Sir Alex cất lời: “Chúng ta thắng rồi…”. Ông từ tốn: “Chúng ta thực sự đã chiến thắng. Thậm chí không cần đá trận này, chúng ta vẫn thắng”.
Như thường lệ, The Player Tribune là nơi các huyền thoại bóng đá, các danh thủ thể thao gửi gắm tâm sự, câu chuyện đời mình cùng những thông điệp đầy ý nghĩa đến với người hâm mộ, cũng như những người yêu thể thao trên toàn thế giới.
Rio Ferdinand đã có lá thư đầy xúc động gửi cho chính mình thời trẻ, Nemanja Vidic đã làm bao người đọc xúc động với tuổi thơ đầy bom đạn, kẻ giết người và đêm Moscow say khướt cùng chức vô địch Champions League 11 năm về trước.
Giờ đây, đến Patrice Evra – miếng ghép hoàn hảo cho hàng thủ đã giúp Man United một thời “làm mưa làm gió” châu Âu, kể lại câu chuyện về cuộc đời mình, về lý do “Tôi luôn yêu cuộc sống này”, về câu nói “sấm dậy” của Sir Alex đánh động tâm can tất cả các cầu thủ Quỷ đỏ ra sân trong trận chung kết Champions League huyền thoại năm ấy…
Cuộc đời của người chiến binh ấy không trải đầy cánh hoa hồng, nhưng chưa một ngày Patrice Evra than vãn. Thay vào đó, anh sống như thể mình có đủ mọi điều hạnh phúc nhất trên đời…
…Một năm sau, tôi gia nhập Monza ở Serie B, và mùa tiếp theo tôi đến Nice – lúc ấy chơi ở giải hạng Hai của Pháp. Ngày ấy tôi đang chơi tiền đạo, nhưng có một lần hậu vệ cánh trái dính chấn thương, HLV Sandro Salvioni bắt tôi đá thay vào đấy. Tôi điên tiết. Tôi gào lên: “Tôi không làm được đâu, tôi là tiền đạo cơ mà!”. Khốn nạn một điều là tôi lại đá rất hay ở vị trí đó. Một ngày, Salvioni nói với tôi: “Này Pat, cậu biết vì sao mình lại chơi tốt ở vị trí này không? Là bởi cậu ghét chơi ở đây”.
Ông ấy nói đúng. Đá hậu vệ trái, nhưng tôi nhao lên tấn công như điên mỗi khi có cơ hội, để chứng minh cho mọi người thấy rằng tôi là tiền đạo, chứ nào phải hậu vệ. Tôi trút sự tức giận với ông vào trận đấu, lên đầu các đối thủ. Sang mùa thứ hai, tôi lọt vào Đội hình xuất sắc nhất mùa giải và chúng tôi được thăng hạng. Tôi ký hợp đồng với Monaco – một trong số những CLB lớn nhất của Pháp. Tôi nhận được khoản lương khổng lồ đầu tiên.
Tôi mua cho mẹ một ngôi nhà.
Nhưng tôi vẫn phải đối mặt với quá nhiều thử thách. Cả thế giới nhìn vào khi tôi cùng Monaco lọt vào đến tận trận chung kết Champions League 2004. Nhưng điều điên rồ nhất tôi từng gặp ở Monaco là sau trận đấu chơi cho U21 Pháp. Tôi bị đối thủ giẫm mạnh vào chân, và chấn thương nặng. Trong bệnh viện, tôi thậm chí cực kỳ bi quan nói với HLV Didier Deschamp: “Đau chết mất. Tôi không đá được nữa đâu. Đến đi thậm chí còn chẳng nổi!”
Nhưng CLB cực kỳ cần sự có mặt của tôi, vì thế các bác sĩ làm mọi cách để xoa dịu cơn đau. Không ăn thua.
Cái khó ló cái khôn, ai đó trong ban huấn luyện buột mồm: “Sao cậu không dùng mẹo cũ nhỉ?”
Mọi người ngớ ra: “Là cái gì?”
Ông ấy bảo: “Lót một miếng thịt gà vào giày cậu ấy”
Nghe thì kỳ quặc thật, nhưng biết rồi đấy, tôi cực kỳ cởi mở. Vì thế tôi mò ra hàng thịt. Ông bán thịt hỏi: “Cậu cần gì?”
