Câu chuyện về thực phẩm an toàn, tươi, ngon là vấn đề đau đầu của bà nội trợ hiện nay, khi mà rau tồn dư hoá chất, thịt nuôi tăng trọng…
Dưới đây, PGS.TS.BS Trần Đình Toán, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng, Uỷ viên Hội đồng dinh dưỡng và thuốc Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ươngchia sẻ, bí quyết chọn rau, củ, quả, thịt, cá tươi ngon và an toàn.
1. Cách chọn rau tươi
– Hình dạng bên ngoài: còn nguyên vẹn, lành lặn, không dập nát trầy, thâm nhũ ở núm cuống, cảnh giác với rau quá mập, non mướt.
– Màu sắc: Có màu sắc tự nhiên của rau quả, không úa, héo. Chú ý các loại quả có màu sắc bất thường.
– Sờ – nắn: Cảm giác nặng tay, đòn chắc. Chú ý cảm giác nhẹ bổng của một số rau xanh phun quá nhiều chất kích thích sinh trưởng và hóa chất bảo vệ thực vật
– Không dính chất lạ: Rất nhiều rau quả có dính chất bảo vệ thực vật trên lá, cuống lá, núm quả, cuống quả… có các vết lấm tấm hoặc vết trắng.
– Mùi: Không có mùi lạ. Nếu lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư sẽ có mùi hắc
– Với quả: Có một số loại được ngâm tẩm chất bảo quản độc hại, nhìn ngoài vẫn có màu tươi đẹp, nhưng cuống hoặc thân nhũn hoặc dính hóa chất bảo vệ thực vật khi bổ ra hoặc khi bóc vỏ thấy biến màu giữ lớp vỏ và thịt.
Khi chọn quả phải xem cuống, ảnh minh hoạ.
2. Cách chọn thịt lợn
– Thịt lợn tươi trạng thái bên ngoài: Màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đổ sẫm, óng ả; Mỡ lợn có màu sắc, độ rắn, mùi vị bình thường; Mặt khớp láng và trong; Dịch hoạt trong.
– Vết cắt thịt lợn: màu sắc bình thường, sáng, khô.
– Độ rắn và đàn hồi: Rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính.
– Tuỷ: bám chặt vào thành ống tuỷ, màu trong, đàn hồi
– Nước canh: Nước luộc thịt trong, mùi vị thơm ngon, trên mặt có nổi một lớp mỡ với vết mỡ to.
Phân biệt thịt bơm nước: Thịt nạc sẽ có màu hồng nhạt hoặc lẫn trắng, nước từ miếng thịt rỉ ra, cầm thịt không dính tay.
Chú ý thịt lợn bị bệnh
Lợn bị thương hàn: da có những nốt bầm hoặc lấm tấm xuất huyết, thịt nhão, tai lợn bị tím.
Lợn bị tả: nốt xuất huyết làm dưới da hoặc trên vành tai lấm tấm như muỗi đốt
Lợn bị tụ huyết trùng: thịt có mảng bầm, tụ máu
Lợn bị viêm gan: thịt có màu vàng
Lợn có sán: Ấu trùng thường nằm trong lưỡi, cơ nhai, cơ cổ, cơ lưng, cơ sườn, cơ tim, kén sán có màu trắng đục to bằng hạt đậu tương
Giun xoắn: kén nằm trong thớ thịt, hình quả trám, chiều dài của kén nằm song song với thớ thịt
Thịt lợn kém tươi và ôi
Màu thịt hơi xanh nhạt hoặc hơn thâm, thậm chí còn bị đen, không bóng; Màng ngoài nhớt nhiều hay bắt đầu nhớt; Mỡ lợn tối màu, độ rắn giảm, có mùi; Mặt khớp có nhiều nhớt; Dịch hoạt đục…
3. Cách chọn cá
– Thân cá: co cứng, để trên bàn tay không thõng xuống; cá kém tươi có dấu hiện phân giải, để trên bàn tay quằn xuống dễ dàng; cá ươn có dấu hiệu lên men thối, để trên bàn tay quằn xuống dễ dàng.
– Mắt cá: Nhãn cầu lồi, trong suốt, giác mạc đàn hồi; cá kém tươi nhãn cầu không lồi, giác mạc nhăn nheo, hơi đục; cá ươn nhãn cầu lõm, khô, giác mạc nhăn nheo hoặc rách, mắt thụt vẩn đục.
– Miệng cá: Ngậm cứng, nhìn còn rõ nét; cá kém tươi miệng hở; cá ươn miệng mở hẳn.
– Mang: kép chặt, đỏ tươi, không có nhớt và không có mùi hôi; cá kém tươi mang dính không chặt vào hoa khế, màu bắt đầu xám, có nhớt và có mùi; cá ươn mang có nhớt bẩn có mùi hôi, màu nhợt nhạt.
– Vảy: tươi óng dính chặt, không có dịch hoặc có ít, màu trong không mùi; cá kém tươi vảy không sáng, có niêm dịch đục mùi hôi; cá ươn vẩy mờ, dễ tróc vảy, có niêm dịch bẩn, có mùi, vảy bong từng mảng…
– Bụng: bình thường không phồng; cá kém tươi bệnh hơi phình; cá ươn bụng phình to.
– Hậu môn: Thịt sâu, trắng nhạt; cá kém tươi lồi, màu hồng; cá ươn lồi, đỏ bẩn.
– Thịt: Rắn chắc, có đàn hồi, dính chặt vào xương sống; cá kém tươi mềm, vết ngón tay ấn vào nảy ra rất chậm, còn dính vào xương sống; cá ươn thịt mềm nhũn, vết ấn ngón tay giữ nguyên, thịt tróc khỏi xương dễ dàng.