Đêm buông, nhiệt độ giảm, màn sương mờ che khuất từng con đường, người vô gia cư ở Hà Nội bắt đầu “ổn định” sau một ngày mưu sinh. Họ không ước có một mái nhà hay những bộ áo mới. Họ cho đó là xa xỉ. Tết hạnh phúc, đơn giản là có chiếc bánh chưng, đôi tất mới cùng vài ba bộ quần áo thừa.
Có ai đó từng nói, nghĩ về Hà Nội, họ hay nhớ đến một thành phố không ngủ, một thành phố mà về đêm, luôn đông vui và lấp lánh ánh đèn từ các chung cư cao tầng, từ các nhà hàng sang trọng và những con phố sầm uất… Nhưng ít ai biết, “Hà Nội không ngủ” còn dành để nói về những người vô gia cư lấy vỉa hè làm giường, đường phố là nhà.
Người vô gia cư ở Hà Nội rất nhiều, thường sống theo nhóm nhỏ hoặc đơn côi. Phần lớn họ tập trung ở khu vực phố cổ, chợ Đồng Xuân hay “xóm ngụ cư” Long Biên. Ban ngày, họ hoà vào dòng người mưu sinh trên phố. Tối đến, thành phố lên đèn, họ tìm về những mái hiên, vệ đường nghỉ ngơi. Không nhà, không người thân, không tình thương, trời Hà Nội những ngày này rét mướt vô cùng, những đêm đông của người vô gia cư trở thành “những đêm không ngủ”.
Phận người vô gia cư ngủ đường ngủ chợ ở Hà Nội.
Phận người vô gia cư khắp đường phố Hà Nội: Chúng tôi cũng có một cái Tết như bao người khác. Thực hiện: Minh Nhân.
Tết đến sớm với những phận đời trên hè phố Hà Nội
Hàng tuần, 23h ngày cuối tuần, đoàn tình nguyện của Ấm bắt đầu lên đường tìm kiếm những người vô gia cư. Thời điểm này, họ đã tạm “ổn định” chỗ ở và nghỉ ngơi sau một ngày dài mưu sinh. Nhóm “Ấm” được thành lập bởi chị Nguyễn Hoàng Thảo (SN 1985, hiện là giảng viên tiếng Nhật của trường Đại học Hà Nội). Ban đầu, Ấm chỉ có vài ba thành viên là bạn bè của Thảo tự quyên góp quần áo, tiền rồi mua thức ăn, tìm đến các khu chợ, gầm cầu tặng cho người vô gia cư.
Nhưng càng đi lại càng chứng kiến ngoài kia có quá nhiều những người bất hạnh, Thảo đã kêu gọi mọi người qua facebook ủng hộ quần áo ấm, thức ăn… để làm từ thiện. Cứ như vậy cho đến nay số thành viên ngày càng đông đảo. Hiện, nhóm được “lãnh đạo” bởi bạn Vũ Trung Anh (SN 1992), với khát vọng những hành trình thiện nguyện của nhóm sẽ diễn ra một cách có ý nghĩa nhất.
Nhóm tình nguyện tổ chức gói bánh chưng trao tặng người vô gia cư.
Mọi hoạt động gói bánh, luộc bánh được tiến hành tỉ mỉ và hết sức cẩn thận.
Từ các bạn trẻ tới người già đều tham gia hoạt động ý nghĩa vì những người vô gia cư.
Ngoài bánh chưng, Ấm còn chuẩn bị thêm các nhu yếu phẩm khác.
Với thông điệp mang đến một cái Tết sớm ấm áp, Ấm đã tổ chức gói bánh chưng rồi trao tặng những phận người lang thang cơ nhỡ. Đi kèm với bánh chưng còn có mứt kẹo, áo mưa, và đặc biệt không thể thiếu phong bao lì xì để vẹn nguyên không khí Tết. Dù là ai đi chăng nữa, hoàn cảnh thiếu thốn ra làm sao, họ vẫn xứng đáng có một cái Tết đủ đầy.
Tối thứ 7 (19/01), Ấm thắp lửa hành trình san sẻ yêu thương với người vô gia cư. Khác với các nhóm khác, Ấm chọn cách lắng nghe họ nhiều hơn. Họ mong muốn gì, thiếu thốn gì, cứ nói với Ấm, các bạn tình nguyện viên sẽ trao tặng đúng thứ đó, chủ yếu là thuốc men, quần áo và thức ăn.
Đến với những người vô gia cư, chúng tôi hiểu họ có một sự tự ti nhất định mà khi tiếp xúc, tránh để họ cảm thấy mặc cảm, xấu hổ. Dưới cái lạnh cắt da cắt thịt của Hà Nội khi đêm xuống, họ chỉ cần một bát cháo nóng hay một ổ bánh mì thịt, cũng đủ vui đến tận ngày hôm sau.
Với những người vô gia cư, hạnh phúc đôi khi giản đơn lắm.
Những gói quà được bọc trong từng túi nilon.
Trước khi lên đường, họ gửi trao những nụ cười lạc quan, cũng là cách truyền niềm tin và sự hy vọng cho những phận người nghèo khổ.
