30 năm qua PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức đã sống chung với căn bệnh tiểu đường và lúc cuối đời lại phải chiến đấu với căn bệnh ung thư.
Ung thư chỉ là bệnh, có bệnh thì phải điều trị sao phải sợ
Ở cái tuổi xưa nay hiếm 87 tuổi, PGS.TS Nguyễn Hoài Đức vẫn có thể ngồi đọc báo và nghiên cứu khoa học khiến cho mọi người phải ngưỡng mộ. Theo dự kiến của PGS Hoài Đức sẽ in ấn xuất bản cuốn sách chuyên môn giáo dục về sức khỏe sinh sản vị thành viên trong năm nay.
Nhìn cái cách mà PGS Hoài Đức say mê ngồi nghiên cứu, không ai nghĩ bà đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn muộn. Bản thân là người có chuyên môn sâu về sản khoa và cũng rất quan tâm tới sức khỏe PGS Hoài Đức không ngờ lại bị mắc căn bệnh ung thư liên quan tới chuyên ngành sản khoa.
87 tuổi PGS.TS Hoài Đức kiên cường chiếu đấu ung thư.
Chia sẻ về nguyên nhân phát hiện bệnh muộn, PGS Hoài Đức cho rằng, do thời gian căn bệnh ung thư âm thầm phát triển cũng đúng thời điểm đó bà chăm sóc chồng ốm nên bà không để ý tới sức khỏe của mình. Vào tháng 7/2016, chồng PGS Hoài Đức mất. Sự ra đi của chồng là một stress quá lớn có thể là nguyên nhân phát triển căn bệnh ung thư nhanh.
PGS Hoài Đức cảm thấy đau bụng đã đi khám tiêu hóa và cắt polyp dạ dày. Tuy nhiên, sau khi cắt polyp bà vẫn có dấu hiệu đau bụng dưới PGS Hoài Đức đã đi chụp CT và phát hiện ra 2 khối u ở hố chậu trái và phải. Tại bệnh viện Phụ sản Trung ương nơi bà từng công tác các bác sĩ chẩn đoán bà mắc ung thư buồng trứng giai đoạn muộn.
“Là bác sĩ trong nghề sản khoa tôi chưa bao giờ nghĩ tới mình mắc ung thư buồng trứng. Khi biết mình bị mắc ung thư tôi rất bất ngờ, nhưng tôi không buồn. Tôi biết ung thư cũng chỉ là bệnh, bệnh này có thể chữa được nên tôi đã không lo sợ. Tôi cũng đã già, ít ra cũng có một căn bệnh mắc phải để ra đi cho xứng đáng“, PGS Hoài Đức chia sẻ.
Mắc ung thư buồng trứng giai đoạn muộn ở tuổi đã ngoài 80, nhưng PGS Hoài Đức đã kiên trì chiến đấu với bệnh tật. Ngay sau khi biết mình bị mắc bệnh PGS Hoài Đức đã sang Thái Lan khám và làm các xét nghiệm cần thiết, thời điểm đó kết quả ung thư đã di căn có dịch trong ổ bụng.
“Sau đó tôi đã quay trở về Việt Nam điều trị tại Bệnh viện phụ sản Trung ương và được học trò của mình tận tình điều trị. Tháng 11/2017, sau một năm hóa trị khối u hai bên hố chậu đã hết sức khỏe hoàn toàn bình thường.
Đến 5/2018 lại có khối u tiến phát triển trở lại, và tôi lại tiếp tục bước vào cuộc chiến với bệnh tật”.
Bí quyết sống chung với bệnh tật
PGS Hoài Đức tâm sự, từ nhỏ bà đã là một đứa trẻ rất cá tính, nghịch gợm như con trai. Thời con nhỏ bà chỉ ham chơi mà không chăm chú học hành nên thường bị mẹ bà chê là “đồ vô tích sự”. Bà đã chịu không ít những trận đòn roi từ mẹ do quá nghịch và ham vui như vẫn gan lì khiến mẹ bà phải thốt lên “đúng là đồ cóc tía”.
Có thể chính cá tính mạnh, sự gan lì vẫn theo bà từ nhỏ cho tới lúc già. Đừng trước bệnh tật bà không hề sợ hãi.
PGS Hoài Đức cho biết, cuộc đời bà đã trải qua rất nhiều thăng trầm, đi qua giai đoạn ác liệt nhất của thời kỳ chiến tranh cho nên bà không hề sợ chết. Dù mắc bệnh bà đã xác định tâm lý sẵn sàng điều trị và rất lạc quan.
PGS Đức đọc sách mà không cần phải dùng tới kính.
Với tư tưởng sinh có hạn, tử bất kỳ cho nên bà xác định sống chỉ là vui tuổi già, thanh thản ra đi.
“Mắc căn bệnh tiểu đường đã 30 năm nay tôi vẫn chung sống hòa bình với nó. Nay vào lúc cuối đời mắc bệnh ung thư cũng như là một thử thách cuối cùng trong cuộc đời tôi.
Tôi là nhà chuyên môn cho nên tôi hiểu sức khỏe của mình như thế nào và có bệnh thì cần phải điều trị. Tôi chưa bao giờ có quan niệm trẻ thì cần điều trị, già mắc ung thư thì chịu chết.
Để có sức khỏe đầy lùi bệnh tật, PGS Hoài Đức đã chia nhỏ bữa ăn của mình ra làm 6 bữa (3 bữa chính và 3 bữa phụ). Trong mỗi bữa chính bà chỉ ăn 2 thìa cà phê cơm (do mắc bệnh tiểu đường), một lạng thịt cá và ăn nhiều rau xanh, hoa quả.
Với chế độ ăn này, mà 3 năm điều trị bệnh ung thư bà không hề gặp tác dụng phụ nào của thuốc, cân nặng không hề bị sụt giảm (duy trì cân nặng 55-57kg). Hiện nay, bà thường bị run chân tay là do biến chứng của bệnh tiểu đường chứ không phải là bệnh ung thư.
Ngoài ra, dù lớn tuổi nhưng PGS Hoài Đức vẫn duy trì thói quen vận động cơ thể. Vào mỗi buổi sáng, bà tập thể dục nhẹ nhàng quanh trong nhà.
PGS Hoài Đức cho biết thêm: “Ung thư không hề đánh sợ, nó cũng như các căn bệnh khác cũng có thuốc để điều trị. Đừng vội từ bỏ hy vọng khi y học vẫn có thể điều trị được”.