Ảnh minh họa: Reuters
Tuy cuộc điều tra can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ năm 2016 đã có những kết quả tích cực cho ông Trump, nhưng mọi chuyện dường như vẫn chưa kết thúc.
Ông Trump gay gắt
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố bằng chứng rõ ràng nhất cho việc “không cản trở công lý” là việc ông đã cho phép Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller thực hiện cuộc điều tra can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ năm 2016, mặc dù chính ông Trump có quyền chấm dứt hoạt động này bất kì lúc nào.
“‘Donald Trump đã bị vu oan. Ông ấy chống trả lại. Đó không phải là Cản trở Công lý. @JesseBWatters.’ Tôi có quyền chấm dứt Cuộc săn Phù Thủy (ám chỉ cuộc điều tra can thiệp của Nga vào bầu cử tổng thống Mỹ – ND) bất kì lúc nào tôi muốn. Tôi cũng có thể sa thải bất kì ai, bao gồm cả ông Mueller, nếu tôi muốn. Tôi chọn không làm như vậy. Tôi CÓ QUYỀN sử dụng Đặc quyền Điều hành. Nhưng tôi đã không dùng!”
Được biết, Đặc quyền Điều hành (Executive Privilege) là quyền giữ kín thông tin liên quan tới cách tư duy của các nhà lãnh đạo. Tòa án không thể buộc tổng thống tiết lộ những thông tin này, đặc biệt nếu có liên quan tới an ninh hay quyền lợi quốc gia. Do đó, theo luật, ông Trump có thể từ chối cung cấp thông tin liên quan hoặc chấm dứt cuộc điều tra Nga.
Ông Trump từ lâu đã cáo buộc Đảng Dân chủ đã thực hiện “cuộc săn phù thủy” nhằm vào ông. Mặc dù cuộc điều tra đã tạm thời minh oan cho ông Trump và khẳng định tổng thống Mỹ không thông đồng với Nga, những phe đối lập vẫn chỉ trích và cho rằng ông Trump đã cản trở công lý và gây khó dễ cho cuộc điều tra nói trên.
Có các báo cáo cho rằng ông Trump đã muốn sa thải ông Mueller, cũng như Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, cựu Luật sư Nhà Trắng Don McGahn, và Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein.
Hôm 18/4, Bộ trưởng Tư pháp William Barr cho biết, mặc dù điều tra viên đặc biệt đã xem xét 11 hành vi “cản trở công lý” của ông Trump, nhưng không có hành vi nào đủ nghiêm trọng để có thể truy tố tổng thống.
Kết quả cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller. Ảnh: Reuters / Carlo Allegri
Những kết quả nổi bật
Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller đã khẳng định rằng ông và đội ngũ điều tra không thể nói tổng thống Donald Trump “hoàn toàn vô tội” đối với cáo buộc cản trở công lý.
“Nếu chúng tôi khẳng định được ông Trump hoàn toàn vô tội, thì chúng tôi đã nói như vậy rồi. Tuy nhiên, chúng tôi không thể đi tới kết luận rằng ông Trump không cản trở công lý. Những bằng chứng chúng tôi thu thập được về hành động của tổng thống và những khó khăn mà ông ấy gây ra khiến chúng tôi không thể nói rằng ông Trump không cản trở công lý,” ông Mueller nói.
Công tố viên đặc biệt nói ông Trump đã không thành công trong việc can thiệp vào cuộc điều tra – chủ yếu bởi vì những cộng sự và cố vấn chủ chốt đã ngăn ông Trump hoặc từ chối thực hiện mệnh lệnh của ông Trump.
Đội ngũ của ông Mueller từ chối đưa ra “bản án công tố” về tội cản trở công lý của ông Trump, dựa theo điều luật hiện tại của Bộ Tư pháp rằng tổng thống đương nhiệm không thể bị luận tội.
Ngoài ra, ông Mueller cho biết một cáo buộc hình sự có thể làm cản trở hoạt động điều hành đất nước của ông Trump.
Cuối cùng, đội điều tra của ông Mueller kết luận rằng “mặc dù báo cáo không thể chỉ ra tội của tổng thống Mỹ, nhưng cũng không hoàn toàn chứng tỏ ông Trump vô tội”.
Ngược lại, Bộ trưởng Tư pháp William Barr khẳng định rằng không có đủ bằng chứng để cáo buộc ông Trump cản trở công lý. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng sóng gió đã kết thúc với ông Trump.
Theo Business Insider, báo cáo của ông Mueller có 11 khoản đã được điều tra về hành vi “cản trở công lý” của ông Trump, bao gồm:
1. Phản ứng của đội ngũ tranh cử của ông Trump khi biết tin về sự ủng hộ của Nga với ông Trump.
2. Cuộc điều tra liên quan tới cựu Giám đốc FBI James Comey và Michale Flynn.
3. Phản ứng của ông Trump khi cuộc điều tra Nga vẫn tiếp tục.
4. Hành động sa thải ông Comey của ông Trump.
5. Việc bổ nhiệm Công tố viên Đặc biệt và nỗ lực sa thải người này.
6. Nỗ lực cản trở hoạt động điều tra của Công tố viên Đặc biệt.
7. Nỗ lực cản trở công bố bằng chứng của cuộc điều tra cho công chúng.
8. Nỗ lực trao quyền kiểm soát cuộc điều tra cho Bộ trưởng Tư pháp.
9. Nỗ lực buộc Cố vấn Nhà Trắng McGahn phủ nhận việc tổng thống Mỹ yêu cầu McGahn tìm cách sa thải Công tố viên Đặc biệt.
10. Cuộc điều tra liên quan tới Flynn, Manafort.
11. Cuộc điều tra liên quan tới Michael Cohen.