Tôi trả lời: “Một miếng thịt gà. Nhưng miếng nhỏ thôi ạ”
Ông hỏi lại: “Nhỏ ngần nào? Để làm gì?”
Tôi lại trả lời: “Để tôi đút nó vào giày”
Ông ấy cười sặc sụa. Nhưng rồi tôi cũng tung tẩy về nhà với miếng thịt trên tay. Tôi thửa một đôi giày mới: một chiếc cỡ 42,5, chiếc kia cỡ 44. Tôi thử chuyền bóng. Ô kìa. Cảm giác rất ổn. Vẫn đau. Nhưng ổn hơn nhiều. Cuối cùng, tôi đá bóng với miếng thịt gà trong giày suốt 4 tháng trời. Lúc tập luyện tôi đi giày bình thường – mẹ chắc sẽ không bao giờ tha thứ cho tôi vì tội lãng phí đồ ăn đâu – nhưng cứ đến trước trận đấu, là tôi lại ghé thăm ông hàng thịt.
“Chào buổi sáng, Patrice. Vẫn thế hử?”
Miếng thịt gà giúp tôi chơi tốt đến nỗi tháng Giêng năm 2006, Man United mua tôi.
Này, các bạn có nhớ trận ra mắt của tôi, trên sân của Man City không? Trận derby đại chiến. Trận đấu bắt đầu lúc 12g45, cái giờ chẳng mấy khi người Pháp lại lôi nhau ra đá bóng. Tôi chẳng biết phải ăn gì để chuẩn bị cho trận đấu. Tôi bèn ăn mỳ và đậu. Ăn xong, tôi thấy người không ổn. Tôi bị nôn. Tôi về phòng nằm, chẳng biết phải làm gì.
Hay là nói với Sir Alex rằng tôi bị ốm, không thể ra sân?
Không Patrice, không thể làm thế! Như thế sẽ trông rất mềm yếu và sợ sệt. Tôi phải đá.
Trên xe bus ra sân, tôi thấy chóng mặt. Trời nắng, và rất nóng. Ở Manchester. Tiến lên thôi… Tôi nhảy lên không chiến với Trevor Sinclair. BOOM! Một cái cùi chỏ nháng lửa vào giữa mặt tôi. Máu chảy lênh láng. Ý nghĩ lúc ấy trong đầu tôi bật ra thật nhanh: “Chúa ơi, những gã này nhanh quá, khỏe quá. Ở Monte Carlo, mọi thứ nhẹ nhàng hơn nhiều…”
Hết hiệp 1, chúng tôi thua 0-2. Sir Alex Ferguson giận phát điên. “Và CẬU, Patrice”, ông quát lớn. “Quá đủ cho cậu rồi! Ngồi xuống và nhìn, bởi vì cậu phải học đá bóng ở Anh”. Tôi cởi giày, quệt dòng máu vẫn đang rỉ ra. Chúng tôi thua 1-3. Tôi thực sự thất vọng.
Vài tháng sau, Pháp công bố danh sách tập trung cho World Cup 2006. Louis Saha và Mikael Silvestre – hai đồng đội của tôi ở Man United, được gọi. Còn tôi thì không.
Lúc ấy, tôi không thất vọng nữa, mà giận phát điên lên. Tôi dành cả mùa Hè để tập gym, giương mắt ra nhìn các đồng đội của mình đưa Pháp… vào tận chung kết. Chung kết World Cup! Hình dung mà xem! Đáng lý ra tôi phải ở đấy!! Tôi muốn đập phá hết mọi thứ. Tôi lao vào tập như điên. Tăng tạ. Tăng lần tập. Đau đớn hơn. Tôi thậm chí tập xuyên cả ngày nghỉ.
Tôi không biết mình phải mất bao nhiêu thời gian để lấy được vị trí ở Man United. Tôi cứ tưởng rằng mình sừng sỏ lắm, nhưng Man United lớn hơn tất thảy những thứ tôi từng biết. Chúng tôi đá một trận đấu cúp với một đội hạng Tư, và có đến 76.000 khán giả trên khán đài chứng kiến. Ở Monaco, tôi chỉ chơi trước 6.000 khán giả. Không khí ở đó yên lặng đến mức bạn có thể nghe rõ được tiếng chuông điện thoại reo trên khán đài. Tôi không đùa đâu.
