứ, lẫn cả chất lượng. Đồng thời, cơ quan công tố đề nghị HĐXX không xem các tài liệu do Cục Quản lý dược Bộ Y tế “cấp tốc” xác minh là chứng cứ trong vụ án.
Bị cáo Cường khai bị ép cung là không có cơ sở
Sau quá trình nhắc lại quá trình xét xử, HĐXX nhận định rằng việc bị cáo Cường khai bị ép cung là không có cơ sở, quá trình điều tra cũng thể hiện cơ quan điều tra đã có động thái tìm hiểu theo lời khai. Như vậy, việc bị cáo Cường kêu oan, yêu cầu triệu tập điều tra viên là không có cơ sở.
Theo hồ sơ, HĐXX trình bày rằng, từ giữa năm 2013 đến ngày 19/9/2014, Nguyễn Minh Hùng, Cường và đồng phạm đã làm giả hàng loạt tài liệu như: giấy chứng nhận lưu hành tự do (FSC); giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) của Canada; hợp đồng mua bán, các phụ lục hợp đồng mua bán với Công ty Austin Hong Kong và các chứng từ giả… để nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet chữa bệnh ung thư giả vào Việt Nam với mục đích bán kiếm lời.
Trị giá lô thuốc là 251.100 USD (khoảng 5,3 tỷ đồng), được nâng khống lên 571.950 USD (khoảng 12 tỷ đồng). Số tiền chênh lệch 6,8 tỷ được chuyển vào 2 tài khoản dịch vụ chuyển tiền ở nước ngoài rồi nhận lại bằng tiền Việt Nam.
Thuốc là hàng hóa đặc biệt
Theo HĐXX, về nội dung vụ án, tại phiên tòa, đa số các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội.
HĐXX khẳng định H-Capita là thuốc giả vì vậy cáo trạng của Viện KSND TP HCM truy tố là phù hợp. HĐXX phân tích, thuốc là hàng hóa đặc biệt nên không thể dựa vào ý kiến các bên, mà phải dựa vào kết quả điều tra cũng như các căn cứ pháp luật.
Trong khi đó, kết quả điều tra thể hiện thuốc không có nguồn gốc sản xuất tại Canada. Bởi, trên các thùng hàng thuốc có dán tem kiểm tra an ninh tại sân bay của Ấn Độ và dán tem vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore, phù hợp với văn bản trả lời ủy thác của Singapore.
Qua kiểm tra, mã vạch, mã số in trên vỏ hộp thuốc không được đăng ký bởi quốc gia nào, vì vậy các bị cáo đã giả về xuất xứ, giả về hồ sơ thuốc… phù hợp với quy định pháp luật như VKSND TP HCM đề cập.
Trước đó, đại diện VKSND TP HCM đề nghị tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng từ 18-19 năm tù; Võ Mạnh Cường (người bán thuốc cho Hùng) bị đề nghị 20 năm tù. Hai bị cáo bị đề nghị 12-13 năm, các bị cáo còn lại bị đề nghị 3-7 năm tù. Ngoài ra, VKS đề nghị tòa buộc Hùng nộp lại số tiền nâng khống thuốc H-Capita hơn 6 tỷ đồng.
Trong lời nói sau cùng, ông Nguyễn Minh Hùng (nguyên Tổng giám đốc VN Pharma) thể hiện sự thành khẩn. Ông cho biết bản thân ăn năn hối hận về hành vi sai trái của mình. Nguyên Tổng giám đốc VN Pharma nói: “Bị cáo ăn năn hối cải, mong được HĐXX xem xét mức án nhẹ nhất để sum họp gia đình và hòa nhập với xã hội”.
Trong khi đó, bị cáo Võ Mạnh Cường vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng bản thân oan sai: “Cáo trạng quy kết cho tôi hoàn toàn không đúng sự thật, không đúng vai trò vị trí của tôi mà tôi chưa được trình bày. Cáo trạng quy kết tôi cung cấp các giấy tờ giả cho Nguyễn Minh Hùng là hoàn toàn không có căn cứ”.
Các bị cáo đồng phạm còn lại cũng tỏ ra ăn năn, hối cải với tội lỗi của mình. Họ cho biết chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên và mong muốn HĐXX xem xét giảm án để sớm có cơ hội làm lại cuộc đời.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng thừa nhận hành vi phạm tội.
