‘Phải có chính sách để hội tụ trí tuệ và lan tỏa lợi ích đổi mới sáng tạo Việt Nam’

Đến thăm và làm việc với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia – NIC (Bộ KH&ĐT), chiều 4/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải có chính sách để NIC thực sự là nơi hội tụ trí tuệ, không kể biên giới, khoảng cách, tuổi tác. Từ đó tạo ra nguồn lực để tiếp tục lan toả và phát triển…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại buổi làm việc, ông Vũ Quốc Huy – Giám đốc NIC cho biết, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động (theo Quyết định 1269/QĐ-TTg, ngày 2/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ), NIC đã cơ bản hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) với 3 trụ cột chính: Nhà nước – Viện trường – doanh nghiệp (DN) và các chủ thể liên quan bao gồm: Các trung tâm hỗ trợ, ươm tạo ĐMST; Các mạng lưới chuyên gia, trí thức, cố vấn; Các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính.

Đến nay, NIC đã có các đối tác lớn và quan trọng như: Các tập đoàn công nghệ Viettel, FPT, Google, Meta, Amazon, Hitachi, CMC; Các viện nghiên cứu, trường đại học lớn trong nước, quốc tế; Các trung tâm khoa học công nghệ, ĐMST tại các nước như: Station F (Pháp); Brainport (Hà Lan); IMEC, Hub.brussels (Bỉ); Adlershof (Đức)… cùng gần 200 quỹ đầu tư trong nước và quốc tế đã tham gia hệ sinh thái.

NIC cũng đã hình thành và phát triển Mạng lưới ĐMST Việt Nam với gần 1.600 chuyên gia, trí thức người Việt đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ, các viện-trường hàng đầu trên thế giới. Hiện NIC đã phát triển 8 mạng lưới thành phần tại: Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, châu Âu và 2 Mạng lưới tại Mỹ.

Mặc dù mới đi vào hoạt động, NIC đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DN ĐMST, đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực về ĐMST tại các viện-trường, địa phương…

Chia sẻ những khó khăn trong hoạt động, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết, Nghị định 94/2020/NĐ-CP được ban hành năm 2020 đến nay cơ bản vẫn mang tính chất quy định khung về hỗ trợ, ưu đãi cho Trung tâm và các DN, đối tác, chuyên gia… Tuy nhiên, theo kiến nghị của đối tác, DN thì cần sớm sửa đổi, bổ sung nghị định này để cụ thể hoá các quy định về ưu đãi đầu tư, các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt cho các đối tượng tại Nghị định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm công trường dự án NIC tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm công trường dự án NIC tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, các văn bản pháp lý ưu đãi về thuế, tài chính chưa đồng bộ hoặc thiếu, hoặc chưa cụ thể về ưu đãi đối với các trung tâm ĐMST, các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, do đó chưa phát huy được các nguyên tắc ưu đãi đầu tư cho ĐMST tại Luật Đầu tư.

Ấn tượng với các kết quả mà NIC đã đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ ông đã trăn trở về việc Việt Nam đã triển khai ĐMST nhiều năm nhưng chưa đến đích.

“Hiện tại, yếu tố thuận lợi là Đại hội Đảng XIII đã xác định rõ ràng rằng phát triển đất nước bền vững dựa trên khoa học công nghệ và ĐMST. Đây là đường hướng đúng đắn và đúng với Nghị quyết Đại hội đảng XIII nên chúng ta cần tiếp tục thể chế hoá, cụ thể hoá và tiến hành thành công”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo.

Về khó khăn liên quan đến Nghị định 94/2022/NĐ-CP, Thủ tướng nhấn mạnh, rất cần các văn bản pháp lý cho hoạt động ĐMST.

“Hiện đã có Nghị định 94/2022/NĐ-CP thì tiếp tục rà soát, sửa đổi. Nếu mất nhiều thời gian, có thể ban hành Nghị quyết. Làm sao để nghị quyết ngắn gọn, giải quyết được vấn đề. Làm đến đâu có thể sửa đổi đến đó, không ngại gì…”, Thủ tướng nêu rõ.

Đồng thời, Người đứng đầu Chính phủ lưu ý 6 nhiệm vụ mà Bộ KH&ĐT và các bên liên quan cần triển khai:

 

Thứ nhất, cần chính sách hội tụ được trí tuệ, kêu gọi được nguồn nhân lực chất lượng cao không phân biệt giới tính, tuổi tác, biên giới, sắc tộc.

Thứ hai, tạo ra hệ sinh thái các nhà khoa học, tổ chức khoa học, trường đại học, trung tâm nghiên cứu, tổ chức công nghệ… Các bộ ngành, các địa phương cần phối hợp, việc này Bộ KH&ĐT có thể chủ trì;

Thứ ba, phải hỗ trợ các nhà ĐMST, tổ chức khởi nghiệp… Phải có cơ chế chính sách để ngay cả những khu vực xa xôi vẫn có cơ hội để được đào tạo bài bản và có cơ chế để thu hút nguồn lực. Điều này đòi hỏi phải có quỹ hỗ trợ…:

Thứ tư, lựa chọn cách thức, mô hình phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam, từ đó phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách cũng như trang bị cơ sở vật chất;

Thứ năm, giao Bộ Tài chính phối hợp Bộ KH&ĐT hình thành quỹ, làm sao triển khai nhanh chóng như quỹ vaccine, hình thành nhanh, quản lý hiệu quả, minh bạch. Phải có vốn mồi, có cơ chế ưu tiên nguồn lực để sinh ra nguồn lực, đầu tư phát triển, phải hỗ trợ các nhà ĐMST, startup, các vườn ươm, tổ chức…;

Thứ sáu, cần có sự phối hợp của các bộ ngành, địa phương để hoàn thiện hệ sinh thái, phát triển nguồn lực ĐMST.

“NIC phải là nơi hội tụ trí tuệ, không kể biên giới, khoảng cách, tuổi tác. Từ đó tạo ra nguồn lực để tiếp tục lan toả và phát triển. Tinh thần chung là hình thành trung tâm để hội tụ trí tuệ và lan toả lợi ích”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, Việt Nam đang là quốc gia đầu tiên có mô hình trung tâm ĐMST cấp quốc gia.

Để tiếp tục phát triển mạng lưới, Bộ trưởng cho rằng, cần môi trường thu hút nhân tài và cơ chế triển khai. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành cùng chung sức và Bộ KH&ĐT sẽ là đầu mối nghiên cứu phối hợp, thực hiện.