Khi tôi trở lại Man United để chuẩn bị cho mùa giải mới, tôi mạnh và nhanh hơn bao giờ hết. Và sau đó, tôi trở nên không thể ngăn cản. Đấy là lý do trận đấu với Man City là điểm sáng của tôi ở Man United. Tôi cần thứ kinh nghiệm này, tôi cần cái cảm giác rằng tôi chẳng là cái quái gì cả.
Nó là thứ khiến tôi nhận ra rằng, “Phải chăm chỉ hơn nữa, cậu bạn ạ!”
Tôi tìm thấy cá tính của mình ở Man United. Để tôi giải thích cho mà nghe. Nếu bạn bước vào phòng thay quần áo của chúng tôi trước trận đấu, bạn sẽ phải thốt lên: “Không thể nào”. Chúng tôi hát hò và nhảy múa. Tôi đóng vai trò DJ, chơi từ rock, rap cho đến R&B. Nếu Sir Alex bước vào, ông sẽ thốt lên: “Thứ nhạc quái quỷ gì thế này?” – Tôi sẽ cho ông ấy nghe vài bản của Sinatra. Nơi này là một bữa tiệc khổng lồ.
Nhưng khi trận đấu bắt đầu, “Bố già” hắng giọng, và tất cả như tắt công tắc. Nhạc dừng. Không còn cả một tiếng xì xào. Chúng tôi trở thành những chiến binh, sẵn sàng chết vì nhau. Thời khắc chuyển đổi là cực kỳ ấn tượng.
Đó chính là cá tính và sự chuyên nghiệp của chúng tôi ở Man United. Chúng tôi cực kỳ vui vẻ, nhưng đến giờ làm việc, chúng tôi vào việc. Nó chính là ADN của tôi, 100%. Đấy là lý do tôi cảm thấy cực kỳ kết nối với đội bóng. Có vài thời điểm, tôi toàn tâm toàn ý với đội bóng đến mức ảnh hưởng cả đến đời sống gia đình. Khi ấy, tôi bắt đầu nghĩ Wow, có khi nào mình đi quá xa rồi không?
Bạn có biết tấm băng rôn cổ động viên Man United vẫn căng trên khán đài không?
Man United – Con cái – Vợ
Cứ theo thứ tự ấy mà làm
Nó khá hài hước. Nhưng nói nghiêm túc, nó là thứ đem đến thành công ở Man United. Chơi bóng ở đây, đi kèm theo nó là rất nhiều trách nhiệm. Ví dụ nhé, việc đầu tiên tôi làm khi đặt chân đến Man United là mua một lô đĩa DVD, và bắt đầu học về lịch sử của CLB. Khi tới Old Trafford, ai cũng phải biết về lịch sử Man United, vì khi đó, bạn là người tiếp nối truyền thống nơi này.
Rời Man United năm 2014 là quyết định khó khăn nhất của tôi. Một ngày nào đó tôi sẽ nói rõ hơn, nhưng tôi có thể nói với bạn rằng, tôi cực kỳ muốn mình sẽ giã từ sự nghiệp trong màu áo Man United.
Nhưng khi chia tay, tôi lại thấy hạnh phúc khi gia nhập Juventus. Mười tám tháng chơi cho Juventus khiến sự nghiệp của tôi ở Man United giống như một kỳ nghỉ. Ở đây chúng tôi phải chạy nhiều hơn. Khi chúng tôi giữ sạch lưới, chúng tôi bị phàn nàn về việc phải nhận quá nhiều quả phạt góc. Khi chúng tôi bỏ cách đội xếp thứ nhì đến 15 điểm, nhưng thua Torino, không khí trên sân tập ngày hôm sau chẳng khác nào có ai đó vừa mới chết.
Tôi còn nhớ trong một buổi tập, Claudio Marchisio bị nôn và phải ngừng tập. Khi buổi tập kết thúc, mọi người bước ra nghỉ, HLV nói với cậu ấy: “Không, không, cậu phải hoàn thành bài tập”. Cậu ấy dính bệnh, nhưng vẫn phải tập bằng hết.
Đấy chính là Juventus.