Ngoài khung hình phạt của các bị cáo, việc thuốc H-Capita là thuốc giả hay kém chất lượng là vấn đề gây tranh cãi trong những ngày xét xử. Bị cáo Hùng cho rằng thuốc chỉ giả về nhãn mác xuất xứ, tức là giả về nguồn gốc, còn chất lượng thì hoàn toàn thật.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý Dược cũng bất ngờ có công văn hỏa tốc cho rằng thuốc H-Capita có nguồn gốc từ lô thuốc đã được cấp phép và được sản xuất ở một nhà máy hợp pháp tại Ấn Độ. Đơn vị này cho rằng thuốc đạt tiêu chuẩn khi xuất xưởng đủ điều kiện chữa bệnh chứ, không phải thuốc giả.
Quá trình xét xử, doanh nhân Ngô Nhật Phương (chồng ca sĩ Trang Nhung), một người kinh doanh dược cũng cho rằng H-capita là thuốc thật nhưng được làm giả hồ sơ để nâng khống giá thuốc. Nhân chứng này cho rằng lô thuốc được nhâp khẩu từ Ấn Độ nhưng lại làm giả hồ sơ của Canada.
Bị cáo Võ Mạnh Cường nhiều lần kêu oan.
Sau quá trình tranh luận, VKSND TP HCM giữ nguyên quan điểm H-Capita là thuốc giả về nguồn gốc và chất lượng. Cơ quan công tố còn cho rằng Bộ Y tế đang che giấu trách nhiệm của Cục Quản lý Dược trong việc cấp giấy phép nhập khẩu các lô thuốc H-Capita.
Đại diện VKSND TP HCM cũng đề nghị điều tra dấu hiệu làm lộ bí mật nhà nước, liên quan những tài liệu mà ông Ngô Nhật Phương có được không từ cơ quan điều tra.
Liên quan phiên xử này, Cục Quản lý dược gửi đến các cơ quan tố tụng để chứng minh nguồn gốc, chất lượng lô thuốc H-Capita. Đáng nói, chỉ trong vòng 4 ngày (từ 13 đến 17-11-2017), đoàn công tác Bộ Y tế đang đi kiểm tra một công ty sản xuất vắc-xin ở Ấn Độ đã kết hợp đến bang Himachal Pradesh của Ấn Độ để xác minh nguồn gốc, chất lượng thuốc H-Capita.
Đoàn của Bộ Y tế đi công tác từ 13 đến 17/11/2017 nhưng các tài liệu được hợp pháp hóa lãnh sự vào các ngày 31/1/2018 và ngày 8/2/2018. Đồng thời, các chứng nhận của cơ quan chức năng Ấn Độ đều diễn ra ngày 22/1/2018 và 24/1/2018.
“Vậy Bộ Y tế nhận các tài liệu này từ nguồn nào? Ai nhận? Ai là người thu thập các tài liệu này sau đó? Tính hợp pháp, pháp lý của việc thu thập, giao nhận các tài liệu này như thế nào?” – đại diện VKSND đặt nghi vấn.
Phải làm rõ “hoa hồng” chi cho ai ?
Ngày 18/9/2019, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) ra quyết định khởi tố vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Cục Quản lý dược, Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thẩm định, cấp phép và cho thông quan nhập khẩu đối với các thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Công ty Helix Canada và nhãn mác Công ty Health 2000 Canada.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 diễn ra ngày 24/9, và những phiên tòa trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị triệu tập do có liên quan, nhưng đều không xuất hiện tại phiên tòa.
Liên quan vụ án mua bán thuốc ung thư giả tại VN Pharma, trong phiên phúc thẩm lần 1 năm 2017, tòa trả hồ sơ yêu cầu đầu tra bổ sung, làm rõ VN Pharma đã chi 14,1 tỷ đồng tiền “hoa hồng” cho các y bác sĩ , bệnh viện nào để “bôi trơn” bán thuốc. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 vào sáng nay 24/9, cáo trạng của Viện KSND TP HCM cũng nêu rõ không thể làm rõ số tiền 14,1 tỷ đồng chi “hoa hồng” cho ai?