“Tôi cũng có một cái Tết như bao người khác”
Trên hành trình mang Tết sớm đến với người lang thang, chúng tôi gặp một cụ ông tóc đã ngả bạc. Cụ tên Nguyễn Văn Hùng, làm nghề bơm xe dạo 20 năm nay, thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Đông này, cụ mặc chưa đủ ấm, ăn chưa đủ no, chân tay lại yếu. Trời về đêm lạnh buốt, chỗ nào tiện thì cụ ngả lưng. Nhiều đêm, giấc ngủ với cụ không thể tròn trịa.
“Bên ngoài thấy người ta sắm Tết, tôi cũng buồn lắm vì không có người thân, không có tiền để mà mua. Khó khăn như vậy, nhưng được tặng bánh chưng tôi vui lắm. Trời rét cũng cảm thấy ấm lòng. Tôi tuy nghèo, nhưng cũng có cái Tết như bao người khác” – cụ Hùng tâm sự.
Nguyễn Đình Chiểu là con phố ông Hùng mở “tiệm” sửa xe, cả gia tài chỉ có con xe đạp cà tàng và chiếc bơm. Cụ Hùng kể đã mấy năm rồi ông không được về quê đón tết, vì phải ở lại kiếm thêm chút đỉnh ra năm lấy tiền thuốc thang.
Cụ Hùng ngồi nghỉ nơi vỉa hè quen thuộc.
Cụ cười hạnh phúc khi nhận được phần quà Tết.
Hàng đêm, có một cụ bà đau chân vẫn đứng đợi Ấm dọc đường ở quận Hoàn Kiếm. Bàn chân bà sưng to, đi lại khó khăn. Ấy thế mà, bằng một bên chân, bà vẫn lóc cóc đạp xe đi khắp Hà Nội nhặt ve chai. Tối đến, bạ đâu thì ngủ đấy, chẳng có nhà cửa gì. Mỗi khi được tặng manh áo mới, bà vui lắm, thử ngay xem có vừa không.
Bà Thoa (tên nhân vật đã thay đổi), 52 tuổi, người Hà Nội gốc, lụi hụi vén cổ chân lên cho chúng tôi nhìn vết thương. Sưng vù và được băng bó tạm bợ, dễ nhiễm trùng. Bà không dám tới bệnh viện thăm khám, vì không có tiền. Sống với cái chân sưng như thế, âu cũng quá quen thuộc với bà thời gian qua. Bà Thoa từng kể, vì bị con cái đánh đập nên phải bỏ nhà ra đi, tự kiếm kế mưu sinh trên đường phố. Cái chân đau là do bị xe máy tông, trên đường đến chợ đêm Long Biên nhặt nhạnh đồng nát.
Nhắc đến đây, bà cúi gằm mặt, lạc giọng. Bà cố giấu những giọt nước mắt trước ánh nhìn của chúng tôi.
“Tôi cũng từng có gia đình hạnh phúc như bao người khác, nhưng rồi niềm vui thật ngắn ngủi, đành phải sống đầu đường xó chợ như vầy” – bà nghẹn giọng.
Một bên chân đau của bà Thoa.
Bà kể, đời bà nhiều thăng trầm. Đến khi già một thân một mình mưu sinh qua ngày.
Bàn chân đau được băng bó tạm bợ.
Ấm cùng nhóm chúng tôi di chuyển tới gầm cầu Chương Dương, nơi tập trung của hàng trăm người vô gia cư. Họ lấy mấy thanh sắt dưới chân cầu làm “móng nhà” rồi mắc tạm vài cái bạt, trải ra là thành cái giường. Vài ba tấm nilon được dùng để làm “mái”, chở che họ trước ánh nhìn của người đi đường. Chủ yếu ở chân cầu này, là những người phụ nữ 60 – 70 tuổi, làm nghề nhặt rác, nhặt ve chai.
“Cuộc sống không cho phép chúng tôi có một căn nhà tử tế, phải sống nhờ cậy vào tình thương của người đời. Sức yếu dần, chỉ mong sống đến lúc nào hay lúc đó. Được tặng bánh chưng, cũng coi như có cái Tết rồi” – một cụ bà hoan hỉ nói.
Mong ước của cụ Hùng, bà Thoa và những phận đời vô gia cư khác, không phải một mái nhà hay những bộ áo mới. Họ cho đó là xa xỉ. Đơn giản thôi, mong rằng đêm xuống mưa bé, trời bớt lạnh, để có giấc ngủ trọn vẹn. Chẳng ai rõ ngày sau sẽ ra sao, nhưng cứ phải sống hết mình cho hôm nay cái đã. Với nhiều người lang thang cơ nhỡ, Tết hạnh phúc là khi có chiếc bánh chưng, đôi tất mới cùng vài ba bộ quần áo thừa.
Với họ, vỉa hè là giường, đường phố là nhà.
Ánh mắt của cụ bà lang thang khiến chúng ta nhiều suy ngẫm.
Ông cụ dừng chiếc xe đạp bên tường, nhẹ nhàng lấy bát cháo nóng vừa được tặng, chậm rãi ngồi xuống húp lấy húp để. Trời lạnh, cháo cũng dễ nguội lắm.
Tuy nhiên, dẫu sao cũng phải cười vì đâu ai biết ngày mai như nào!