Nhưng Man United, mọi người ạ. Man United thì khác. Man United giống… tôi.
Sau khi rời Juventus, tôi đánh mất một phần thứ văn hóa chiến thắng ấy. Bây giờ tôi đã 38 tuổi. Và tôi muốn giải nghệ.
Mục tiêu duy nhất của tôi hiện tại, là trở thành con người tốt nhất có thể.
Đáng lẽ tôi không nên nói ra đâu, nhưng tôi đã lập ra hai nhà mở ở Senagal, giúp hơn 400 trẻ em ở đây được ăn no và học hành tử tế. Đấy mới là thành tựu lớn nhất trong sự nghiệp của tôi. Tôi cũng sẽ tiếp tục với “Tôi yêu cuộc sống này” bởi tôi muốn chia sẻ niềm hạnh phúc cho mọi người. Tôi không thể giải thích nổi cái cảm giác khoan khoái khi ai đó nói với mình: “Ồ Patrice, bố tôi vừa mất, nhưng khi xem video của anh, tôi lại mỉm cười”.
Chính nó đưa tôi đến việc lựa chọn hình ảnh con gấu trúc. Trong vài video, tôi khoác vai một chú gấu trúc, thậm chí mặc bộ đồ gấu trúc. Tôi nhảy múa, ca hát, làm bất cứ trò gì và nói: “Hãy giống như gấu trúc! Tôi đen, trắng, đến từ châu Á và mũm mĩm. Nói không với phân biệt chủng tộc!”.
Patric Evra đóng vai gấu trúc.
Đấy là một thông điệp mạnh mẽ. Tôi hi vọng chú gấu trúc sẽ khiến mọi người nhận thức rằng chúng ta đều giống nhau, rằng chúng ta nên chung tay làm mọi điều khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Đừng phán xét người khác bởi trọng lượng cơ thể, màu da, màu tóc hay màu mắt. Chúng ta đều là con người, chúng là đều là anh em. Chúng ta là một đại gia đình.
Con gấu trúc nhắc tôi nhớ đến bài phát biểu mà Sir Alex đã nói với chúng tôi trước trận chung kết Champions League với Chelsea ở Moscow hồi năm 2008. Chúng tôi trong phòng thay quần áo khi “Bố già” bước vào. Như thường lệ, nhạc tắt. Bạn có thể nghe được tiếng cả cái kim rơi xuống sàn. Sir Alex cất lời: “Chúng ta thắng rồi…”
Chúng tôi nhìn nhau.
Ông từ tốn: “Chúng ta thực sự đã chiến thắng. Thậm chí không cần đá trận này, chúng ta vẫn thắng”.
Chúng tôi ngớ ra, kiểu như Ông ấy nói về cái gì ấy nhỉ? Trận đấu còn chưa bắt đầu cơ mà.
Sir Alex quay sang tôi. “Nhìn Patrice này”, ông nói. “Cậu ấy có đến 24 anh chị em. Hình dung xem mẹ cậu ấy phải vất vả đến thế nào để nuôi họ…”
Ông xoay sang Wayne Rooney
“Nhìn Wayne mà xem. Cậu ấy lớn lên ở một trong những khu phức tạp nhất của Liverpool…”
Ông lại quay sang Park Ji-sung.
“Nhìn Ji này, cậu ấy đã trải qua vô vàn thử thách ở Hàn Quốc để đến được đây…”
Chúng tôi bắt đầu hiểu ra rằng ông nói rằng về sự gắn kết anh em. Chúng tôi đâu chỉ là một đội bóng – chúng tôi là những con người đến từ mọi chân trời góc bể, từ mọi nền văn hóa, màu da và tôn giáo. Và giờ đây chúng tôi ở đây, bên nhau trong căn phòng thay quần áo ở Moscow, chiến đấu vì một mục tiêu chung. Qua bóng đá, chúng tôi trở thành huynh đệ chí tình.
“ĐÂY là chiến thắng của tôi!”, Sir Alex nói.
Tất cả chúng tôi đều nổi da gà. Sau đó, chúng tôi ra sân và đem về chức vô địch Champions League.
Đấy là Manchester United.
Đấy là lý do tôi yêu cuộc đời này.
Patrice Evra – Tôi yêu cuộc đời này