Phá băng nhóm xã hội đen cho vay nặng lãi, bắt chặt tay nếu vi phạm quy chế

Ảnh minh hoạ.

Công an Thanh Hoá vừa triệt xoá một tổ chức tín dụng đen hoạt động cho vay nặng lãi và xã hội đen khi tra tấn nhân viên hoặc dùng biện pháp vũ lực để đòi nợ.

Ngày 29/11, Công an tỉnh Thanh Hoá tổ chức hội nghị thông báo kết quả điều tra ban đầu chuyên án triệt xóa tổ chức tín dụng đen hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Trước đó, hồi tháng 7/2018, nạn nhân Nguyễn Văn Minh (SN 1999, trú tỉnh Bắc Giang) được đưa vào Bệnh viện Thanh Hoá cấp cứu nhưng đã tử vong.

Công an Thanh Hoá vào cuộc làm rõ nạn nhân Minh là nhân viên “Công ty tài chính Nam Long” có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh.

Từ tháng 4/2018, anh Minh làm việc cho công ty này với nhiệm vụ đi thu tiền nợ mà khách vay của “Công ty tài chính Nam Long” về nộp cho công ty.

Tháng 7/2018, Minh đi thu tiền nợ của khách nhưng về không nộp cho công ty. Mình còn cầm cố 1 chiếc xe máy lấy 20 triệu tiêu xài rồi bỏ trốn. Lãnh đạo công ty Nam Long sau đó cho đàn em đến đòi tiền và bắt Minh để hành hạ.

Phá băng nhóm xã hội đen cho vay nặng lãi, bắt chặt tay nếu vi phạm quy chế - Ảnh 1.

Các đối tượng trong công ty Nam Long bị bắt giữ. (Ảnh Công an cung cấp).

Minh liên tục bị nhân viên của công ty Nam Long đánh đập, hành hạ như thời trung cổ, bắt chọn ăn 1 bát cơm và 1 bát chất thải bẩn.

Quá trình điều tra cho thấy đây là vụ án nghiêm trọng có liên quan đến tội phạm hoạt động có tổ chức, hoạt động tín dụng đen phạm vi rộng. Công an Thanh Hóa sau đó đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo xác lập chuyên án, thành lập Ban chuyên án.

Sau 4 tháng tổ chức điều tra, Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã quyết định khởi tố vụ án hình sự cố ý gây thương tích, giữ người trái pháp luật, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự với Công ty Nam Long.

Tổ chức tín dụng này được xác định do Nguyễn Đức Thành (SN 1988, trú TP. HCM) cầm đầu. Hiện Công an đã bắt tạm giam 4 tháng với 7 bị can và truy nã 2 bị can.

Kết quả điều tra cho thấy, Thành cùng Thắng thành lập công ty chung lấy tên là Công ty Nam Long. Tuy nhiên công ty không đăng ký kinh doanh mà đặt trụ sở tại TP. HCM.

Công ty này hoạt động kinh doanh cho vay tài chính dưới các hình thức hợp đồng trả góp trong thời hạn 41-51 ngày, mỗi ngày, người vay phải trả tiền gốc và lãi là 3% hoặc 2,5% tổng số tiền vay; ngoài ra còn hợp đồng “lãi đứng” với mức lãi từ 15-30%/ngày.

Bộ máy của tổ chức tín dụng đen Nam Long có 26 chi nhánh ở 63 tỉnh thành phố trên cả nước. Mỗi chi nhánh phụ trách 2-5 tỉnh và do 1 người quản lý.

Tính đến thời điểm bị phát hiện, đã có hơn 200 khách hàng bị dính bẫy tín dụng đen của công ty này và tổng số tiền giao dịch là hơn 510 tỉ đồng.

Công ty Nam Long đưa ra quy chế nghiêm ngặt, huấn luyện nhân viên bằng các giáo án thẩm định, đưa ra cách xử lý tình huống đòi nợ khi gặp khách hàng chống trả. Hay quy chế khắt khe giữa nhân viên với công ty với mức phạt từ 50-100 triệu đồng nếu phá hợp đồng, tự chặt tay nếu vi phạm quy chế.

Mặc dù quy chế Công ty được xây dựng theo hướng không dùng bạo lực để đòi nợ nhưng thực tế lại khác và sẵn sàng dùng bạo lực, gây rối để thu hồi nợ của khách hàng.

Cũng chính vì quy chế khắt khe này dẫn đến cái chết của nạn nhân Trần Văn Minh vào hồi tháng 7/2018 vừa qua tại Thanh Hoá.

Hiện cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, truy nã 2 bị can Nguyễn Cao Thắng (34 tuổi) và Trần Hồng Phong (33 tuổi) trú ở TP. HCM liên quan đến băng nhóm tín dụng đen này.