Trong những “nhà tù mở” của Phần Lan, có những tù nhân đang ngồi trước màn hình máy tính, nhận công việc dán nhãn dữ liệu nặng nhọc.
Khi vào tù, đa số người sẽ tham gia vào các chương trình cải tạo riêng, thông thường sẽ là các hoạt động đào tạo nghề nghiệp liên quan tới thể chất. Nhưng ở đất nước Phần Lan xa xôi, các tù nhân đang tham gia những khóa đào tạo đặc biệt: họ đang giúp huấn luyện thuật toán trí tuệ nhân tạo cho một startup trong nước.
Vainu, công ty sử dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng cơ sở dữ liệu, kết hợp với những nhà tù Phần Lan để mở những lớp cải tạo tù nhân, dạy cho họ những kỹ năng đầy giá trị trong thời đại số. Nhiều chuyên gia khác phân tích rằng những động thái này cho thấy kỳ vọng xoay quanh tương lai của AI lớn nhường nào.
Startup tới từ Phần Lan đang nung nấu ý định xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, cho các công ty trên toàn thế giới nhằm tăng tốc quá trình tìm nhà đầu tư hay những hợp đồng lớn. Để có thể làm tốt công việc này, một người phải đọc hàng trăm ngàn bài báo liên quan tới ngành muốn đầu tư. Phải phân biệt rõ một bài báo nói về Apple là về hãng sản xuất iPhone, hay một chuỗi cửa hàng bán hoa quả nào đó. Phải có được những dữ liệu này trước mới có thể huấn luyện được thuật toán, ứng dụng được vào cơ sở dữ liệu.
Đọc báo tiếng Anh thì dễ: Vainu chỉ cần cấp cho những người làm việc một tài khoản Amazon Mechanical Turk, một trang web cho phép các doanh nghiệp giao việc cho lao động và ngược lại, cho một người lao động tìm kiếm việc làm, những việc máy móc hiện tại không làm được. Thế nhưng Mechanical Turk có điểm yếu.
“Nó không thiết thực chút nào khi chúng tôi muốn làm việc với ngôn ngữ Phần Lan”, Tuomas Rasila, đồng sáng lập Vainu cho hay. Startup này chỉ có đúng một nhân viên tập sự giữ trách nhiệm dán nhãn những dữ liệu mang ngôn ngữ Phần Lan, quá ít so với lượng dữ liệu khổng lồ.
May mắn thay, Vainu nằm chung một tòa nhà với ban quản lý Cơ quan Chế tài Tội phạm (CSA), tổ chức quản lý mọi nhà tù tại Phần Lan. Ý tưởng ngay lập tức đến với những nhà sáng lập Vainu: họ có thể sử dụng lao động từ chính những nhà tù trong nước.
Quang cảnh một trong những nhà tù mở của Phần Lan.
Giai đoạn hợp tác mới chỉ bắt đầu từ cuối năm ngoái, nhưng đã có những dấu hiệu khả quan; Vainu hiện đã hợp tác được với hai nhà tù, một tại Helsinki và một tại Turku. Họ đưa tới hai nhà tù trên 10 bộ máy tính, trả công cho CSA dựa trên những lượng dữ liệu mà tù nhân đã dán nhãn thành công. Với tư cách đơn vị quản lý, CSA lãnh trách nhiệm phát lương cho tù nhân cũng như chọn ra những cá nhân có khả năng sử dụng máy tính để nhận việc.
Nếu như bạn chưa rõ, cơ chế quản lý nhà tù ở Phần Lan thuộc hàng tiên tiến nhất thế giới, không phải về khía cạnh an ninh đặc biệt hiện đại, mà về các chính sách áp lên tù nhân. Khoảng ⅓ nhà tù ở Phần Lan được gọi là “nhà giam mở”, cho phép phạm nhân sống và làm việc như những công dân bình thường. Quản giáo yêu cầu tù nhân làm việc hay tham gia các lớp cải tạo, thậm chí có những người tù được phép làm việc ngoài nhà giam.
Theo lời Rasila, quản giáo nhà tù cũng rất hứng khởi với dự án này, bởi lẽ phạm nhân chỉ cần một chiếc laptop là có thể hoàn thành công việc cho Vainu. “Không hề có nguy cơ bạo lực”, Rasila nói, thêm rằng không giống những công việc chân tay khác, môi trường làm việc với máy tính không chút nguy hiểm. Theo Rasila ước tính, vài tiếng mỗi ngày, khoảng gần 100 phạm nhân làm việc cho dự án của Vainu.
Thời điểm hiện tại, Vainu và CSA đã thỏa thuận hợp đồng hàng năm, dựa trên một danh sách những công việc cụ thể. Đội ngũ Vainu mong muốn mở rộng quy mô ra những vùng Phần Lan khác, thậm chí vươn ra nước ngoài, những nước cũng có ngôn ngữ bản địa khó xử lý như Phần Lan. Với họ, đây sẽ là một mũi tên trúng hai đích: những phạm nhân có thể kiếm thêm thu nhập, bên cạnh đó “điểm khiến dự án đặc biệt là nhu cầu huấn luyện thuật toán cho AI rất cao, có khắp nơi trên thế giới”.
CSA cũng có tuyên bố tương tự, gọi chương trình này là những hoạt động hướng dẫn tù nhân phát triển những kỹ năng “thiết yếu cho môi trường công việc hiện đại”. Họ gọi đây là “cơ hội cho tù nhân có được công việc khiến họ cảm thấy mình có khả năng cống hiến”.
Dù Rasila nói rằng đây sẽ là một kỹ năng có thể sẽ hữu dụng trong tương lai, anh cũng thừa nhận công việc này “không có đường cong học tập” – thuật ngữ thể hiện quá trình rèn luyện để có được kỹ năng cần có. Công việc chỉ yêu cầu người thực hiện biết chữ, nên có thể thấy nhiều người coi đây là công việc ít tương lai.
Công việc dạng này thường “mang xu hướng học vẹt, cấp thấp và lặp đi lặp lại nhiều”, theo lời phân tích của Sarah T. Roberts, giáo sư khoa học thông tin tại Đại học California. Thực hiện tốt công việc không cần kỹ năng cao, và nếu một nhà nghiên cứu từ đại học sử dụng nhân lực là các phạm nhân, nhiều khả năng việc này sẽ ảnh hưởng tới những hồ sơ tương lai.